Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa đạt... 1% dự kiến

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội sốt ruột với kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 quá chậm và kém hiệu quả.
Ủy ban Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu tại cuộc họp (Ảnh - Mỹ An).

Ủy ban Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu tại cuộc họp (Ảnh - Mỹ An).

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đã thực hiện từ giữa năm 2020, song hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp mới đạt chưa đến 1%, còn hỗ trợ cho người lao động theo hợp đồng phải chấm dứt hợp đồng và một số trường hợp khác cũng chưa đến 1%, chỉ đạt 0,22 đến 0,49%.

Những con số thấp đến mức khó tin như trên được Ủy ban Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ra tại cuộc họp thường trực mở rộng của Ủy ban Kinh tế, phục vụ thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2021, sáng 10/6.

Trước đó, ngày 9/6, Ủy ban Kinh tế cũng đã tổ chức toạ đàm với chuyên gia, tham vấn ý kiến phục vụ nội dung thẩm tra nói trên.

Ở cả hai cuộc họp, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự sốt ruột với kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 có thể nói là quá chậm và kém hiệu quả.

Nhìn lại toàn bộ quá trình này, hơn một năm trước, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, ngày 8/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập phiên họp bất thường để xem xét thông qua đề xuất về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Dù còn có những băn khoăn, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng đồng ý với đề xuất của Chính phủ.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP để triển khai việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Sau quá trình thực hiện, để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện, ngày 19/10/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP.

Dự kiến nguồn lực ban đầu khi để xuất gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 khoảng 61.580 tỷ đồng, trong đó, có 3 hợp phần chính. Một, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt khoảng 35.880 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương. Hai, hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.200 tỷ đồng và thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng. Ba, hỗ trợ đào tạo, bổi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng .

Tại báo cáo vừa hoàn thành ngày 8/6/2021 vừa gửi đến Ủy ban Kinh tế phục vụ việc thẩm tra, Chính phủ không đánh giá sâu về gói hỗ trợ nói trên mà nêu khái quát: trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực.

Không yên tâm với đánh giá này, qua giám sát và tìm hiểu thực tế, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh khẳng định: gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng không hiệu quả với doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ông Sinh muốn biết nguyên nhân không thực hiện hiệu quả là do cơ chế của Quốc hội hay do khâu tổ chức thực hiện, giải pháp khắc phục thời gian tới là gì?

Đồng tình với đại biểu Đỗ Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và và Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng không đạt yêu cầu, giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chưa được 2.000 tỷ, tức là đối tượng để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh thì được giải ngân rất ít.

Nguyên nhân, theo đại biểu Thân là do điều kiện để được nhận hỗ trợ quá ngặt nghèo, người lao động để được hỗ trợ 1 triệu đồng thì phải qua quá nhiều thủ tục, có khi xa quê lâu rồi về cũng không được chứng nhận nên đành không nhận hỗ trợ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội bà Đỗ Thị Lan cho hay, hiện nay Ủy ban này đang tập hợp thông tin từ các doanh nghiệp, địa phương về tình hình gói hỗ trợ và kết quả rất thấp.

Bà Lan nêu một số kết quả cụ thể thấp đến mức khó tin, như mới thực hiện được 0,19% hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc. Đáng chú ý là hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp mới đạt chưa đến 1% còn hỗ trợ cho người lao động theo hơp đồng phải chấm dứt hợp đồng...cũng chưa đến 1%, chỉ đạt 0,22 đến 0,49%.

Tổng hợp chung các chính sách chính sách hỗ trợ gián tiếp còn 96,32% chưa thực hiện được.

Bà Lan đề nghị Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, thúc giục Chính phủ sớm có báo cáo đánh giá toàn diện về chống dịch Covid-19, thực hiện các chính sách hỗ trợ và đồng thời phải có báo cáo đầy đủ riêng về vấn đề này gửi cho các đại biểu ở kỳ họp thứ nhất của Quốc hội.

Việc này cần được thực hiện sớm để xem xét chuẩn bị ban hành chính sách mới, bà Lan nêu quan điểm.

Hồi âm cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chính phủ cũng đang họp về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Ông Phương cũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, lao động tại các khu công nghiệp, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh.

Tin bài liên quan