Dân tin vào Đảng, Đảng dựa vào dân
Thế kỷ XIX, khi đất Việt còn lầm than trong vòng áp bức của triều đình phong kiến và thực dân xâm lược, bao người con yêu nước, bao sỹ phu tiến bộ đã nhiều phen không kể tính mạng, dấy cờ nghĩa bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Từ năm 1858 khi thực dân Pháp lần đầu tiên nổ súng xâm lược nước ta cho đến trước năm 1930 đã nổ ra hàng trăm cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh vì dân, vì nước. Những cuộc đấu tranh vô cùng oanh liệt của bao tên tuổi như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực... rồi Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Công Tráng... tiếc thay đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và thất bại, đi vào lịch sử như những trang bi hùng.
Đức tin của người Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là đức tin với một vị lãnh tụ, mà là đức tin với một giấc mơ đẹp đẽ, lớn lao và sự linh thiêng của đời sống loài người.
Nối tiếp các cuộc đấu tranh vũ trang đó là những phong trào yêu nước theo xu hướng tư sản, với các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân…, các cuộc khởi nghĩa của tiểu tư sản, trí thức trong Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo..., dù gây được tiếng vang lớn nhưng cũng không thành công. Phong trào yêu nước, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi áp bức của kẻ thù rơi vào cuộc khủng hoảng đường lối, dường như không thấy đường ra.
Trong bối cảnh đó, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với cương lĩnh, đường lối đấu tranh đúng đắn, kết hợp giữa cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta đã chấm dứt cuộc khủng hoảng đường lối giải phóng dân tộc kéo dài nhiều thập kỷ trước đó. Từ đây, nhân dân Việt Nam đã đặt trọn niềm tin vào Đảng, nhất nhất hướng theo ngọn cờ tiên phong của Đảng, làm nên những chiến công chói lọi.
Với thắng lợi vang dội của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, đưa dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới, làm chủ vận mệnh của mình.
Khi lịch sử tiếp tục thử thách bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt, với cuộc trở lại xâm lược của thực dân Pháp và sau đó là cuộc chiến tàn khốc của đế quốc Mỹ, suốt 30 năm ròng (1946 - 1975), toàn dân Việt Nam lại kề vai, một lòng theo Đảng, đương đầu với kẻ thù xâm lược. Và Đảng ta, như từ buổi trứng nước ra đời vì nhân dân, lại tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn dân, dựa vào sức dân, lãnh đạo nhân dân chiến đấu kiên cường, đuổi thực dân, đế quốc xâm lược ra khỏi bờ cõi, làm nên những thắng lợi vĩ đại ở thế kỷ XX, giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước, non sông thu về một mối.
Trong hành trình bi tráng, hào hùng đó, máu xương của bao thế hệ con dân Việt Nam đã nhuộm thắm lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, lá cờ vinh quang của Đảng. Trong hành trình vĩ đại đó, bao đảng viên ưu tú, tiên phong, anh dũng đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì sự nghiệp phụng sự nhân dân.
Mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Đảng dựa vào dân, dân tin vào Đảng để làm nên sức mạnh diệu kỳ, làm nên những thắng lợi vĩ đại đó đã được minh chứng qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, được Đảng ta đúc rút như là một trong những bài học kinh nghiệm lớn nhất trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.
“Người là niềm tin tất thắng”
Xuyên suốt hành trình cách mạng của dân tộc, từ khi Đảng chưa ra đời đến khi đất nước giành độc lập, tiến hành công cuộc Đổi mới hôm nay, bài học gần dân, tin dân và gương mẫu thực hành nhuần nhuyễn bài học đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Người cũng trở thành điểm tựa, là nơi nhân dân gửi gắm niềm tin chiến thắng, khát vọng tự do để một lòng theo Đảng, theo Bác trong hành trình cách mạng.
Thực tế lịch sử đã chỉ ra rằng, ngay từ khi thành lập các tổ chức Đảng ở Đông Dương, chỉ Nguyễn Ái Quốc mới đủ tầm ảnh hưởng, tạo được niềm tin để hợp nhất các tổ chức đó thành một Đảng Cộng sản duy nhất.
