Hoa thơm kết trái ngọt
Bà Hà Thị Đào, Bản Hội 3, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An nhớ lại, đầu năm 2007, bà được kết nạp vào Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại Bản và được bình xét để vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quỳ Châu với số tiền 10 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo.
“Tôi thực sự vui mừng khi nhận được thông báo đi nhận tiền vay”, bà Đào kể.
Bà Đào chia sẻ thêm: “Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá của toàn xã, tài sản hiện có là 15 con trâu, bò trị giá trên 200 triệu đồng; 1 ô tô tải nhỏ trị giá khoảng 200 triệu đồng; 1 máy xay lúa và 1 máy đóng gạch xi măng, mỗi máy trị giá 20 triệu đồng; 1 ao cá, đồng thời có thêm dịch vụ cho thuê bát đĩa, rạp cưới, phục vụ đám cưới cho bà con trong xã, bình quân thu nhập mỗi năm từ 170-190 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí”.
Còn bà Đinh Thị Định, dân tộc Tày, thường trú tại ấp Trảng Tranh, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết, năm 2004, gia đình bà được xét hộ nghèo và tiếp cận vay vốn hộ nghèo với số tiền là 12 triệu đồng để đầu tư và trồng được 100 trụ tiêu, mang lại cho gia đình nguồn thu hàng năm là 22 triệu đồng. Đến năm 2007, gia đình bà đã thoát nghèo. Tuy nhiên, do chồng bị ốm, nên toàn bộ gia sản lại dốc vào chữa chạy, nên năm 2013, gia đình bà lại tái nghèo.
“Một lần nữa, gia đình lại được tiếp cận với nguồn vốn vay của NHCSXH vay chương trình hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng để chăm sóc tiêu, cao su. Nhờ đó, gia đình bà đã có hơn 1 héc-ta cao su, điều và 200 trụ tiêu... Đến cuối năm 2015, gia đình tôi chính thức thoát nghèo, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/năm. Gia đình tôi còn gửi tiền tiết kiệm hàng tháng để tạo nguồn vốn trả nợ cho ngân hàng khi đến hạn theo thỏa thuận”, bà Định kể.
Đối với trường hợp vợ chồng ông Vũ Xuân Dung, cư trú tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cùng với 9 người con lại là những khó khăn khác. Ông Dung cho biết, măm 2006 là thời điểm khó khăn nhất, vì một lúc phải lo cho 11 miệng ăn, trong đó 3 đứa con đi học đại học, cao đẳng, 6 đứa học phổ thông đang trong tuổi ăn tuổi lớn…
“Vợ chồng tôi không biết xoay sở như thế nào để con không phải thất học. Tôi như ‘nắng hạn gặp mưa rào’, ước mơ cho con tiếp tục theo đuổi giấc mơ học tập đã được thắp sáng khi biết đến Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên”, ông Dung nhớ lại và nói: “Theo đó, NHCSXH đã xem xét cho vay với tổng số tiền là 91,3 triệu đồng và cuộc sống của gia đình tôi đến nay đã thật sự tốt lên, các cháu đã có công ăn việc làm ổn định. Tôi mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình”, ông Dung chia sẻ.
Nỗ lực vì trách nhiệm cộng đồng
Thông tin từ NHCSXH cho biết, tính đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó, ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.762 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; huy động trên thị trường, vay Ngân hàng Nhà nước, nhận tiền gửi (2%) của các tổ chức tín dụng nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 129.775 tỷ đồng, chiếm 72,5% tổng nguồn vốn; nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỷ đồng, chiếm 4,7%.
Tính đến 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Đã có gần 31,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 433.245 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 272.336 tỷ đồng.
Nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11.000 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...
“Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn; làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%”, TS.Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ.
Nguồn lực vẫn còn hạn chế
GS. Finn Tarp, Trường Đại học Copenhagen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới của Trường Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER) cho biết, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 tại Việt Nam đã tăng lên 16,2%, từ mức 12,9%.
Tuy nhiên, theo lý giải của ông Tarp, không phải tỷ lệ đói nghèo tại các vùng nông thôn Việt Nam đang tăng lên, mà là do Chính phủ Việt Nam đã áp dụng chuẩn nghèo mới, có những tiêu chuẩn đánh giá cao hơn. Thực tế, đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, chất lượng dịch vụ y tế và vệ sinh môi trường được tăng lên...
Dù vậy, theo các chuyên gia nước ngoài, cư dân nông thôn Việt Nam khi muốn vượt lên làm giàu vẫn “gặp khó”, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng còn rất hạn chế. Cụ thể, chỉ khoảng 28% hộ gia đình có ít nhất một khoản vay và hơn 71% hộ gia đình không có khoản vay nào. Trong số 768 hộ gia đình có ít nhất một khoản vay, có 145 hộ có khoản vay thứ 2 và 34 hộ có khoản vay thứ 3.
Thực tế, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, theo NHCSXH, vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách, ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một số địa phương dành nguồn lực từ ngân sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn cũng chưa cao. Đặc biệt, một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài, nhưng chưa cân đối được nguồn lực tương ứng.
“Nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nên mức độ đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu giảm nghèo nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình hình bố trí vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội có lúc bị động và chưa kịp thời”, một lãnh đạo cao cấp NHCSXH thừa nhận.