Hỗ trợ nền kinh tế và ứng phó hiệu quả với Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, ngân hàng trung ương nhiều nước đã mở rộng đáng kể bảng cân đối kế toán bằng cách sử dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống.
PBOC đã tiến hành 3 vòng cho vay theo diễn biến và khống chế dịch bệnh, kết hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

PBOC đã tiến hành 3 vòng cho vay theo diễn biến và khống chế dịch bệnh, kết hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) rất hạn chế mở rộng bảng cân đối kế toán, nhưng lại nỗ lực tối đa định hướng dòng tín dụng cho nền kinh tế, được gọi là chính sách tiền tệ cơ cấu, và đạt hiệu quả cao.

Hiệu quả của chính sách tiền tệ cơ cấu

PBOC phân biệt 2 dạng chính sách tiền tệ: chính sách tổng hợp (ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế) và chính sách cơ cấu (hỗ trợ từng lĩnh vực hoặc xuống tận địa phương). Để hiểu rõ chính sách tiền tệ cơ cấu, trước hết cần điểm qua bộ công cụ mới, lạ của PBOC.

Ngoài các công cụ chính sách truyền thống như lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoạt động thị trường mở, kể từ năm 2014, PBOC giới thiệu hơn 10 công cụ mục tiêu riêng biệt, được gọi chung là chính sách tiền tệ cơ cấu. Trong số đó, có các công cụ đáng chú ý:

Hoạt động thanh khoản ngắn hạn (SLO) hình thành vào tháng 1/2013 để đáp ứng nhu cầu thanh khoản căng thẳng đột xuất mang tính thời vụ. PBOC cam kết tiết lộ chi tiết về các hoạt động SLO không muộn hơn cuối mỗi tháng, nhưng sẽ là quá muộn để cho thị trường phỏng đoán hoạt động đầu cơ.

Cơ sở cho vay thường trực (SLF) ra mắt vào đầu năm 2013 để cung cấp thanh khoản tạm thời cho các ngân hàng thương mại có kỳ hạn qua đêm hoặc từ 7 ngày đến 1 tháng. Công cụ này tương đương với cho vay chiết khấu của Fed hoặc cơ sở cho vay cận biên của ECB.

Cho vay bổ sung theo cam kết (PSL) triển khai vào giữa năm 2014 để cung cấp khoản vay dài hạn với số lượng lớn cho các lĩnh vực đang gặp khó khăn trong nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và tái phát triển các khu vực dân cư kém phát triển.

Cơ sở cho vay trung hạn (MLF) thành lập vào tháng 9/2014 để cung cấp các khoản vay kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 1 năm cho các ngân hàng thương mại.

Cho vay lại có thế chấp bằng tài sản triển khai vào tháng 2/2015. Công cụ này cũng tương tự như SLF và MLF, nhưng cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng các khoản vay chất lượng cao làm tài sản thế chấp (trong khi 2 cơ sở SLF và MLF phải thế chấp bằng các trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao).

Về mặt lý thuyết, sức hấp dẫn lớn của chính sách tiền tệ cơ cấu là giải quyết một tình huống khó xử ở trung tâm của hệ thống tài chính: tăng trưởng tín dụng là cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế, nhưng mức nợ nói chung đã rất cao, đặc biệt là ở các quốc gia có các doanh nghiệp nhà nước. Chính sách cơ cấu công khai khuyến khích các ngân hàng cho vay các công ty ít mắc nợ hơn trong các lĩnh vực có triển vọng và các nhà hoạch định chính sách có 3 mục tiêu: tạo ra tăng trưởng nhiều hơn, ít nợ hơn, đồng thời hiện đại hóa nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã minh họa giá trị độc đáo của chính sách tiền tệ cơ cấu.

Với cách tiếp cận ở nhiều giai đoạn và nhiều cấp độ khác nhau, PBOC tiến hành 3 vòng cho vay theo trình tự diễn biến và khống chế dịch bệnh, kết hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (tương tự mục tiêu kép của Việt Nam). Ngay khi Covid-19 bùng phát, ngày 31/1/2020, PBOC thực hiện khoản cho vay đặc biệt 300 tỷ nhân dân tệ (CNY) cho hàng chục ngàn doanh nghiệp tuyến đầu trong các lĩnh vực trang thiết bị vật tư y tế và cung cấp hàng thiết yếu với lãi suất bình quân 2,49%. Chính sách tiền tệ giai đoạn này chủ yếu giải quyết tình trạng cung không đáp ứng đủ nhu cầu.

