Hóa chất Đức Giang (DGC) đặt mục tiêu lãi 700 tỷ đồng quý đầu năm, giảm 54% cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
Nếu kế hoạch này đạt được, đây là quý thứ 3 liên tiếp, Hóa chất Đức Giang có tăng trưởng âm về lợi nhuận.
Hóa chất Đức Giang (DGC) đặt mục tiêu lãi 700 tỷ đồng quý đầu năm, giảm 54% cùng kỳ

Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) công bố nghị quyết về kế hoạch kinh doanh quý I/2023. Theo đó, tổng doanh thu là 2.578 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 700 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và giảm 54% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu kế hoạch này đạt được, đây là quý thứ 3 liên tiếp, Hóa chất Đức Giang có tăng trưởng âm về lợi nhuận. Trước đó, quý III và IV/2022, doanh nghiệp đều giảm lãi sau giai đoạn đỉnh cao.

Hóa Chất Đức Giang cũng đặt kế hoạch tiêu thụ lớn nhất gypsum (thạch cao) và xỷ lò, tương đương 120.00 tấn/sản phẩm. Phốt pho vàng, axit photphoric - các mảng chủ lực trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp dự kiến đạt mức tiêu thụ 10.000 tấn.

Ngoài ra, tập đoàn dự kiến sẽ đầu tư 20 tỷ đồng để hoàn thành hệ thống xử lý gypsum; đầu tư 50 tỷ đồng cho dự án phân bón ở Đăk Nông.

Hóa chất Đức Giang sản xuất kinh doanh phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam... Công ty bán hàng và phân phối sản phẩm trên khắp địa bàn trong nước và thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ... Công ty dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 29/3.

Năm 2022, doanh thu công ty tăng 51% lên 14.444 tỷ đồng nhờ sản lượng sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, giá bán tăng (doanh thu phốt pho vàng tăng 112%, doanh thu các mặt hàng phân bón tăng 22%, doanh thu WPA tăng 62%...). Lợi nhuận trước thuế lập kỷ lục mới, đạt 6.375 tỷ đồng.

Báo cáo tháng 11/2022 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) quan ngại về những thách thức mà Hoá chất Đức Giang phải đối mặt trong năm 2023.

Thứ nhất, mảng phốt pho vàng có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra, dự báo nhu cầu điện tử sụt giảm mạnh trong 2023. Công ty dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023.

Thứ hai, Dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch.

Thứ ba, giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm, nông dân lo ngại mở rộng diện tích canh tác khi chi phí trồng trọt tăng và giá nông sản có xu hướng quay đầu giảm trong bối cảnh lạm phát kéo dài và khủng hoảng năng lượng.

Tin bài liên quan