Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Hỗ trợ tác động Covid: Ai yếu uống thuốc trước

(ĐTCK) Sau nhiều trăn trở, cách hỗ trợ doanh nghiệp chống lại đà suy giảm kinh tế từ dịch COVID-19 đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng việc tung ra gói hỗ trợ kép, đó là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng.

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện việc giảm lãi suất trung tâm để làm cho các loại lãi suất khác đều giảm theo, hai gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam về cơ bản có tác dụng san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế, thay vì bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Ðầu tiên, gói 250.000 tỷ đồng là tổng dư nợ hiện tại của các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thông qua các hình thức như tái cấu trúc lại kỳ hạn khoản vay, giảm lãi, phí…, giúp doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay và áp lực dòng tiền ngắn hạn. Một phần trong số này sẽ dành cho khoản vay mới với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi và vay thêm tiền  trong bối cảnh này là khó, nên gói 250.000 tỷ đồng chủ yếu nhắm tới các doanh nghiệp đã vay nợ, có thể gặp vấn đề về khả năng thanh toán ngắn hạn do ảnh hưởng của đại dịch.

Gói 30.000 tỷ đồng nhắm tới việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, hoặc miễn giảm phí, thuế, lệ phí cho các doanh nghiệp.

Ngày 11/3 vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định về gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo đó dự kiến có hơn 93% doanh nghiệp của cả nước được chậm nộp thuế giá trị gia tăng.

Như vậy, nhìn vào 2 gói trên sẽ thấy, bước đầu tiên là hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền ngắn hạn, giảm khó trong ngắn hạn là chính.

Với  mục tiêu của gói hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ đầu tiên là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Thứ hai là các doanh nghiệp du lịch, hàng không và các đơn vị khác chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.

Liên quan đến TTCK Việt Nam, điểm nhà đầu tư quan tâm nhất là gói hỗ trợ có thể tác động đến những doanh nghiệp nào. Quan sát của Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, nhóm thuỷ sản, dệt may là hai nhóm nhiều khả năng hưởng lợi từ gói hỗ trợ trên.

Trong nhóm thuỷ sản, tính đến cuối năm 2019, ngoài CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) có tỷ lệ nợ vay thấp, chỉ chiếm 13,1% tổng nguồn vốn thì các doanh nghiệp khác đều vay nợ khá cao. Tỷ lệ này của Thuỷ sản Minh Phú (MPC) là 33,06%; CTCP Ðầu tư và Phát triển Ða quốc gia (IDI) 52,64%, CTCP Nam Việt (ANV) 31,81%...

Trong nhóm dệt may niêm yết, tính đến cuối năm 2019, CTCP Ðầu tư và Thương mại TNG (TNG) vay nợ 1.432 tỷ đồng, chiếm 47,43% tổng nguồn vốn. Công ty cổ phần Dệt may – Ðầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) có nợ vay 856 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019, chiếm gần 30% tổng nguồn vốn…

Trong giai đoạn tiêu thụ khó khăn, thiếu phụ liệu cho sản xuất thành phẩm, áp lực tài chính từ chi phí lãi vay sẽ bào mòn lợi nhuận.

Ðối với lĩnh vực du lịch, hàng không, dù các doanh nghiệp ngành này thuộc đối tượng được nhận sự hỗ trợ, nhưng nếu tâm lý và thu nhập người dân toàn cầu suy giảm khó phục hồi trong trung hạn thì sẽ khó khôi phục được hiệu quả sản kinh doanh ngay sau đại dịch. Ðây là nhóm khó dự báo nhất về khả năng phục hồi trên thương trường.

Xét về tác động vĩ mô, gói hỗ trợ của Chính phủ có đích nhắm rõ ràng, ưu tiên những doanh nghiệp bệnh nặng uống thuốc trước, thay vì giảm lãi suất đồng bộ hay nới lỏng tiền tệ để cả làng đều phải uống thuốc.

Việc này sẽ tránh được tác dụng phụ như lạm phát hay tiền chảy vào chứng khoán bất động sản như trước đây đã từng xảy ra.

Mặt khác, cung tiền trên thị trường hiện nay không thiếu, thanh khoản dồi dào nên việc nới lỏng hay hạ lãi suất đồng loạt không đem lại nhiều tác động thực chất, lâu dài cho nền kinh tế.

Việc Chính phủ có tung ra gói hỗ trợ mới như tăng đầu tư công, hay chi tiêu Chính phủ hay không, vẫn là câu hỏi ngỏ lúc này bởi cần chờ đợi thêm thời gian để tiên lượng tác động tiêu cực toàn diện của dịch bệnh đến nền kinh tế trước khi quyết định kê đơn thuốc mới cho phù hợp.

Tin bài liên quan