Rồi trong những ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước vô vàn khó khăn, thiếu thốn, chỉ có sự tin tưởng, sức cảm hóa mãnh liệt của Bác mới lay động bao nhân sỹ như Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, những trí thức tài năng có cuộc sống đủ đầy, tương lai xán lạn ở nước ngoài như Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước… trở về hòa mình vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, phụng sự đất nước.
Trong suốt cuộc chiến đấu chống xâm lược, mỗi khi lời hiệu triệu của Bác cất lên là mỗi khi lòng tin vào sức mạnh chính nghĩa của dân tộc trào dâng mãnh liệt.
Chính với niềm tin tất thắng của một dân tộc yêu hoà bình, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác trở thành tiếng gọi non sông, đất nước, thức tỉnh toàn dân tộc, thôi thúc toàn dân đứng lên cứu nước với tinh thần “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Chính với niềm tin vĩnh cửu về một ngày đất nước thống nhất, non sông quy về một mối, mà lời khẳng định đanh thép “không có gì quý hơn độc lập, tự do”của Người đã tiếp thêm sức mạnh, thổi bùng ngọn lửa sẵn sàng “đốt cháy dãy Trường Sơn”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Ngay cả khi Người ra đi lúc cuộc chiến đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, thì những lời Người để lại cho đời sau qua bản Di chúc vẫn sắt son một niềm tin chiến thắng, cổ vũ toàn dân tộc quyết giành chiến thắng cuối cùng. Người đã khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định hoàn toàn thắng lợi”.
“Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”.
Niềm tin sắt đá đó được Người gửi gắm lại cho dân tộc trước khi đi xa đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá, củng cố niềm tin và thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Ngay trong ngày Người đi xa, những giọt nước mắt lặn vào trong của toàn dân Việt Nam cũng chất chứa trong đó niềm tin không gì lay chuyển được về một ngày đất nước thống nhất như ước vọng cả cuộc đời của Người.
Chứng kiến những giọt nước mắt của người dân Việt Nam trong buổi tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng, từ các em học sinh, các cụ già mái tóc đã bạc, những người lính gương mặt sạm nắng gió… đều toát lên niềm kính yêu và thương tiếc vô vàn, một nhà báo Australia đã phải thốt lên rằng, ngay lúc đó, ông đã nhận ra sức mạnh không gì khuất phục được của dân tộc Việt Nam, mà ông gọi là “một đức tin kỳ lạ của dân tộc Việt Nam”.
Với ông, đức tin của người Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là đức tin với một vị lãnh tụ, mà là đức tin với một giấc mơ đẹp đẽ, lớn lao và sự linh thiêng của đời sống loài người.
Qua những bài viết của mình, ông bày tỏ hoàn toàn tin tưởng những người Việt Nam sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử thế giới thế kỷ XX mà chính quyền Mỹ tiến hành chống lại dân tộc này - cuộc chiến mà ban đầu, ông cũng như hầu hết những người biết đến cuộc chiến này không tin là dân tộc Việt Nam có thể đánh bại được kẻ thù.
Nhìn lại sự nghiệp cách mạng của dân tộc ngót một thế kỷ qua, có thể thấy, chính bài học của Bác về niềm tin vào sức mạnh nhân dân, đồng thời chính Người là tấm gương mẫu mực về tin dân, dựa vào dân, chính Người trở thành điểm tựa để toàn dân đồng lòng, chung sức… đã làm nên những chiến công vang dội trong hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc ta.
Bước vào công cuộc Đổi mới, hội nhập, bài học tin dân, gần dân, vì dân của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời sự, khi tại Đại hội XI Đảng đã thẳng thắn chỉ ra “quan liêu, tham nhũng là biểu hiện của sự xa dân, làm mất niềm tin của nhân dân” và cảnh báo, “xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng còn chỉ rõ, phân tích sâu sắc tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và yêu cầu bức thiết phải chỉnh đốn Đảng, để lấy lại niềm tin với nhân dân.
Dám đối mặt với sự thật, chỉ ra yếu kém để sửa mình, Đảng đã và đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đó là “một Đảng giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách mà sửa chữa khuyết điểm đó, như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Làm được như vậy, lòng tin của dân với Đảng, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân sẽ ngày càng bền vững, sự nghiệp cách mạng nhất định sẽ thành công.