Đang có những ý kiến trái chiều về việc bỏ xác nhận của công an trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Đang có những ý kiến trái chiều về việc bỏ xác nhận của công an trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm.

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm: Bỏ xác nhận cơ quan công an, nên không?

(ĐTCK) Liên quan đến sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, có ý kiến cho rằng, nên bỏ xác nhận của cơ quan công an trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm. 

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, kế thừa các văn bản pháp luật được ban hành trước đó như Thông tư 126/2008/TT-BTC, Thông tư 151/2012/TT-BTC, Thông tư 43/2014/TT-BTC, Thông tư 22/2016 đã có những thay đổi theo hướng tích cực hơn, nhưng vẫn còn tồn tại mặt hạn chế, bất cập và một trong số đó liên quan tới hồ sơ bồi thường.

Theo quy định hiện hành, bên cạnh các tài liệu bắt buộc như tài liệu liên quan đến xe, lái xe, tài liệu chứng minh thiệt hại về người, tài sản…, chủ xe cơ giới phải cung cấp xác nhận của cơ quan công an trong hồ sơ bồi thường đối với vụ việc có giá trị bồi thường từ 10 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, ông Xuân cho rằng, điều này là không cần thiết, đặc biệt là khi có thiệt hại về người.

“Người gặp tai nạn bị thương tật, thậm chí tử vong là sự thật rõ ràng, nên không cần xác nhận của cảnh sát giao thông làm căn cứ bồi thường. Ðiều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm hơn trong việc tham gia xác định lỗi các bên, hướng dẫn thỏa thuận dân sự, chứ không cứng nhắc đòi hồ sơ từ công an”, ông Xuân nêu quan điểm.

Chia sẻ thêm, ông Xuân cho hay, cũng theo hướng dẫn của Thông tư 22/2016, đối với thiệt hại dưới 10 triệu đồng, chỉ cần giám định viên đến hiện trường, lập biên bản ghi nhận vụ việc để các bên ký nhận, xin xác nhận của UBND xã/phường hoặc công an nơi xảy ra tai nạn, tức là không bắt buộc phải có ý kiến của cơ quan công an, nhưng trên thực tế, công ty bảo hiểm vẫn yêu cầu phải có tài liệu này mới giải quyết bồi thường, như vậy là trái với quy định.

“Có khách hàng nhận được số tiền bồi thường gần 10 triệu đồng, nhưng mất tới 7 triệu đồng tiền phí bến bãi, số tiền còn lại rõ ràng chẳng bõ bèn so với công sức bỏ ra”, ông Xuân nói.

Cũng theo ông Xuân, thực tế bồi thường một số công ty bảo hiểm cho thấy, không ít trường hợp các bên tự thỏa thuận việc bồi thường, chỉ cần có xác nhận của chính quyền địa phương, không cần có xác nhận cảnh sát giao thông, mà vẫn được chi trả bảo hiểm. 

“Bộ Tài chính cần sửa bất cập này theo hướng không bắt buộc phải có xác nhận của công an trong hồ sơ bồi thường để tránh gây thêm phiền hà cho chủ xe cơ giới, cũng như để nhà bảo hiểm và giám định viên có trách nhiệm hơn trong giải quyết bồi thường”, ông Xuân đề xuất.

Liên quan tới đề xuất trên, theo các công ty bảo hiểm, trong trường hợp tai nạn có thương vong mà không yêu cầu cơ quan công an lập hồ sơ xử lý sẽ tạo hệ lụy khôn lường.

“Nếu không có cơ quan an ninh tham gia xác định nguyên nhân tai nạn, xác nhận lỗi, thì khó xác định trách nhiệm dân sự của người thứ 3 để tiến hành bồi thường. Ðó là chưa kể việc nhà bảo hiểm vừa tự xác định nguyên nhân tai nạn, vừa tự chi trả bảo hiểm sẽ không đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Vì thế, đề xuất trên là vô lý, thiếu tính thực tiễn”, lãnh đạo một công ty thành viên của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nói.

Theo đại diện Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), dưới góc độ khách hàng, việc lược bớt thủ tục bồi thường là điều cần thiết, nhưng phải hợp lý, bởi rủi ro luôn tiềm ẩn khi tham gia giao thông. Ðặc biệt, nếu vụ việc xuất hiện yếu tố liên quan tới hình sự mà không có cơ quan an ninh vào cuộc thì không đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm minh của luật pháp.

Dưới góc độ quản lý rủi ro của bảo hiểm, nhiều công ty bảo hiểm khác như PJICO, Bảo Việt, PVI… đều cho rằng, việc loại bỏ hồ sơ của cơ quan công an đem lại rủi ro cho tất cả các bên, bởi khi đó sẽ xuất hiện tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thoả thuận lỗi sai với thực tế, ghi khống số tiền thoả thuận..., tạo kẽ hở, gian lận để được bảo hiểm.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2016. Ðại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp nhận những ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện văn bản này.

Tin bài liên quan