Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân.

Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân.

Hỗ trợ sớm ngày nào, doanh nghiệp và người lao động đỡ khó ngày đó

0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), doanh nghiệp da giày đang rất khó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm ngày nào, doanh nghiệp, lao động đỡ khó ngày đó.

Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp da giày khó như lúc này, đơn hàng giảm khoảng 30%, cạnh tranh đơn hàng giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt.

Thưa bà, doanh nghiệp da giày đang khó khăn như thế nào?

Số liệu thống kê cho thấy, mức độ sụt giảm đơn hàng của ngành da giày hiện khoảng 30%, phản ánh đúng tình trạng kinh tế hiện nay. Ngành da giày có 2 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU, thì mức sụt giảm lớn nhất tại thị trường Mỹ là 30%, EU hơn 20%. Riêng 2 thị trường này đã chiếm tỷ trọng gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xuất khẩu của ngành.

Trong u ám thì có tín hiệu tích cực trong xuất khẩu ở khu vực thị trường châu Á, tăng trưởng 10%, nhưng thị phần tại khu vực này còn nhỏ nên không thể bù đắp được mức sụt giảm ở 2 thị trường lớn kể trên.

Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này, thứ nhất là do kinh tế toàn cầu suy giảm, sức mua giảm, kéo theo tổng lượng hàng tồn kho tăng cao, chính vì vậy các nhãn hàng họ đã phải cắt bớt đơn hàng.

Dự báo tình hình thị trường xuất khẩu trong những tháng tới ra sao, thưa bà?

Dự báo, tình hình khó khăn về đơn hàng còn kéo dài hết quý II, may ra từ quý III và IV thị trường mới phục hồi trở lại. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trở lại này cũng chỉ ở mức tốt hơn so với quý I và II thôi, khó thể tăng như những năm trước đó.

Điều này có nghĩa, ngành da giày khó đạt được kế hoạch như đã đề ra. Mức độ suy giảm của ngành sẽ vào khoảng dưới 10% trong năm 2023.

Trong rất nhiều vấn đề đang được thảo luận tại nghị trường Quốc hội, như giảm VAT, cùng các khoản thuế khác hỗ trợ cho doanh nghiệp đỡ khó, nhưng làm sao để khoản hỗ trợ này sớm đến với doanh nghiệp dường như vẫn là trăn trở lớn?

Với một ngành sử dụng rất nhiều lao động như da giày thì khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp phải gồng lên rất nhiều để lo sản xuất, lo cho người lao động. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng là hỗ trợ cho lực lượng lao động. Hiện nay, không ít doanh nghiệp đứng trước những đắn đo, nếu như cho lao động nghỉ việc, khi đơn hàng quay trở lại thì doanh nghiệp lại rơi vào tình huống cực kỳ khó khăn để triển khai đơn hàng, nhưng nếu tiếp tục giữ lao động ở lại thì nguồn lực ở đâu? Đó là câu hỏi lớn.

Phải nói rằng, nguồn lực trong doanh nghiệp cực kỳ hạn chế, rất nhiều doanh nghiệp đã trao đổi với Hiệp hội để cùng tìm xem giải pháp nên như thế nào. Thực tế, Chính phủ đã kịp thời ra những chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT hay các gói giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí, tuy nhiên để doanh nghiệp tiếp cận được với những khoản hỗ trợ đó cũng là thách thức.

Thách thức ở đây phải nhìn vào nguyên nhân đấy là thủ tục, quy định nhận hỗ trợ còn rườm rà, rất nhiều thủ tục không cần thiết, chưa kể chi phí tuân thủ. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng lo ngại công tác hậu kiểm về sau...

Có nghĩa là phải cắt giảm ngay các thủ tục rườm rà, không cần thiết, thưa bà?

Đúng vậy. Với doanh nghiệp trong ngành da giày, sử dụng từ vài nghìn tới hàng trăm nghìn lao động thì khi nói đến lao động không chỉ là lao động trực tiếp mà còn là gia đình của họ nữa. Nên doanh nghiệp khó khăn, mức độ ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ sớm ngày nào, doanh nghiệp và lao động càng đỡ khó ngày đó.

Từ kinh nghiệm của các nước, khi đã cứu trợ nghĩa là phải nhanh chóng, kịp thời thì mới đáp ứng được yêu cầu, thì chúng ta phải đơn giản hóa các thủ tục. Về hậu kiểm, có thể sau khi khó khăn qua đi, chúng ta kiểm tra lại, doanh nghiệp nào lạm dụng thì phải chịu trách nhiệm như bị truy thu thuế, bị phạt…

Như thế chúng ta mới có thể cứu doanh nghiệp, còn bây giờ lo thủ tục mất quá nhiều thời gian, khi nguồn tiền có thể về đến doanh nghiệp lại qua mất giai đoạn khó khăn rồi thì không còn ý nghĩa.

Ngày mai (6/6), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, đại diện cho các doanh nghiệp ngành da giày, bà có kiến nghị gì với người đứng đầu ngành?

Với ngành da giày thì lực lượng lao động vô cùng quan trọng và Bộ luật Lao động cũng là bộ luật cực kỳ quan trọng với chúng tôi. Bởi ngành còn phải tuân thủ các yêu cầu của quốc tế nữa.

Việt Nam được đánh giá có nguồn lao động khá dồi dào, tuy nhiên trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung nhiều hơn cho chất lượng nguồn nhân lực, vì da giày là ngành thâm dụng lao động, lại luôn bị xem sử dụng lao động trình độ thấp. Tình hình này sẽ không thể tiếp tục trong thời gian tới, vì để xuất khẩu vào những thị trường tiêu chuẩn cao thì chất lượng lao động của chúng ta phải được nâng lên, đòi hỏi các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho khoa học, công nghệ, lao động có đào tạo, lao động chất lượng cao... Đây là vấn đề Bộ luật Lao động cần tính tới để có quy định phù hợp.

Chúng tôi cũng đề nghị có những thay đổi trong đào tạo lao động, các chính sách liên quan để đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao hơn của doanh nghiệp.

Với người lao động, không chỉ riêng họ mà cả gia đình của họ nữa, mà mức độ lan tỏa của những ngành này rất lớn, do đó, những chính sách tập trung hỗ trợ cho người lao động phải làm sao nâng cao được trình độ, đảm bảo được an sinh, phúc lợi cho họ.

Những năm gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm rất tốt, tuy nhiên vẫn cần phải tiếp tục cải cách chính sách tốt hơn.

Ví dụ trong các hoạt động về công đoàn, nên mở ra những quyền lợi cho người lao động, cho người sử dụng lao động để tạo điều kiện thêm những hoạt động hỗ trợ, chứ không nên bó hẹp. Và một số hoạt động như quy định hiện nay, người sử dụng lao động bị hạn chế khi sử dụng quỹ công đoàn để hỗ trợ cho người lao động...

Tin bài liên quan