Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ðào Minh Tú yêu cầu lợi nhuận năm nay của 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải giảm tối thiểu 40% so với năm ngoái để đóng góp vào việc giảm lãi suất.
Theo ông Tú, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 300.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với tổng số tiền gần 18.000 tỷ đồng, miễn lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000 tỷ đồng và cho vay mới 65.208 tỷ đồng với 354.286 khách hàng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất phổ biến từ 2 - 2,5%/năm.
Ðược biết, nhiều ngân hàng đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng như Vietcombank (VCB) có gói 30.000 tỷ đồng, VietinBank (CTG) có gói 60.000 tỷ đồng, Agribank có gói 100.000 tỷ đồng, BIDV (BID) có các gói tín dụng với tổng giá trị 50.000 tỷ đồng, con số này tại HDBank (HDB) là 24.000 tỷ đồng, tại Á Châu (ACB) là 35.000 tỷ đồng…
Việc thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tác động tới cả hoạt động vay mới và dư nợ hiện tại. Ðối với hoạt động vay mới, trước áp lực đầu ra gặp khó khăn, đa số doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất bằng vốn vay; ưu tiên của doanh nghiệp là giảm áp lực tài chính, tiết giảm chi phí.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng từ đầu năm tới 26/3/2020 ước chỉ đạt 0,68% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn giai đoạn 2015 - 2019 (tăng từ 1,25 - 2,81%).
Với các chính sách hỗ trợ tín dụng, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi, nhưng cả năm vẫn sẽ ở mức thấp, vì dịch bệnh trên toàn cầu có diễn biến phức tạp và khả năng kéo dài.
Tăng trưởng tín dụng giảm, trong khi giãn nợ, hạ lãi suất đối với khách hàng hiện hữu sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận ròng của các ngân hàng trong năm nay, còn về trung và dài hạn, ngân hàng có thể hạ lãi suất huy động, “chuyển giao” việc hạ lãi suất cho người gửi tiền.
Tuy nhiên, với hợp đồng huy động vốn trước đây, ngân hàng sẽ có độ trễ kỳ hạn nhất định để chuyển giao.
Ðáng lưu ý, việc giãn nợ và hạ lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vượt qua khó khăn và trả nợ vay cho ngân hàng, nhưng có nguy cơ không nhỏ là sẽ có những doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, khiến rủi ro nợ xấu đối với ngân hàng gia tăng.
Các ngân hàng thận trọng, trích lập dự phòng lớn trong năm 2020 có khả năng diễn ra, từ đó “bào mòn” lợi nhuận ròng.
Theo ước tính kết quả kinh doanh năm 2020 của Công ty Chứng khoán SSI ngày 7/4/2020 đối với nhóm ngân hàng trong kịch bản tiêu cực, lợi nhuận trước thuế chỉ giảm nhẹ.
Tuy nhiên, với các ngân hàng thuộc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận ước tính giảm 40%.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại sẽ cân đối chính sách cạnh tranh trong ngành, hỗ trợ khách hàng hiện hữu hy vọng tránh nợ xấu sau này, ước tính lợi nhuận giảm 20%.
Trong ước tính không bao gồm khoản lợi nhuận từ thoái vốn tại một số ngân hàng thương mại cổ phần như ACB và VPB (hai ngân hàng này lần lượt có dự định thoái vốn tại ACBS và FE Credit); nếu việc thoái vốn thuận lợi sẽ cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, CTG không đặt ra mục tiêu lợi nhuận cụ thể cho năm 2020, chỉ ước tính tín dụng tăng 4 - 8,5%, trong khi hạn mức được giao là 8,5%. Báo cáo thường niên của VCB không đề cập tới kế hoạch doanh thu, lợi nhuận.
BID đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 9%, lợi nhuận trước thuế 12.500 tỷ đồng, tăng 16,47%, nếu dịch sớm được khống chế.
Việc cứu doanh nghiệp cũng chính là cách ngân hàng tự cứu mình, hy vọng nhóm sản xuất - kinh doanh có thể hồi phục và trả được nợ vay cũng như lãi vay.
Tuy nhiên, đi kèm với việc cứu doanh nghiệp, khả năng nợ xấu sẽ gia tăng, đòi hỏi các ngân hàng phải chuẩn bị kịch bản trích lập dự phòng.
Giới đầu tư đang nhìn thấy kịch bản lợi nhuận nhóm ngân hàng sẽ phải hy sinh bớt để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, từ đó đẩy định giá tương lai thấp hơn mức hiện tại và phản ảnh vào giá chứng khoán.
Lợi nhuận của nhiều ngân hàng dự kiến sụt giảm trong năm nay, khiến lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) giảm so với năm ngoái và đẩy P/E forward tăng lên cao hơn mức hiện tại.
Một số chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khó có thể chỉ dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa để giải quyết khủng hoảng do đại dịch Covid-19, mà quan trọng hơn cả là phải tìm cách duy trì nguồn lực con người cũng như nhanh chóng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường để kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng phục hồi sau dịch bệnh.