Hổ bỏ tấn công khi thấy người đàn ông giả chết

Hổ bỏ tấn công khi thấy người đàn ông giả chết

Một người đàn ông ở bang Maharashtra may mắn thoát chết khi chạm trán con hổ đực gieo rắc sợ hãi cho dân làng trong suốt thời gian qua.

Con hổ bị đám đông dân làng Binaki đuổi ra cánh đồng. Nó vật một người dân trong số đó xuống đất.

Người đàn ông giấu tên quyết định nằm yên giả chết và không dám nhúc nhích khi con hổ Bengal to lớn đứng bên cạnh chăm chú quan sát. Nó thậm chí còn nằm xuống cạnh nạn nhân để thăm dò.

Những người đứng gần đó không ngừng la hét và ném đá vào con hổ để buộc nó thả bạn của họ.

Cuối cùng, con hổ bỏ trốn vào khu rừng lân cận. Ít nhất ba người bị thương trong tai nạn xảy ra hôm 25/1 nhưng không có người nào bị đe dọa tới tính mạng.

Người đàn ông giả chết thoát vuốt hổ đói. Video: RT.

"Sự việc này là kết quả không mong muốn do thiếu sự giám sát và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền bang Maharashtra và cán bộ lâm nghiệp", Sawan Bahekar, chủ tịch tổ chức Sustaining Environment and Wildlife Assemblage (SEWA) ở thành phố Gondia thuộc bang Maharashtra, cho biết. Hôm 18/1, một cư dân khác cũng bị hổ tấn công ở cách làng Binakia chỉ 6 km.

Nhiều người tỏ ra thán phục khi sự nhanh trí đã giúp người đàn ông sống sót trong tình huống vô cùng nguy hiểm.

Họ cũng bày tỏ lòng thương cảm đối với con hổ. Tình trạng mất môi trường sống và con mồi khan hiếm buộc nó phải mò vào khu dân cư để kiếm ăn.

Hổ Bengal (Panthera tigris tigris) là phân loài hổ được tìm thấy nhiều nhất tại Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanma và miền nam Tây Tạng.

Chúng nằm trong danh mục loài có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế từ năm 2008.

Ước tính có chưa đến 2.500 cá thể sót lại trong tự nhiên vào năm 2011. Hổ Bengal bị đe dọa bởi nạn săn trộm, mất và phân mảnh môi trường sống.

Hổ Bengal đực trưởng thành dài 2,7 - 3,65 m tính cả đuôi. Chúng nặng chừng 180 - 300 kg  và cao khoảng một mét tính từ vai trở xuống. 

Hổ Bengal có hàm răng dài nhất trong họ Mèo với kích thước răng từ 7,5 đến 10 cm.

Chúng chuyên săn động vật có kích thước từ trung bình tới lớn như lợn rừng, hươu đốm, nai, linh dương bò lam, bò tót, trâu nước và trâu rừng Tây Tạng. Chúng cũng săn bắt cả các động vật nhỏ như thỏ rừng, nhím, khỉ, voọc xám và công.

Tin bài liên quan