Trọng tài thương mại sẽ là cơ chế tố tụng đáng tin cậy cho ngành ngân hàng trong tương lai gần

Trọng tài thương mại sẽ là cơ chế tố tụng đáng tin cậy cho ngành ngân hàng trong tương lai gần

Hóa giải rủi ro tố tụng tòa án bằng trọng tài thương mại

(ĐTCK) Cho vay và nợ xấu là 2 mặt đối lập trong hoạt động kinh doanh tín dụng truyền thống của ngành ngân hàng. Nợ xấu đồng nghĩa với yếu tố chây ì từ những người trả nợ và đi đến kết cục ngân hàng phải nhờ sự phán xử từ các cơ quan tài phán. Những năm qua, có lẽ kỷ lục về số lượng nguyên đơn trong những vụ án dân sự trên cả nước thuộc về giới ngân hàng. 

Hầu hết ở mỗi tỉnh thành lớn trong cả nước, các tòa án cấp quận, huyện đều đã xét xử các vụ án liên quan đến ngân hàng. Tuy nhiên, dường như càng nhiều kinh nghiệm hầu kiện tại tòa, giới ngân hàng càng có nhu cầu tìm kiếm một giải pháp mới thay thế cho con đường tranh trụng đòi nợ qua tòa án.

Rủi ro tố tụng tòa án...

Về lý thuyết, một khi khách hàng có nợ xấu, ngân hàng kiện ra tòa án sẽ được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp hồ sơ khởi kiện của ngân hàng đều được tòa án đón nhận suôn sẻ. Có ngân hàng từng bị tòa án từ chối thụ lý hồ sơ vì người bị kiện không còn cư trú tại nơi đăng ký tạm trú dài hạn. Ngân hàng này liền thay đổi khởi kiện khách hàng tại nơi có hộ khẩu thường trú.

Tuy nhiên, tòa án địa phương nơi khách hàng có hộ khẩu thường trú cũng từ chối với lý do người bị kiện đã đăng ký tạm vắng và rời khỏi địa phương từ lâu. Đó chỉ là một trong vô số lý do khiến cho nhiều hồ sơ khởi kiện của ngân hàng bị từ chối, hoặc bị trì hoãn thụ lý.

Ngay cả khi qua được ngưỡng cửa tòa án, rất nhiều ngân hàng từng gánh chịu kết quả khá bi quan về khả năng thu hồi nợ. Thực tiễn ghi nhận, nhiều vụ án mà ở đó ngân hàng không hề đánh giá cao tính hợp lý trong phán quyết của tòa án dành cho mình.

Những năm qua, chỉ riêng việc có khá nhiều ngân hàng bị tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng bảo đảm vì lý do gọi không đúng tên hợp đồng (bao lãnh, thế chấp) đã phần nào phản án nỗi bức xúc của giới ngân hàng. Quá chú trọng vào một yếu tố hình thức như tên gọi, nhiều tòa án đã phủ quyết bản chất thật sự của giao dịch tự thỏa thuận.

Tên gọi bảo lãnh, hay thế chấp, thì không hề thay đổi bản chất việc chủ tài sản đã tự nguyện thỏa thuận dùng tài sản bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ của ngân hàng. Tương tự, nhiều vấn đề về nghiệp vụ tài chính ngân hàng, khi đụng chạm bằng cách hiểu cứng nhắc của một số thẩm phán đã dẫn đến những quyết định phán xử không phù hợp với bản chất giao dịch kinh doanh.

Tất cả những điều đó tạo nên một rủi ro mới cho ngành ngân hàng - rủi ro tố tụng tòa án.  

... và vai trò thay thế của trọng tài thương mại

Trong một tương lai gần, trọng tài thương mại chính là cơ chế tố tụng đáng tin cậy cho ngành ngân hàng. Trước đây, nhiều ngân hàng không tin tưởng lựa chọn trọng tài, bởi bên thua kiện trọng tài có quyền yêu cầu tòa án xem xét, hủy quyết định trọng tài và xét xử lại từ đầu.

Cùng với sự hết hiệu lực của pháp lệnh trọng tài thương mại, điểm bất cập nêu trên đã được xóa bỏ. Luật Trọng tài thương mại hiện nay đã đưa ra rất nhiều cơ chế bảo đảm cho trọng tài có quyền ra phán quyết và quyết định, thậm chí cả quyền quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như tòa án để đảm bảo giải quyết tranh chấp.

So sánh với tố tụng tòa án, trọng tài thương mại chắc chắn nhiều điểm ưu việt hơn. Thứ nhất là tốc độ giải quyết tranh chấp, rút ngắn sự lãng phí thời gian công sức theo đuổi kiện tụng như qua con đường tố tụng tòa án. Theo quy định, thời hạn giải quyết tại tòa án có thể kéo dài từ 7-12 tháng, nhưng trên thực tế có thể mất từ 1-3 năm. Trong khi đó, về mặt quy định, nếu cộng tất cả các thời hạn theo các trình tự, thủ tục liên quan, thì thời hạn giải quyết một vụ tranh chấp của trọng tài thương mại chỉ mất khoảng 120 ngày và giữa quy định với thực tế không khác xa là bao.

Một ưu thế vượt trội của trọng tài thương mại là ở đội ngũ trọng tài viên. Thực tế, họ đều là những chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau, rất am hiểu kiến thức và dày dạn kinh nghiệm về những vụ việc mà họ tham gia giải quyết trong tư cách trọng tài viên.

Cơ chế thị trường trong xử lý vụ việc cũng là đặc điểm nổi trội. Nhiều ngân hàng, công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng, trước đây rất khó khăn để đem những khoản nợ xấu chỉ có giá trị vỏn vẹn vài triệu đồng ra tòa án khởi kiện. Không kiện, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong theo dõi, xử lý nợ xấu, mà kiện thì khó khăn để thuyết phục tòa án mở cả tiến trình tố tụng chỉ để xử lý khoản tiền ít ỏi vài triệu đồng.

Tuy nhiên, các trung tâm trọng tài với sự đa dạng và linh hoạt của mình đã tiếp nhận và xử lý được vấn đề này. Cho đến nay, hầu hết công ty tài chính đã tiên phong lựa chọn trọng tài thương mại thay cho tòa án để yêu cầu giải quyết các tranh chấp tín dụng phát sinh.

Kỳ vọng một ngày nào đó, rủi ro tố tụng tòa án sẽ được xử lý hoàn toàn bởi tố tụng trọng tài. 

Tin bài liên quan