Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nói nhiều làm ít

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nói nhiều làm ít

(ĐTCK) Chiếm tới hơn 97% tổng số DN trong cả nước, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể sống sót. Thế nhưng, các giải pháp hỗ trợ khu vực DN này đang dừng lại ở… nói nhiều, làm ít.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nói nhiều làm ít ảnh 1Thuộc nhóm nhỏ nhất nhưng các DNNVV hầu như vẫn chưa  được hỗ trợ gì một cách trực tiếp

 

Mòn mỏi chờ tiếp sức

Khu vực DNNVV có đóng góp ngày càng quan trọng vào thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm... Tuy nhiên, phát biểu tại lễ công bố Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2012, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức ngày 18/4, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho rằng, các giải pháp tiếp sức cho DNNVV đang ở trong tình trạng nói nhiều, làm ít? Trong bối cảnh kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn hiện tại, mức độ khó khăn mà các DNNVV đang phải đối mặt lớn gấp bội phần so với các DN lớn. Thế nhưng, việc nhận diện đúng tính chất khó khăn này, cũng như đưa ra các giải pháp nhằm tiếp sức cho DNNVV lại chưa tương xứng, nếu không muốn nói là còn mờ nhạt, nhỏ giọt.

Nếu như rất nhiều nước trên thế giới, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, coi DNNVV là xương sống của nền kinh tế, từ đó họ đầu tư thỏa đáng để hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực DN này, thì ở Việt Nam, các giải pháp để tiếp sức cho DNNVV vượt qua khó khăn trước mắt, cũng như phát triển hiệu quả hơn trong dài hạn đang vừa thiếu đồng bộ, vừa chưa hiệu quả.

Một giải pháp được DNNVV trông đợi từ nhiều năm nay là giảm các khoản thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận vốn…, thì đến nay, những gì được triển khai trên thực tế chẳng thấm tháp gì so với những khó khăn mà khu vực DN này đang gặp phải. Thậm chí, các giải pháp này chẳng mấy phát huy tác dụng, do DN “chết” trước khi được thụ hưởng chính sách, hoặc không có lãi để được giãn, giảm thuế. Theo phản ánh của các DNNVV, họ chẳng biết mức thuế thu nhập DN áp dụng đối với họ có chắc chắn được giảm còn 20% không và bao giờ sẽ giảm?

“Vì tính chất khó khăn của DNNVV đang ở vào tình thế cấp bách, nên VCCI cần tập hợp ý kiến của các DN, trong đó cung cấp các luận cứ xác đáng về tình trạng nguy cấp của khu vực DN này, để khẩn cấp gửi tới Quốc hội, Chính phủ. Trên cơ sở đó sớm triển khai các giải pháp tiếp sức trực diện, thực sự hiệu quả cho DNNVV, tránh để diễn biến xấu thêm…”, ông Tuấn kiến nghị và lưu ý, điều quan trọng là Nhà nước cần thay đổi tư duy hỗ trợ DNNVV. Ở đây, không có quan hệ xin - cho, mà Nhà nước phải có trách nhiệm chủ động nắm bắt khó khăn của DNNVV, để đưa ra giải pháp tháo gỡ vì lợi ích của đại cục nền kinh tế. Tuy nhiên, đáng tiếc là ngay cả khi DNNVV kêu khản cổ như hiện tại, nhưng không hiểu sao vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ hiệu quả?

 

Vừa có Quỹ phát triển DNNVV

Các chuyên gia và DN cho rằng, vì đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của DNNVV, để định hình các giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá và căn cơ hơn đối với khu vực DN này, đã đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu ban hành Luật DNNVV. Trong đó, chú trọng tạo ra các hình thức hỗ trợ như giảm thuế, phí; thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn vay, cũng như tiếp cận thị trường…

Thừa nhận hiện đã có không ít nghị định, thông tư quy định về DNNVV, nhưng hiệu quả phát huy tác dụng trong hỗ trợ DNNVV mỗi khi gặp khó khăn, cũng như đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững về dài hạn, theo ông Lộc, là chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Phần lớn các giải pháp tiếp sức cho DNNVV mang tính chữa cháy, nên kém hiệu quả. Do vậy, để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp quan trọng là cần sớm nghiên cứu để ban hành Luật DNNVN. Từ kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng luật này cho thấy, cùng với các giải pháp đồng bộ đi kèm, một khi các chính sách hỗ trợ DNNVV về thuế, phí, tiếp cận vốn… được định hình rõ trong luật, sẽ là “bà đỡ” hiệu quả cho việc tăng quy mô, cũng như hiệu quả hoạt động của DNNVV.

Kiến nghị trên đã nhận được sự chia sẻ của cơ quan quản lý, khi ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, việc nghiên cứu để ban hành Luật DNNVV là cần thiết. Dẫu sao đây vẫn là việc làm trong dài hạn.

“Diễn biến mới nhất về chính sách hỗ trợ DNNVV là ngày 17/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt thành lập Quỹ phát triển DNNVV. Khi triển khai, cơ chế mới này, sẽ góp phần hỗ trợ đáng kể cho DNNVV trong những năm tới…”, ông Cương cho hay.