Gấp gáp
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã tiến thêm những bước quan trọng, khi vào đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Hội đồng Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Dự án thu hồi - GPMB) này gồm lãnh đạo 13 bộ, ngành do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.
Vào cuối tháng 8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai xin ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan đối với Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi - GPMB do UBND tỉnh Đồng Nai trình. Thời gian trả lời được cơ quan chủ trì thẩm định ấn định là trước ngày 10/9, để kịp tiến độ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).
Được biết, vào ngày 25/8, tức chỉ sau chưa đầy 1 tháng được Chính phủ giao làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi - GPMB do đơn vị tư vấn được chỉ định là Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn công trình hàng không ADCC lập.
Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi - GPMB gồm 13 chương và phụ lục đính kèm, trong đó, các nội dung đáng chú ý là các đề xuất, kiến nghị liên quan đến cơ chế đặc thù để đền bù, di dân, tái định cư; xây dựng hạ tầng, tái định cư, tái lập hạ tầng xã hội; phương án khai thác, sử dụng ngắn hạn quỹ đất chưa xây dựng hạ tầng; tổng mức khái toán và cơ chế huy động, bố trí vốn…
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, ngoài việc tiếp thu, giải trình khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo kết quả thẩm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồng Nai đã tiến hành khảo sát, điều tra bổ sung thông tin phục vụ công tác xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi phục vụ xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.614,65 ha, cụ thể:
Diện tích đất dự kiến thu hồi để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (5.000 ha), trong đó:
+ Đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 2.970,2 ha (chiếm tỷ lệ 59,4%, bao gồm: đất cây hàng năm, cây lâu năm 2.875,3 ha; đất rừng sản xuất 49,06 ha; đất nuôi trồng thủy sản 9,3 ha; đất ở 35,64 ha; đất sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân 0,9 ha).
+ Đất do cơ quan, tổ chức sử dụng của 26 tổ chức khoảng 1.923,1 ha (chiếm tỷ lệ 38,5%), bao gồm: đất cơ sở tôn giáo 3,39 ha; đất trụ sở cơ quan, công trình công cộng 41,2 ha; đất cơ sở giáo dục 2,04 ha; đất công ty, doanh nghiệp 63,36 ha; đất nông trường cao su 1.813,11 ha.
+ Đất giao thông, sông suối: khoảng 106,7 ha (chiếm tỷ lệ 2,1%).
Diện tích đất xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (282,35 ha).
Diện tích đất xây dựng khu tái định cư Bình Sơn (282,3 ha).
Diện tích đất xây dựng khu nghĩa trang (50 ha).
Kết quả cập nhật cho thấy, so với số liệu năm 2015, nhiều thông tin chính liên quan tới công tác GPMB, tái định cư phục vụ xây dựng sân bay Long Thành đã có biến động đáng kể, trong đó, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 4.864 hộ (tăng 134 hộ); tổng số nhân khẩu là 15.557 người (tăng 563 người); số lượng nhà là 4.083 căn (tăng 80 căn); số lượng mồ mả là 2.183 ngôi (tăng 24 ngôi mộ).
Hiện những thông tin liên quan tới Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi - GPMB đang tiếp tục cập nhật, nhưng với những con số phát sinh nói trên, chắc chắn, tổng mức khái toán sẽ có sự khác biệt so với dự kiến trước đây của các cơ quan chức năng.
Cần phải nói thêm rằng, khi chuẩn bị tờ trình Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai sớm Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tháng 5/2017), Bộ GTVT đưa ra con số khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng (đơn giá năm 2017) để có thể thu hồi 5.614,65 ha (5.000 ha xây dựng sân bay và 614,65 ha xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang).
“Đồng Nai sẽ ưu tiên GPMB phần diện tích phục vụ bay (khoảng 2.750 ha) và xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, khu nghĩa trang trong giai đoạn năm 2017 - 2018”, ông Thái cho biết.
Hỗ trợ lớn cho người dân
Được biết, trong báo cáo thẩm tra Khung chính sách bồi thường, tái định cư Dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hàng loạt cơ chế hỗ trợ đặc thù để người dân, doanh nghiệp yên tâm sớm bàn giao bằng sạch xây siêu dự án Sân bay Long Thành ngay trong năm 2019.
Cụ thể, cơ quan thẩm tra kiến nghị Thủ tướng đồng ý với đề xuất của địa phương về việc hỗ trợ đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường, xây dựng trước ngày 25/6/2015 bằng giá trị xây mới các công trình có thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương tại thời điểm bồi thường, mà không giảm trừ hay tính khấu hao công trình hay nguyên vật liệu có thể sử dụng lại.
Những giải pháp hỗ trợ trên là lớn, bởi pháp luật về đất đai hiện hành không quy định cụ thể về hỗ trợ đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, với đặc điểm quy hoạch xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được công bố đã lâu, người dân không xây dựng mới, chỉ cải tạo để ở; do đó, để đảm bảo kinh phí xây dựng nhà, công trình phục vụ sinh hoạt đề sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người có đất thu hồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định biện pháp hỗ trợ khác theo thẩm quyền.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thống nhất với đề xuất của tỉnh Đồng Nai, kiến nghị Chính phủ tiến hành hỗ trợ giáo dục cho đối tượng là các hộ gia đình thuộc diện tái định cư hoặc phải di chuyến chỗ ở đang theo học tại tất cả các cấp học (giáo dục mầm non đến giáo dục đại học) với thời gian không quá 3 năm học bằng mức học phí của trường công lập trên địa bàn; hỗ trợ chi phí học tập trong thời gian không quá 3 năm học với mức 100.000 đồng/người/tháng; đối với cấp học giáo dục đại học bằng 60% mức lương cơ sở/người/tháng và được hưởng không quá 10 tháng/năm học.
Trước đó, tỉnh Đồng Nai cũng xin được phép thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng ngay trong năm 2016 để xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn tại huyện Long Thành.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Chính phủ cho phép địa phương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Xây dựng sân bay Long Thành được phê duyệt; đồng thời áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công đối với 2 dự án tái định cư và xây dựng nghĩa trang huyện Long Thành.
Được biết, trong buổi kiểm tra thực địa dự án xây dựng sân bay Long Thành và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý việc cần thiết phải có những cơ chế đặc thù, cách làm phù hợp để có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, sớm đưa sân bay Long Thành vào khai thác.
“Cần xây dựng cơ chế đặc thù, rút ngắn thời gian chuẩn bị, tiến hành khởi công sớm. Công tác chuẩn bị phải thật khẩn trương, để muộn nhất năm 2019 phải khởi công được dự án, đáp ứng mục tiêu đưa vào sử dụng giai đoạn I trong năm 2025”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.