TS Nguyễn Đinh Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung (CIEM).
Thưa ông, kinh tế quý III/2022 đã ghi nhận các tín hiệu tích cực, cả về tốc độ tăng trưởng, về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới... Tuy nhiên, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn nhấn mạnh, khó khăn, thách thức còn rất lớn với mục tiêu phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.
Ông nghĩ thế nào về tình hình hiện tại?
Những tín hiệu là tích cực, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới, địa chính trị vẫn đang tiếp tục phức tạp. Có 2 điểm cần ghi nhận, đó là nỗ lực trong ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nỗ lực của các doanh nghiệp.
Nhưng đề đảm bảo cho phục hồi và tăng trưởng nhanh, bền vững, cần nhìn nhận 3 nhóm vấn đề sau.
Một là, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Hai là, hội nhập kinh tế quốc sâu rộng thông qua các FTAs song phương, đa phương. Ba là, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; phục hồi kinh tế, tang trưởng nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề xã hội.
Trong nhóm giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, thì chính sách tiền tệ không thể nới lỏng để kiểm soát, kiềm chế lạm phát, nghĩa là khó có thể hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng.
Thưa ông, chính sách tài khoá có thể phối hợp, bù đắp cho chính sách tiền tệ trong thúc đẩy tăng trưởng?
Có thể, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Tổng cộng các khoản hỗ trợ doanh nghiệp theo Chương trình phục hồi là khoảng 237,65 ngàn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.
Nhưng các doanh nghiệp, số thuế, phí miễm giảm nói trên không bù đắp được số chi phí đầu vào gia tăng.
Ngoài ra, số thu vào ngân sách từ doanh nghiệp đang gia tăng, nhất là thu tiền sử dụng đất, thu số thuế được giản, hoãn trước đây, thu bảo hiểm xã hội.
Trong các con số thống kê thì xuất khẩu vẫn là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thưa ông?
Cho đến nay, xuất khẩu vẫn đang là một động lực tăng trưởng quan trọng, nhưng đang xuất hiện một số nhân tố có thể làm giảm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đó là, tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nói riêng đang suy giảm mạnh trong năm 2022-2023; có thể sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa kỳ đang ngày càng gia tăng. Đây là hai đối tác, hai thị trường không thể thiếu, không thể thay thế trong phát triển kinh tế việt nam.
Dư địa “cân bằng” quan hệ với hai đối tác nói trên có thể bị thu hẹp, và khó khăn hơn.
Xung đột quân sự Nga - Ukraine đang leo thang, sẽ còn bất bất định khó lường.
FDI đăng ký mới đang có xu hướng chững lại, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng công nghiệp chế tác chế tạo, giảm xuất khẩu...
Có thể thấy, những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đang giảm dần. Trong các dự báo của tổ chức quốc tế, bên cạnh dự báo tích cực cho năm 2022 thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 có xu hướng giảm, tạo ra khoảng cách ngày càng xa đối với mục tiêu kế hoạch 2021-2025.
Vì vậy, tôi vẫn giữ quan điểm phải trông vào trụ cột thứ ba, đó là cải cách vi mô, những cải cách về phía cung, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng tiềm năng tăng trưởng bền vững.
Việc cần ưu tiên là cải cách thể chế cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh (huy động đầu tư tư nhân), đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công và cải cách nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước...
Đáng nói là những thay đổi trên lĩnh vực này hoàn toàn không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài không kiểm soát được; không giới hạn và về lý thuyết, không gì là không thể, hoàn toàn nằm trong ý chí, mong muốn và quyền tự quyết của chúng ta.
Trong các cuộc gặp với công đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ vẫn luôn cam kết mạnh mẽ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thưa ông?
Điểm thuận lợi là Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/2022 xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm cải cách cải thiện môi trường kinh doanh 2022-2025; chứng tỏ Chính phủ nhiệm kỳ này vẫn coi cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm.
Trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ vẫn xác định cải cách thể chế là một trong 5 trụ cột; đã có những nổ lực khắc phục chồng chéo, mấu thuẫn giữa các luật.
Thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng của pháp luật gây khó khăn, vướng mắc cho việc thực thi của cơ quan nhà nước, và tuân thủ của người dân và doanh nghiệp đã được thừa nhận.
Nhưng lực cản không nhỏ và khá nhiều lực cản chưa từng có. Ngân hàng Thế giới (WB) ngừng công bố Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) làm mất đi công cụ so sánh quốc tế phù hợp nhất, dễ theo dõi, tạo áp lực nhiều nhất đối với cải cách cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng sẽ dừng công bố, thay vào đó là Green Index, theo tôi cũng sẽ mất đi công cụ cạnh tranh cấp tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh địa phương.
