Khung pháp lý hiện nay với một số cơ chế mới như bán cổ phần trọn lô đã hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm kiếm NĐT chiến lược cho các DN. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, không ít DNNN vẫn tồn tại các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số khoản đầu tư thậm chí thua lỗ nặng nề, dẫn đến không hấp dẫn NĐT.
Trong khi đó, có được bên mua tiềm năng đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo cho cuộc đấu giá cổ phần thành công và có NĐT chiến lược phù hợp là yếu tố quyết định cho hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN sau đó. Sau khi DN thực hiện cổ phần hóa/thoái vốn nhà nước, với sự tham gia của các chủ thể mới, hoạt động của DN sẽ thay đổi theo chiều sâu và thay đổi thực chất trong quản trị DN, thay đổi căn bản cấu trúc DN, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Điều này góp phần làm tăng lượng hàng hóa có chất lượng cao cho TTCK.
Mục tiêu cổ phần hóa giai đoạn 2014 - 2015 của Chính phủ là hoàn thành cổ phần hóa 432 DNNN. Năm 2014, cả nước cổ phần hóa được 143 DN. Đến ngày 15/10/2015, cả nước cổ phần hóa được thêm 115 DN
Để giải quyết khó khăn nêu trên, các CTCK nỗ lực hỗ trợ các DN cổ phần hóa/thoái vốn nhà nước bằng cách đưa ra nhiều giải pháp tư vấn phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Bằng việc chú trọng xây dựng cơ sở khách hàng cả bên bán và bên mua, CTCK đóng vai trò như một nhà môi giới kết nối các bên khi có nhu cầu mua, bán cổ phần. Để có thể trở thành nhà tư vấn tốt với vai trò là bên bán, các CTCK tập trung xây dựng hệ thống khách hàng, gồm các DN, tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Trên nền tảng khách hàng này, CTCK triển khai đa dạng các dịch vụ tư vấn cho DN, đồng thời giới thiệu cơ hội đầu tư cho NĐT trong và ngoài nước.
Thực tế cho thấy, trong quá trình cổ phần hóa, các DN minh bạch về thông tin, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước, cởi mở với NĐT thường cổ phần hóa thành công và tìm kiếm được NĐT chiến lược.
Mỗi CTCK có chiến lược tập trung cho các ngành dịch vụ cốt lõi khác nhau, nhưng tư vấn tài chính DN là một trong những nghiệp vụ được nhiều CTCK chú trọng và xác định là dịch vụ mang tính chiến lược trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, để cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính tốt, CTCK cần kết hợp giữa kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cả trong và ngoài nước. Các CTCK cần phải vươn ra thị trường khu vực và thế giới nhằm tìm kiếm các NĐT tiềm năng cho DN trong nước, đồng thời học hỏi, áp dụng các thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới. Xây dựng được đội ngũ chuyên viên tư vấn tốt chính là kim chỉ nam và là yếu tố quyết định sự thành công của nhiều thương vụ tư vấn cổ phần hóa/thoái vốn nhà nước.
Không chỉ giới hạn ở các dịch vụ tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, hay các dịch vụ tài chính một cách đơn lẻ, xu hướng trên thị trường hiện nay cho thấy, các DN thường lựa chọn CTCK có khả năng triển khai trọn gói các dịch vụ tư vấn. Bởi lẽ, ngoài việc kết nối tìm kiếm NĐT chiến lược, các DN rất cần CTCK giải bài toán nhằm đạt được sự bền vững về tài chính cũng như về mặt giá trị cổ phiếu. Theo đó, không chỉ hợp tác với DN trong một thời gian ngắn, mối quan hệ giữa CTCK ở vai trò là nhà tư vấn với DN sẽ phát triển thành sự hợp tác dài hạn và trở thành những người bạn đồng hành, nếu CTCK thực sự có năng lực và hoạt động bài bản.