Hoá chất Cơ bản miền Nam (CSV), cảnh giác với “game” thoái vốn

Hoá chất Cơ bản miền Nam (CSV), cảnh giác với “game” thoái vốn

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Cổ phiếu của Công ty cổ phần Hoá chất Cơ bản miền Nam (CSV) biến động mạnh trong hơn 1 tháng qua khi có đồn đoán về giá thoái vốn của cổ đông nhà nước gấp 4 lần thị giá hiện nay.

Giá thoái vốn khủng khi triển vọng chưa sáng rõ

Giới đầu tư đang râm ran thông tin Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại CSV từ 61% về 51% vốn điều lệ, tương ứng bán ra 6.189.000 cổ phiếu) với mức giá khởi điểm lên tới 136.300 đồng/cổ phiếu.

So với giá đóng cửa ngày 13/11/2020 là 27.050 đồng/cổ phiếu thì mức giá thoái vốn khởi điểm gấp 4 lần. Và so với giá trị sổ sách công ty mẹ tại thời điểm tới 30/9/2020 khoảng 22.559 đồng/cổ phiếu, thì giá thoái vốn khởi điểm cao gấp 5 lần.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm, Hoá chất Cơ bản miền Nam ghi nhận doanh thu 995,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 143,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,2% và 21% so với 9 tháng đầu năm 2019. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 27,7% lên 28,1%. Doanh nghiệp đã hoàn thành 69,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Giải trình lý do doanh thu giảm, Công ty cho biết, do các sản phẩm chính như NAOH, H2SO4 đều giảm về sản lượng tiêu thụ và giá bán.

Tính tới thời điểm 30/9/2020, CSV có tổng giá trị tài sản cố định là 122,9 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng tài sản. Trong đó, nguyên giá là 978,1 tỷ đồng và khấu hao luỹ kế 864,7 tỷ đồng. Trong năm 2019, Công ty cho biết các nhà máy đã khấu hao gần hết nhưng vẫn vận hành bình thường.

Ngoài ra, hiện CSV có 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hoà I, dự kiến sẽ phải di dời theo chủ trương chuyển đổi công năng tại khu công nghiệp này. CSV đã hoàn tất thủ tục thuê 18 ha đất tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 với tổng số tiền hơn 406 tỷ đồng phục vụ cho việc di dời nhà máy.

Như vậy, để đảm bảo hoạt động ổn định, cũng như tăng trưởng, Công ty cần sớm thực hiện kế hoạch đầu tư, xây dựng mới nhà máy. Ngoài ra, việc di dời 3 nhà máy ở Khu công nghiệp Biên Hoà I cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động liên tục của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh giai đoạn thực hiện di dời.

Trong giai đoạn đầu xây dựng nhà máy tới thời điểm vận hành, cũng như từ lúc vận hành tới điểm hoà vốn, kết quả kinh doanh của Công ty sẽ bị ảnh hưởng vì đây là giai đoạn dòng tiền ra lớn hơn nhiều dòng tiền thu về. Trong khi tính tới 30/9/2020, tổng tiền và đầu tư tài chính của CSV đạt 304,1 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng tài sản và doanh nghiệp có thể dùng một phần lượng tiền sở hữu cũng như huy động thêm phục vụ hoạt động mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành hoá chất đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn cả ở trong nước lẫn từ các công ty đa quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc. Thêm nữa, nhiều công ty trong ngành giấy và may mặc (hai ngành sử dụng hoá chất lớn) cũng đang bắt đầu đầu tư sản xuất để tự cung cấp nhu cầu hoá chất, dẫn tới giảm giá sản phẩm. CSV đã phải đối mặt với áp lực cạnh tranh này trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020.

Lịch sử đã chứng minh những “game” thoái vốn chỉ mang tính ngắn hạn, giá cổ phiếu chỉ tăng bền vững với hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định và tình hình doanh nghiệp ngày một cải thiện.

