Các DNNVV của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng nhiều thách thức Ảnh: Anh Quốc
Hôi thảo được đồng tổ chức bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC) thông qua chương trình quan hệ đối tác Liên minh Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vì một cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sức cạnh tranh, được hỗ trợ bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Mạng Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN), và Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các DNNVV của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng nhiều thách thức khi Việt Nam đang hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định tự do thương mại mới như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mục đích nhằm cung cấp thông tin và kỹ năng cho các DNNVV, doanh nghiệp do nữ lãnh đạo trong việc tiếp cận thị trường và tham gia và các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầ.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định: “Với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế theo khuynh hướng sâu và rộng, DNNVV được xem là khu vực nhiều tiềm năng trong việc đóng góp vào quá trình toàn cầu hoá và phát triển, hợp tác kinh tế thông qua sự tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các DNVVN đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết trước xu thế toàn cầu hóa. Với lý do này, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Mạng Doanh nhân nữ ASEAN cho rằng, đã đến lúc các DN nhỏ và vừa nói chung và DN nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo nói riêng phải định vị được mình đang đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy mới xác định được hướng đi đúng để hội nhập thành công. Theo bà Minh, hội thảo lần này là một trong những nỗ lực của AWEN nhằm thúc đẩy doanh nhân nữ Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Nói về lý do USAID tham gia cùng với USABC để xúc tiến những hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển DNNVV ở VN cũng như trên thế giới, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, đây là một bước đi hoàn toàn nhất quán với chính sách đối ngoại nói chung của Hoa Kỳ. Đó là chuyển trọng tâm sang châu Á trên nhiều trụ cột, trong đó không thể thiếu được đó là trụ cột về kinh tế.
“USAID với tư cách là một cơ quan viện trợ phát triển của Hoa Kỳ sẽ đồng hành với các doanh nghiệp Hoa Kỳ để hỗ trợ phát triển trụ cột kinh tế thương mại này. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhìn thấy lợi ích ở đây là muốn biến ASEAN trở thành cơ sở cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Họ đã có những chuỗi cung ứng toàn cầu ở các nơi khác trên thế giới, nhưng ASEAN với tư cách là một thị trường quan trọng thì việc tham gia của US AID vào liên minh này là hết sức tự nhiên”, ông Thành nói.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ như FedEx, Microsoft, MasterCard, and Baker & McKenzie đã chia sẻ về các vấn đề như quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ đám mây, thanh toán kỹ thuật số, các quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Hội thảo lần này tại Hà Nội chỉ là một phần trong chuỗi các hội thảo và đào tạo của Liên minh ở khu vực Đông Nam Á. Tính đến hiện tại, Liên minh đã tổ chức các khóa tập huấn cho hơn 3500 doanh nhân ở 10 nước ASEAN.
Liên minh cũng đang có những hoạt động khác để tiếp tục nỗ lực hết mình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV khu vực Đông Nam Á, bao gồm thành lập Học viện DNNVV ASEAN trực tuyến. Đây là một cổng thông tin trực tuyến với việc đào tạo tương tác, cung cấp nguồn lực tư vấn, các thông tin kinh doanh cho các DNNVV của ASEAN, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ và mở rộng tiếp cận nguồn tài chính.