Khi Covid-19 về cơ bản được kiềm chế, để hỗ trợ khoảng 600.000 doanh nghiệp khôi phục sản xuất, ngày 26/2/2020, PBOC thêm vòng cho vay thứ hai với 500 tỷ CNY. Đặc biệt, lãi suất các khoản vay cho khu vực nông nghiệp và doanh nghiệp siêu nhỏ được giảm thêm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 2,5%. Các vấn đề cấp bách về trả nợ, cung cấp thanh khoản cũng được giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Ở giai đoạn tăng tốc phục hồi và phát triển, ngày 20/4/2020, PBOC tiến hành cho vay đặc biệt đợt ba với 1.000 tỷ CNY cho 1,58 triệu doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và thương mại điện tử, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, với lãi suất bình quân 4,48%. Chính sách tiền tệ lần này nhằm đưa nền kinh tế quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng.

Tiếp theo, ngày 1/6/2020, PBOC tạo ra 2 công cụ mới lan tỏa thẳng tới nền kinh tế thực và các khu vực yếu của nền kinh tế, các địa phương có tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp.

Công cụ đầu tiên là cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với khoản tài trợ ưu đãi 40 tỷ CNY thông qua cơ chế hoán đổi lãi suất. Cơ chế này khuyến khích các ngân hàng thương mại địa phương tạo ra các khoản vay lên đến 3.700 tỷ CNY cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Công cụ thứ hai là hỗ trợ các khoản vay tín chấp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với 400 tỷ CNY cho vay không tính lãi cho các ngân hàng địa phương. Chúng đã tạo ra tổng các khoản vay tín chấp lên đến 1.000 tỷ CNY cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

PBOC kiên định nguyên tắc cải cách hướng tới thị trường và chú ý đến việc ngăn ngừa rủi ro đạo đức bằng việc không lựa chọn khách hành cho vay, mà quyền quyết định phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại. Đến cuối năm 2020, các khoản trả nợ gốc và lãi các khoản vay trị giá 7.300 tỷ CNY đã được các tổ chức tài chính - ngân hàng trên cả nước hoàn lại cho PBOC.

Để phù hợp với nguyên tắc cộng sinh bền vững, PBOC đặt mục tiêu cuối năm 2020, chuyển 1.500 tỷ CNY lợi nhuận của khu vực ngân hàng cho nền kinh tế thực thông qua các chính sách giảm lãi suất, phí, tái cơ cấu các khoản nợ. Đến cuối năm 2020, mục tiêu chuyển 1.500 tỷ CNY cho nền kinh tế thực đã hoàn thành với lãi suất cho vay bình quân giảm xuống còn 4,16% - mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Để phát huy hiệu quả tối ưu của cơ cấu tín dụng và thúc đẩy cải cách cấu trúc bên cung của hệ thống ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm 2021, PBOC đã đưa ra hướng dẫn điều chỉnh các chỉ số đánh giá về cẩn trọng vĩ mô của hệ thống ngân hàng khi xem xét các khoản vay đối với các lĩnh vực trọng điểm và các mắt xích yếu của nền kinh tế để cung cấp nguồn tài chính trung và dài hạn (nới lỏng tạm thời các quy định quản trị ngân hàng theo Tiêu chuẩn Basel).

Đến cuối tháng 6/2021, các biện pháp chính sách tiền tệ đặc biệt về cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch. Các chỉ số tiền tệ tuân theo khung khổ tiền tệ hiện đại của PBOC: các mục tiêu trung gian là tăng trưởng cung tiền và tổng tài trợ xã hội cho nền kinh tế hài hòa với tăng trưởng kinh tế danh nghĩa.

Cụ thể, cuối tháng 6/2021, cung tiền M2 và tổng tài trợ cho nền kinh tế thực ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 8,6% và 11%. Cơ cấu tín dụng ngày càng hiệu quả, với các khoản cho vay trung và dài hạn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng 31% so với cùng kỳ. Lãi suất cho vay bình quân là 4,93% - mức thấp kỷ lục. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ. Lạm phát cả năm 2021 dự báo chỉ ở mức 2%. Tỷ giá CNY biến động theo cả hai chiều và về cơ bản vẫn ổn định ở mức cân bằng và thích ứng. Chỉ số CNY cuối tháng 6 cao hơn 3,3% so với cuối năm 2020.

