Chia sẻ lợi ích
Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức cuối tuần, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, để hỗ trợ người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại nhiều tỉnh thành phố, SHB đã tiến hành rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng, tổng hợp và báo cáo theo chỉ đạo của NHNN.
Theo đó, SHB đã thực hiện các chương trình để chung tay hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại. Cụ thể liên quan đến miễn giảm lãi, SHB đã triển khai chương trình miễn giảm 50% lãi phải trả của của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 01/9 - 31/12/2024. Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại mà SHB có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh...
Bà Hà nhấn mạnh: “Giảm 50% nghĩa là chúng tôi tính toán trong thời gian từ tháng 9 đến 31/12/2024, khách hàng đang phải trả bao nhiêu tiền lãi theo lãi suất hiện hữu thì SHB sẽ giảm từ 50% trở lên. Có những trường hợp khó khăn, thiệt hại nặng nề thì chúng tôi có thể giảm tới 100%. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chủ động rà soát và thông báo cho khách hàng về mức giảm chứ không đợi khách hàng phải đăng ký trên mức độ thiệt hại với ngân hàng”.
Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB |
Bên cạnh đó, bà Hà cho biết, có gói sản phẩm cho vay mới những khách hàng bị thiệt hại mong muốn phục hồi, phát triển sản xuất. Tính đến ngày 19/9, SHB đã có gói 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,5%/năm. Đồng thời, SHB tiếp tục rà soát, đánh giá khách hàng để đưa ra thêm các gói cụ thể hơn cho từng ngành, từng lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề mà cần thời gian hỗ trợ dài hơn để khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Đồng hành miễn lãi và gói vay mới, SHB cũng triển khai chính sách cơ cấu nợ, kéo dãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành như Nghị định 55, Thông tư 02, Thông tư 06, đồng thời xem xét hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, tín chấp”, bà Hà nói.
Tổng giám đốc SHB thông tin thêm, tính đến ngày 19/9, SHB có 251 khách hàng bị ảnh hưởng, trong đó có 194 khách hàng cá nhân và 57 khách hàng doanh nghiệp tại một số tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Với mức lãi suất hỗ trợ, Ngân hàng ước tính trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31/12/2024 là khoảng 40 tỷ đồng (chưa tính khoản hỗ trợ của gói vay 4,5%/năm) và sẽ còn tiếp tục rà soát để có những hỗ trợ tiếp theo cho khách hàng.
Còn ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank cho biết, Ngân hàng sẽ triển khai chính sách ân hạn trả nợ gốc, lãi đến hết thời điểm 31/12/2024 đối với các khách hàng chịu thiệt hại do bão số 3 tại 26 tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, LPBank giảm lãi suất cho vay tối đa lên đến 2%/năm đối với các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để ổn định tái thiết cuộc sống cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh, cụ thể:
Đối với khách hàng hiện hữu, quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất cho vay lên đến 29.700 tỷ đồng trong đó quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất cho vay của khách hàng cá nhân là 29.000 tỷ đồng và của khách hàng doanh nghiệp là 700 tỷ đồng. Số lượng khách hàng dự kiến áp dụng giảm lãi suất cho vay lên đến hơn 63.200 tại 26 tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3; số tiền giảm lãi suất cho vay lên đến 85 tỷ đồng, bao gồm giảm 73 tỷ cho nhóm khách hàng cá nhân và 12 tỷ cho nhóm khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3;
Đối với mức giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay trung dài hạn tiêu dùng ổn định đời sống, ông Tiến cho biết, tối đa lên đến 2%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành; Mức giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay ngắn hạn phục hồi sản xuất kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân tối đa lên đến 1%/năm cho so với lãi suất cho vay hiện hành; Mức giảm lãi suất cho vay đối đối với khách hàng doanh nghiệp để phục hồi hoạt động kinh doanh tối đa lên đến 2%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành.
Ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank |
“Đối với khách hàng vay mới, doanh số giải ngân áp dụng lãi suất ưu đãi lên đến 8.000 tỷ đồng trong đó 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 3.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp. Khách hàng vay vốn mục đích tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm trang bị nội thất để ổn định và tái thiết cuộc sống với lãi suất cho vay chỉ từ 6,5%/năm. Khách hàng vay vốn sửa chữa cơ sở kinh doanh, vay vốn lưu động phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay chỉ từ 6%/năm”, ông Tiến nói.
Không để trục lợi chính sách
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao các ngân hàng đã tích cực, nhiệt tình triển khai các gói/chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đồng thời, đề nghị toàn ngành ngân hàng tích cực chia sẻ bằng chính nguồn lực của mình (từ lợi nhuận, tiết giảm chi phí….) để miễn giảm lãi cho vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị thiệt hại.
Cũng theo Phó Thống đốc dù ảnh hưởng của bão số 3 sẽ làm giảm tăng trưởng GDP nhưng ngành Ngân hàng sẽ quyết tâm cùng với các bộ, ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ để phấn đấu đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15%, đảm bảo nguồn vốn để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% Chính phủ đã đặt ra.
Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh: “NHNN sẽ nghiên cứu và sớm trình chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, từ đó làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, góp phần đảm bảo có hành lang pháp lý để các TCTD hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn”.
Đối với các TCTD, ông Đào Minh Tú yêu cầu, tiếp tục đánh giá các thiệt hại, có báo cáo thống kê xác thực trong thời gian sớm nhất; có văn bản chỉ đạo ngay các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố để triển khai ngay các chương trình/gói tín dụng hỗ trợ đã xây dựng, để làm sao các công bố được đưa vào cuộc sống, tới đúng đối tượng thụ hưởng. Phối hợp chặt chẽ với NHNN các tỉnh/thành phố trong việc giám sát các chi nhánh/phòng giao dịch trong quá trình triển khai; quan tâm, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; tăng cường công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm được các cơ chế, chính sách ngân hàng triển khai.
Trên cơ sở các hướng dẫn, thực hiện ngay miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng; linh hoạt trong hoạt động cho vay (cho vay tín chấp….) nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.
“Thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện. Tuỳ theo năng lực của mình, các ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng. Khi thực hiện phải công khai minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, Phó Thống đốc yêu cầu, thực hiện tổng hợp, thống kê, đánh giá kịp thời những thiệt hại của ngành, của khách hàng để báo cáo kịp thời; chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tốt các gói hỗ trợ đã cam kết; nắm bắt nhu cầu, đề xuất kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn; tăng cường truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh.
“Trên tinh thần Thống đốc đã phê duyệt chương trình hành động, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, các vụ, cục NHNN cần nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ được đề ra tại chương trình hành động, khi xây dựng các chính sách phải hài hoà với thực tế”, Phó Thống đốc yêu cầu,