Ảnh Internet
Theo thống kê, đến cuối năm 2014 cả nước có 142.800 tổ hợp tác và 18.638 HTX đang hoạt động, trong đó gồm hơn 10.000 HTX làm dịch vụ nông nghiệp và thủy sản. Các HTX và tổ hợp tác thu hút sự tham gia của 12 triệu hộ gia đình là chỗ dựa để tìm kiếm nguồn thu nhập, góp phần ổn định đời sống và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, tình hình phát triển của khu vực kinh tế HTX nói chung chưa đạt như mong muốn, với nhiều điểm yếu và hạn chế chưa được khắc phục.
Cụ thể, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp; doanh thu thấp; thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc thiếu ổn định về thị trường; quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do thiếu vốn, hạn chế về năng lực quản trị, lạc hậu về công nghệ và xúc tiến thương mại cũng như thiếu vắng đơn vị thành công trong việc tạo dựng thương hiệu….
Ông Hoàng Xuân Trường, chuyên gia nghiên cứu của Phano cho biết, hiện hoạt động của các HTX nhìn chung vẫn khó khăn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và càng khó khăn đối với khu vực đồng bào dân tộc.
Nơi đây rất hạn chế về nguồn lực xã hội, nhận thức của người dân và cũng như thiếu thốn về điều kiện để phát triển; đặc biệt là thiếu đường sá, hạ tầng; sự eo hẹp về ngân sách và yếu kém về nhân lực…Đơn cử, phong trào phát triển HTX ở một số tỉnh như Ninh Thuận, Cao Bằng là rất thấp.
Bà Nguyễn Thị Luyến, đại diện HTX Rau an toàn Mộc Châu (Sơn La) cho biết, muốn phát triển HTX cần đến sự năng động và tự giác của người lãnh đạo, sáng lập đầu tiên. Sau đó, nếu thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt thì người nông dân sẽ tự động tham gia vào việc sản xuất chung.
Đến nay, đơn vị này thu hút 38 hộ gia đình tham gia, với sản lượng 200 tấn rau an toàn cung cấp cho một số siêu thị ở Hà Nội, cho doanh thu 8 tỷ đồng.
Sự thành công của HTX đã mang lại thu nhạp 500-600 triệu đồng/ha đất canh tác và đời sống ổn định đối với gia đình các thành viên.
Đến nay, HTX này vẫn mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao chất lượng rau kết hợp việc bảo quản, chuyên chở sản pẩhm cũng như sự ủng hộ kịp thời, đúng định hướng từ phía chính quyền dịa phương.
Tại hội thảo, đại diện các hộ sản xuất, các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Nhà nước, cơ quan chức năng và nhất là chính quyền cấp địa phương cần quan tâm sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi hoặc có ưu đãi nhất định đối với các HTX và tổ hợp tác; trong đó, mục tiêu lớn nhất là làm sao hỗ trợ các đơn vị tồn tại, phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Ngoài ra, các hộ nông dân và doanh nghiệp cũng yêu cầu hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ HTX về tuyên truyền và chuyển giao công nghệ, quá trình ứng dụng kỹ thuật mới; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; đầu tư về hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực; cung cấp giống cây trồng vật nuôi cũng như nghiên cứu, làm tốt công tác quy hoạch vùng canh tác, nguyên liệu.