Hòa Bình sẽ xây thêm hàng trăm cây số đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
Với mục tiêu trở thành “Thủ phủ golf”, phát triển du lịch làm mũi nhọn, Hòa Bình sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Hòa Bình sẽ xây thêm hàng trăm cây số đường bộ

Xác định du lịch là mũi nhọn

Công tác quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đã có 63/63 địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương đang tích cực triển khai lập quy hoạch tỉnh theo quy định. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 47 quy hoạch tỉnh được lập xong.

Mới đây nhất, ngày 28/10, tại Hội thảo tham vấn Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tỉnh này cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt trình độ phát triển trung bình khá của cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu Vùng trung du và miền núi phía Bắc. Để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tập trung phát triển 4 trụ cột cốt lõi là chế biến, chế tạo giá trị cao hơn, kinh doanh nông nghiệp, du lịch và phát triển nhà ở vệ tinh.

Cụ thể, Hòa Bình xác định du lịch là mũi nhọn, sẽ trở thành điểm đến “sinh thái và nghỉ dưỡng” với 4 chủ đề khác nhau, bao gồm “Hồ & Núi”, “Văn hóa & Dân tộc”, “Sức khỏe & Thư giãn” và “Thủ phủ Golf”. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng và nâng cấp đường giao thông, bến cảng, bến thuyền kết nối các khu, điểm du lịch; các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu thể thao, phát triển thêm 15 sân golf chất lượng cao.

Bên cạnh đó, kinh doanh nông nghiệp ở Hòa Bình có thể phát triển theo hướng sản xuất “hữu cơ và chất lượng cao”, với việc tập trung hóa sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chuỗi nông nghiệp chất lượng cao hơn, bể chứa carbon thương mại và du lịch nông nghiệp.

Ngành chế biến, chế tạo giá trị cao hơn có cơ hội trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Hòa Bình. Phát triển nhà ở vệ tinh dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển đô thị ở tỉnh này.

Dồn lực đầu tư cho hạ tầng

Với quan điểm hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo động lực cho sự phát triển, Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đã dành nhiều dung lượng để phân tích vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn từng bước được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại. “Tuy nhiên, một số tuyến đã xuống cấp, chất lượng mặt đường xấu, bên cạnh đó có một số tuyến nhiều đèo dốc dẫn đến hoạt động vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các trục kết nối dọc, kết nối ngang còn ít”, ông Thắng cho hay.

Do vậy, “đột phá trong phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội đồng bộ và hiện đại, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối và hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp thương mại dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao” là một trong 4 khâu đột phá thúc đẩy phát triển được tỉnh Hòa Bình xác định trong Dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Hòa Bình dự kiến xây dựng, cải tạo, nâng cấp 2 tuyến cao tốc, 9 tuyến quốc lộ, 26 tuyến đường tỉnh và các tuyến tránh qua TP. Hòa Bình, Mai Châu, Chi Nê, Vụ Bản, Bo, Lương Sơn, Cao Phong... và hệ thống đường vành đai hợp lý theo quy hoạch không gian đô thị được duyệt, đảm bảo phát triển cả kết nối dọc và kết nối ngang, đồng bộ hệ thống bến xe, bãi đỗ xe.

Đồng thời, xây mới 153 km đường tiền cao tốc, 156 km quốc lộ, 187 km đường tỉnh, đường huyện, 37 bến xe, 2 trạm dừng nghỉ, nâng cấp Trạm dừng nghỉ Mường Khến, 2 tuyến vận tải thủy nội địa, đầu tư các khu cảng hàng hóa, hành khách trên hồ thủy điện Hòa Bình, sông Đà, sông Bôi.

Góp ý cho Dự thảo quy hoạch, TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải nhận định, quy hoạch hạ tầng giao thông của Hòa Bình đã bám sát quy hoạch của Trung ương, nhưng quy hoạch của tỉnh phải đảm bảo khớp nối liên vùng với các địa phương khác. Đặc biệt, cần cập nhật Vành đai 5 Vùng Thủ đô vào bản quy hoạch, bởi đây là tuyến giao thông quan trọng cho sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực không chỉ của tỉnh Hòa Bình, mà của 8 tỉnh, thành phố mà Vành đai 5 đi qua.

Tin bài liên quan