Với trường hợp của Hưng Yên, theo như phân tích của ông Hùng, lo ngại lớn nhất của địa phương là thiếu thông tin để thẩm tra những lời giới thiệu của các nhà đầu tư, đặc biệt là về năng lực của nhà đầu tư. “Có nhà đầu tư Đài Loan đến làm việc với tỉnh về khả năng xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử trên diện tích sử dụng đất 1.000 ha. Nhưng chúng tôi không có thông tin gì về loại sản phẩm này, nên băn khoăn không biết nên nhận hay không. Đúng là, với những trường hợp như vậy, nếu có sự tham gia của các bộ thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Hùng nói cho biết thêm, nhà đầu tư này đã sẵn sàng, việc quyết định như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào phía tỉnh.
Thực ra, dự án nêu trên cũng ở mức vừa phải, với dự kiến trong giai đoạn I sẽ đầu tư khoảng 55 triệu USD, trên diện tích đất là 280 ha. Nhà đầu tư Đài Loan đã tiến hành các khảo sát và trực tiếp làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên. Những động thái từ địa phương cũng cho thấy, họ rất muốn làm nốt các thủ tục còn lại để có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư này. “Tuy nhiên, tất cả thông tin mà địa phương có được là do nhà đầu tư tự giới thiệu. Hiện giờ, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu thêm”, ông Hùng băn khoăn.
Có vẻ như những lấn cấn lâu nay liên quan đến tính xác thực của các dự án cũng như năng lực của các nhà đầu tư ngày càng nổi lên là một trong những điểm yếu trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở các cấp chính quyền địa phương. Áp lực trong trách nhiệm phải gánh với những dự án treo, nếu có, cũng khiến việc quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài trở nên không hề dễ dàng. Đã có ý kiến cho rằng, nếu như các cơ quan cấp phép của địa phương không có các nguồn thông tin từ các bộ, ngành cũng như các cơ quan quản lý đầu tư ở các địa phương khác, thì vướng mắc này sẽ còn tiếp tục và sẽ là trở ngại không nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư lần đầu vào Việt Nam hoặc triển khai các dự án trong các ngành, lĩnh vực mới mẻ.
Hơn nữa, những phức tạp, chưa rõ ràng trong quy trình, thủ tục đầu tư có lẽ cũng là một trong những cản trở không nhỏ tới khả năng thích ứng với các quy định mới của các địa phương. Cho tới thời điểm này, những câu hỏi kiểu như đánh giá tác động môi trường được thực hiện trước hay sau thủ tục cấp giấy chứng nhân đầu tư, các nhà đầu tư phải cam kết những gì khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư... vẫn còn khá nhiều. Những hướng dẫn thống nhất về hình thức, nội dung của một số giấy tờ, hồ sơ quan trọng, như báo cáo năng lực tài chính, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đảm bảo thời hạn thẩm tra trong các dự án phải có ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành... chưa rõ ràng và cụ thể để các bên liên quan làm căn cứ thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ triển khai một số dự án đầu tư nước ngoài lớn. Mặc dù theo dự kiến ban đầu của Tổ công tác liên ngành là sẽ hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam, giúp ý định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sớm trở thành hiện thực, song việc hỗ trợ các địa phương xử lý các phát sinh trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như trong triển khai thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Hỗ trợ địa phương cấp phép dự án FDI
(ĐTCK-online)Tại Hội nghị giao ban mới đây về tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư tháng 7 và 7 tháng năm 2007, ông Trần Việt Hùng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên đã buộc phải thừa nhận những lúng túng của địa phương trong việc thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù khoảng thời gian chính thức phân cấp quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đã được hơn 1 năm, song nhiều địa phương, như Hưng Yên, dường như vẫn chưa qua “giai đoạn quá độ”.