Ảnh minh họa: Corbis

Ảnh minh họa: Corbis

Hỗ trợ TTCK: cần giải pháp hỗ trợ căn cơ hơn

(ĐTCK-online) Một trong nhiều giải pháp hỗ trợ TTCK trong giai đoạn khó khăn hiện nay được Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đề xuất là giảm 50% tất cả các loại phí mà các Sở GDCK đang thu của các CTCK thành viên. Điều này có dễ thực hiện khi việc suy giảm mạnh của thị trường ảnh hưởng chung đến các thành viên chứ không riêng khối CTCK?

Các loại phí chủ yếu CTCK thành viên phải nộp cho Sở GDCK là phí giao dịch, phí thành viên, phí đầu cuối.

Trong khi phí giao dịch đã giảm từ 0,05% xuống 0,03% tính theo giá trị giao dịch từ năm 2008 (chưa tăng lại) thì phí đầu cuối hiện cũng không còn khi phần lớn CTCK chuyển sang giao dịch từ xa.

Một lãnh đạo HNX chia sẻ, phí giao dịch do các thành viên thị trường đóng góp nhằm duy trì vận hành hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu giảm phí giao dịch sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Mặt khác, nếu hai Sở GDCK giảm phí cho CTCK thì CTCK cũng phải cân nhắc giảm phí giao dịch cho NĐT, như thế mới đảm bảo công bằng.

Việc giảm phí vì thế vẫn không hỗ trợ được tình trạng tài chính của các CTCK. Có thể hiểu các CTCK chịu ảnh hưởng tiêu cực thế nào khi thị trường rơi từ đỉnh cao giá trị giao dịch từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2010 xuống dưới 1.000 tỷ đồng/phiên trong những tháng đầu năm 2011. Tuy nhiên, bản thân các Sở GDCK hiện cũng đang hoạt động độc lập, tự trang trải, lấy thu bù chi, nên thị trường khó khăn cũng khiến họ gặp khó khăn không kém.

Thực tế, hiện đa số CTCK không trông chờ vào phí giao dịch khi thị phần môi giới còn rất nhỏ (20 CTCK có thị phần lớn nhất chiếm trên 80% thị phần môi giới). Do đó, việc giảm phí giao dịch cũng không tác động đến tình hình tài chính của nhiều công ty nếu nhìn vào những khoản lỗ cả trăm tỷ đồng trong năm 2010 và vài chục tỷ đồng trong quý I/2011. Các hoạt động  khác cũng hầu như không sinh lời, nên việc giảm phí nộp cho sở, nếu có, không phải là giải pháp có tác động đáng kể đến thực trạng hiện nay của CTCK.

Nhìn rộng hơn, vấn đề hiện nay là làm thế nào để củng cố niềm tin của NĐT vào thị trường, bởi chỉ khi có niềm tin thì NĐT mới tự tin mua vào và nắm giữ cổ phiếu, từ đó cải thiện thanh khoản, giúp các thành viên thị trường đỡ khó khăn hơn.

Miễn thuế thu nhập cá nhân cho NĐT (mà hiện nay thực ra đang thu của NĐT bị lỗ, không phát sinh thu nhập) là giải pháp được nhiều người kỳ vọng. Không chỉ lớn hơn về giá trị so với giảm phí giao dịch, việc không thu thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán còn như một khẳng định cam kết của Chính phủ về sự sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với NĐT để cùng chung sức xây dựng một thị trường phát triển ổn định trong dài hạn.

Bên cạnh đó, dù Thông tư 74 có hiệu lực từ 1/8 đã đưa ra nhiều quy định mang tính cởi trói giao dịch như cho phép giao dịch ký quỹ (margin), mua bán trong phiên, mở nhiều tài khoản…, nhưng cơ quan ban hành chính sách cần có những hướng dẫn cụ thể, thông thoáng hơn. Đặc biệt là việc ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch mua ký quỹ theo hướng tạo lập quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho khối CTCK.

Thiết nghĩ, trong các hình thức hỗ trợ hiện nay, việc cởi trói về cơ chế hoạt động mới là cách hỗ trợ căn cơ nhất.