Đặc biệt, xuất hiện thái độ, tinh thần và cách thức làm việc không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể là công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Về cách thức làm việc, cũng có hàng loạt các hiện tượng làm chậm lại quá trình ra quyết định giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ví như, trước đây, công việc của ngành nào, ngành đó xử lý theo các quy định pháp luật tương ứng đối với ngành; nay mọi việc, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng... các sở có liên quan đều phát công văn tham vấn ý kiến của tất cả sở ngành, do đó, việc giải quyết công việc liên quan kéo dài nhiều lần so với trước và sẽ quyết định theo cơ chế đồng thuận.
Trong nhiều trường hợp, họ tham vấn ý kiến chuyên môn của các bộ, ngành liên quan, nhưng cách và nội dung trả lời nếu có không giúp ích gì cho công việc của họ...
Và hệ quả là, rất ít, thậm chí không có các dự án đầu tư mới được cấp chủ trương đầu tư. Hàng ngàn dự án đầu tư không thể hoàn thành đủ các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai thực hiện.
Giải ngân đầu tư công vẫn chậm, dù Chính phủ lập nhiều đoàn công tác để chỉ đạo và đôn đốc. Chương trình phục hồi kinh tế triển khai chậm so với yêu cầu, trừ giải pháp miễn, giảm thuế được thực hiẹn một cách tự động.
Như vây, năng lực sản xuất, tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế có thể bị suy giảm...
Vậy để tìm kiếm và khôi phục lại động lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, ông có những kiến nghị gì?
Thứ nhất, cần gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tôi đề nghị phục hồi lại hoạt động và tăng cường năng lực của Hội đồng quốc gia về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ cần thường xuyên chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu các bộ, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02, nhất là 10 nhiệm vụ trong tâm.
Thúc đẩy và duy trì tính liên tục trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và thực hiện Nghị quyết 02 nói riêng trên cơ sở kết nối, cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp. Việc đầu tiên nên làm là ”ai không làm, không muốn làm, không làm được thì đứng sang một bên, để cho người khác làm” như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động và thường xuyên kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp, trực tiếp phản ánh yêu cầu và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp lên Thủ tướng và các cơ quan nhà nước liên quan; qua đó, lấy lại niềm tin và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả như đã từng có.
Liên quan đến đầu tư công, theo tôi cần tập hợp, đánh giá và phân loại các nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nhiều nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm, trên cơ sở đó, Chính phủ có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2022-2025.
Trong các cuộc họp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đang có những ý kiến cho rằng, có nguyên nhân chậm trễ từ tâm lý sợ làm sai của các công chức và cả nhà đầu tư. Ông có ý kiến gì về tâm lý này?
Họ đang sợ gì, sợ làm sai quy định, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro, sợ thanh tra, kiểm tra và truy cứu trách nhiệm hay sợ mất cả sự nghiệp và liên luỵ khác?
Tôi đã đi đến một số địa phương, có thể thấy đây là tâm trạng khá phổ biến của công chức các cấp. Phải hoá giải các nỗi sợ của công chức nhà nước, nhất là ở địa phương và của các nhà đầu tư nữa.
Các giải pháp có thể làtổ chức giao ban định kỳ (2lần/tháng) hoặc đột xuất với tham dự của bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND và người đứng đầu các ban, sở có liên quan, trong đó có ban nội chính, thanh tra, công an...
Các cuộc làm việc này sẽ định hướng các giải pháp tháo bỏ các rào cản, vướng mắc đối với huy động nguồn lực phát triển kinh tế địa phương; định hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư cụ thể trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, cho thuê và giao đất, trong thực hiện dự án đầu tư và các vấn đề khác có liên quan.
Trong trường hợp có quy định pháp luật chồng chéo, khác biệt hoặc chưa cụ thể, thì áp dung quy định phù hợp nhất có thể giải quyết được khó khăn, vướng mắc có liên quan.
Đây cũng là nơi để nghe phản ánh, ý kiến, kiến nghị của các cán bộ, công chức liên quan về các cuộc thanh, kiểm tra…. (khác với nhận định, dánh giá của thanh tra, kiểm tra) để bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm trong trường hợp cấn thiết.
Cũng là nơi xác định rõ định hướng quyết định các vấn đề quan trọng khác đối với phát triển kinh tế địa phương cũng như xác định cam kết của nhà đầu tư trong thực hiện dự án, trong đó có cam kết về thời hạn hoàn thành dự án.
Đặc biệt, trên cơ sở các cuộc làm việc này, địa phương tập hợp, đánh giá, phân loại các dự án hiện chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý theo nhóm các nguyên nhân; trình lên các cuộc giao ban định kỳ nói trên để ra các định hướng giải pháp xử lý nhằm tiếp tục thực hiện các dự án nói trên trong thời hạn sớm nhất có thể.
Ngoài các giải pháp trên, theo ông có thể có thêm giải pháp gì để thúc đẩy?
Tôi cũng kỳ vọng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các thực tiễn tốt trong giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, nhất là các khó khăn, vướng mắc về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... liên quan đến các dự án đầu tư trong bối cảnh hiện nay.
Mục đích là để cùng rút kinh nghiêm, phổ biến và nhân rộng trên toàn quốc, trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.