Như vậy, mặc dù Hóa chất cơ bản miền Nam là một trong những doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ngành nhưng với nhu cầu vốn đầu tư mở rộng sắp tới, cũng như sức ép cạnh tranh diễn ra gay gắt đang tạo ra những thách thức lớn đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty.

Bên cạnh đó, khi giá thoái vốn khởi điểm đặt ra quá cao với giá thị trường và giá trị sổ sách khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi về tính khả thi của đợt thoái vốn này.

Một yếu tố khác là tỷ lệ thoái vốn cũng chỉ ở mức 10%, không đủ hấp dẫn nhà đầu tư mới có mong muốn chi phối doanh nghiệp.

Bài học AFX

Một câu chuyện trên thị trường mà nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu CSV ở thời điểm này cần lưu ý là trường hợp Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (AFX).

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thông qua kế hoạch bán ra toàn bộ 17,85 triệu cổ phiếu AFX với giá khởi điểm 18.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ AFX. Giá này hơn gần gấp 3 lần hơn thị giá AFX, lúc đó dao động quanh vùng 5.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi thông tin thoái vốn được công bố giá AFX bật tăng mạnh, chạm đỉnh vùng 12.500 - 13.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau đó đợt thoái vốn của SCIC không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá và giá cổ phiếu AFX trên sàn ngay lập tức quay đầu giảm mạnh, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/10 chỉ là 7.600 đồng/cổ phiếu, tức giảm hơn 39% kể từ đỉnh và đến thời điểm 13/11/2020, cổ phiếu này giao dịch ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu.

Điều đáng chú ý trong giai đoạn cổ phiếu AFX tăng nóng vào tháng 8, hàng loạt lãnh đạo Công ty và người thân liên tục bán ra. Cụ thể, bà Võ Thị Ngọc Hà, vợ ông Nguyễn Văn Tiến, thành viên Hội đồng quản trị bán ra 70.000 cổ phiếu; ông Nguyễn Văn Thửa, anh ông Nguyễn Thanh Xuân, thành viên Hội đồng quản trị bán ra 31.200 cổ phiếu; ông Nguyễn Thành Nam, em ông Nguyễn Thanh Xuân bán ra 11.800 cổ phiếu; bà Trần Kim Uyên, Kế toán trưởng bán ra 38.000 cổ phiếu; ông Trần Xuân Phúc, Phó tổng giám đốc bán ra 21.800 cổ phiếu.

Có thể thấy, dàn lãnh đạo đã nhanh tay chốt lời cổ phiếu nhờ tận dụng tin thoái vốn ngắn hạn, để bán cổ phiếu giá cao.

Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư bên ngoài nếu nhìn vào chênh lệch giá thoái vốn và giá thị trường mà mua vào giai đoạn tháng 8/2020 ở vùng giá 10.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu hiện tại đang tạm lỗ từ 20% tới 37%.

Câu chuyện của AFX là một ví dụ điển hình về quả đắng chạy theo sóng thoái vốn tại một số doanh nghiệp cổ phần có nguồn gốc nhà nước khi giá thoái vốn đưa ra quá cách biệt với giá thị trường mà không có lý do thuyết phục.

Khi đấu giá không thành công thì thị giá cổ phiếu lập tức quay lại điểm xuất phát, thậm chí có cổ phiếu còn giảm sâu hơn giá trước khi tăng khiến nhà đầu tư chịu lỗ lớn.

Lịch sử đã chứng minh những “game” thoái vốn chỉ mang tính ngắn hạn, giá cổ phiếu chỉ tăng bền vững với hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định và tình hình doanh nghiệp ngày một cải thiện.

Bài học của AFX vẫn còn đó, việc nhà đầu tư mua đuổi theo những doanh nghiệp chủ yếu vì chênh lệch giá thoái vốn và thị giá sẽ gặp rủi ro không hề nhỏ. Đặc biệt, với trường hợp Hóa chất cơ bản miền Nam, Công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mở rộng, chưa phải giai đoạn lợi nhuận quay trở về doanh nghiệp, cạnh tranh ngành gay gắt đang thách thức hoạt động kinh doanh.

Tin bài liên quan