Theo Báo cáo thường niên 2019 của HBC, năm 2019, điểm tích cực là số trích lập dự phòng cho khoản phải thu của Công ty giảm về cả số tuyệt đối và tương đối, đồng thời số thực thu hàng năm cũng tăng đều. Trong năm 2019, số thực thu tăng lên bằng 101% so với doanh thu (công ty mẹ).
Theo HBC, phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng được ghi nhận cùng lúc với doanh thu, để ghi nhận phần trăm công việc mà Hòa Bình đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.
Phải thu khách hàng được chuyển từ “Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng” đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho Hòa Bình và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.
“Mặc dù khoản phải thu đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây, nhưng mức tăng đã chậm lại và cơ cấu khoản phải thu cũng dịch chuyển theo hướng rất tích cực, dịch chuyển từ mục phải thu theo tiến độ hợp đồng sang mục phải thu ngắn hạn khách hàng”, Báo cáo thường niên 2019 của HBC phân tích.
Theo lý giải của Hoà Bình, Khoản phải thu có giá trị lớn là do Công ty ghi nhận khoản mục Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng; Khoản nợ bảo lưu chiếm tỷ trọng lớn (nợ bảo lưu là nợ chưa đến hạn và chủ đầu tư có quyền giữ lại theo điều kiện hợp đồng); Dòng tiền của chủ đầu tư bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường.
Theo HBC, nợ bảo lưu chiếm tỷ trọng lớn là một đặc điểm của doanh nghiệp xây dựng. Để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo hành công trình sau khi bàn giao, chủ đầu tư sẽ giữ lại một tỷ lệ nhất định của từng đợt thanh toán, tỷ lệ phổ biến là 10%. Giá trị này sẽ được thanh toán sau khi hợp đồng được quyết toán và nhà thầu phát hành bảo lãnh bảo hành cho hạng mục công trình đã thực hiện.
Như vậy, giá trị bảo lưu hàng năm trong khoản phải thu ít nhất cũng 10% doanh thu, bên cạnh đó các hợp đồng xây dựng thường có tiến độ vào khoảng 2-3 năm, đồng nghĩa với việc giá trị bảo lưu thường rơi vào khoảng 20 - 30% doanh thu.
Trong năm 2019, khoản nợ bảo lưu chiếm 62% khoản phải thu ngắn hạn khách hàng (131) và xét chung cả Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng (337), thì con số này là 42%. Khoản phải thu của Hòa Bình tương đối lớn, tuy nhiên nếu loại trừ khoản bảo lưu thì khoản phải thu của Hòa Bình trong năm 2019 chỉ còn hơn 6.000 tỷ đồng, tương đương với 33% doanh thu và 37% tổng tài sản.
Ghi nhận khoản mục 337 dẫn đến thời gian thu hồi công nợ bình quân của Hòa Bình tương đối lớn. Nếu chỉ tính riêng các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng (131) thời gian thu hồi công nợ giảm gần 50%, trong năm 2019 là 122 ngày.
Nếu loại trừ khoản mục bảo lưu thì thời gian thu hồi công nợ bình quân giảm xuống còn 128 ngày trong năm 2019.
Như vậy, nguyên nhân thời gian thu hồi công nợ của Hòa Bình kéo dài là do Công ty ghi nhận khoản mục phải thu theo tiến độ hợp đồng (337) và tỷ trọng lớn của các giá trị bảo lưu trong khoản phải thu.
Nhiều hợp đồng Hòa Bình thi công với vai trò tổng thầu, đối với các hợp đồng thầu phụ, Hòa Bình sẽ ký kết hợp đồng với điều khoản thanh toán “back to back”, đồng nghĩa với việc Hòa Bình chỉ có nghĩa vụ thanh toán cho đơn vị thầu phụ khi đã nhận được tiền từ chủ đầu tư.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2019, trong khoản phải trả khách hàng của Công ty mẹ là 3.974,2 tỷ đồng, thì có 1.059,8 tỷ đồng là các khoản phải trả của các hợp đồng “back to back”, chiếm 26,64% khoản phải trả ngắn hạn khách hàng và 10% khoản phải thu của Công ty mẹ.
Từ đầu năm 2020, HĐQT HBC đã đề ra kế hoạch doanh thu 20.200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Covid-19 đã tác động nghiêm trọng trực tiếp tới tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, nên Hoà Bình tạm thời đề ra kế hoạch 2020 với chỉ tiêu doanh thu 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.