Việt Nam cần nghiên cứu cách đưa chính sách tiền tệ vào nền kinh tế thực

Rất khó áp dụng chính sách tiền tệ cơ cấu với những nước không có thể chế kinh tế, chính trị tương đồng với Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm giống. PBOC gần như là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới thành công với cách tiếp cận “tưới tiêu chính xác” vào nền kinh tế thực, kết hợp với mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, nhất là đã ứng phó tốt với đại dịch.

Điều cần lưu ý là, chính sách cơ cấu chỉ có thể chữa lành các nỗi đau tạm thời, mà không dẫn đến những thành công dài hạn, nếu chính phủ không thể xử lý tốt các điểm yếu cấu trúc nằm ở các doanh nghiệp nhà nước, đòn bẩy nợ quá cao của cả nền kinh tế, đồng thời cũng cần phải có sự tham gia nhiều hơn của chính sách tài khóa.

Về bản chất, cách mà PBOC định hướng dòng tiền trong việc phân bổ tín dụng (khác với cách tiếp cận giao hạn ngạch tín dụng cho từng ngân hàng) là một dạng “xung lực tín dụng” (credit impulse), với các phân tích khoa học về những thay đổi hàng năm trong tín dụng mới theo nhịp tăng trưởng GDP.

Các dữ liệu của Trung Quốc cho thấy, sau một thời kỳ kinh tế suy giảm như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, xung lực tín dụng tăng lên 20% và tăng trở lại trong cuộc khủng hoảng nợ năm 2012 và tình trạng suy thoái tạm thời năm 2015. Trong khi đó, trong giai đoạn tương đối bình lặng, xung lực tín dụng có xu hướng giảm: âm 8% vào năm 2011, âm 7% vào năm 2014 và âm 6% vào năm 2018. Những điều này thể hiện chính xác triết lý mới về thiết kế chính sách tiền tệ xuyên chu kỳ mà PBOC đang hướng đến.

Những phân tích trên có thể đặt ra nhiều gợi ý hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Theo đó, trong khi nền kinh tế vẫn phải hướng đến những cải cách cấu trúc cơ bản, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc tiếp cận chính sách tiền tệ “tưới tiêu chính xác” để cung cấp thanh khoản cũng như tín dụng trung và dài hạn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Điều quan trọng là, Ngân hàng Nhà nước cần sớm nghiên cứu lộ trình thoát khỏi quy định trần tín dụng cứng nhắc không theo kịp các diễn biến của chu kỳ kinh tế.

Quan sát các công bố chính sách gần đây của PBOC, có lẽ, giới quan sát hầu như không bao giờ nghe thấy những cách phát tín hiệu, như “chúng ta không còn room hạ lãi suất” hay kiên quyết “không hạ chuẩn tín dụng”. Các thông điệp này có lý lẽ riêng từ quan điểm chính sách vĩ mô thận trọng, nhưng sẽ rất khó được chấp nhận nếu mọi người đang chứng kiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc rời khỏi thị trường.

Chúng ta hoàn toàn tuân thủ triết lý chính sách tiền tệ thận trọng linh hoạt, không cho vay bừa bãi, tuân thủ những nguyên tắc của thị trường. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người phải chấp nhận chứng kiến tình trạng doanh nghiệp phá sản hàng loạt.

Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng cách tiếp cận “làm bất kỳ điều gì hiệu quả” của PBOC. Theo đó, những chỉ thị về cung cấp tín dụng cho nền kinh tế không chỉ là việc nội bộ của ngân hàng trung ương (như cách hiểu mặc định), mà thay vào đó là của liên bộ: Ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính (các cơ sở cho vay trung, dài hạn và cấp bù lãi suất phải lấy từ ngân sách quốc gia), Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp. Đáng chú ý, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin được Chính phủ phân công hỗ trợ PBOC sử dụng hệ thống dữ liệu lớn toàn quốc để giúp hệ thống ngân hàng đánh giá chính xác tình trạng tín dụng của người đi vay nhằm hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời.

Chúng ta không thể “làm bất kỳ điều gì hiệu quả”, nếu chỉ đơn độc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề liên quan đến cung cấp tín dụng hiệu quả cho nền kinh tế.

PBOC còn tận dụng hiệu quả sức mạnh tổng hợp của ma trận truyền thông mới, bao gồm trang web của PBOC, tài khoản WeChat và Weibo để tạo ra một hệ thống ba chiều đa dạng nhằm quản lý và hướng dẫn các kỳ vọng thị trường. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai nhanh chóng trong kỷ nguyên số hóa.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan