HLA đau đầu với bài toán “nguồn vốn”

HLA đau đầu với bài toán “nguồn vốn”

(ĐTCK) Kết thúc niên độ tài chính 2013, CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) đạt 4.065 tỷ đồng doanh thu hợp nhất nhưng vẫn lỗ “khủng” 235,7 tỷ đồng, trong khi các năm trước dù không lãi lớn nhưng không bị lỗ. Nguyên nhân chính là tồn kho cao và chi phí lãi vay đã ăn mòn lợi nhuận.

Đặc thù của doanh nghiệp ngành thép là nợ phải trả luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn, do đó, chi phí lãi vay cũng luôn chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí phí, khiến lợi nhuận biên của các doanh nghiệp ngành thép không cao. Không ngoại lệ, chi phí lớn nhất của HLA vẫn là chi phí lãi vay, lên đến 155,3 tỷ đồng. Một phần nguyên nhân là có những khoản vay từ năm 2012 nhưng đến 2013 mới trả lãi, nên dù lãi suất năm 2013 giảm nhưng HLA vẫn phải chịu mức lãi suất như thỏa thuận trước đó, khoảng 17,5%/năm.

Cuối niên độ, vốn chủ sở hữu của HLA là 303,7 tỷ đồng, tổng nợ phải trả gấp 5,6 lần vốn chủ, lên đến 1.707 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.703 tỷ đồng, trong đó, nợ vay ngắn hạn 1.144 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn trong tổng nợ đã tạo áp lực trả nợ cũng như gánh nặng chi phí lãi vay rất lớn lên HLA. Đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động tài chính lỗ từ năm 2009 đến nay.

Một thành viên HĐQT HLA chia sẻ, đây là hậu quả của việc Công ty chấp nhận mở rộng sản xuất quá đà. Một khi doanh nghiệp càng phát triển thì càng dễ mất cân đối nguồn vốn và đến lúc nào đó, chính điều này gây khó cho doanh nghiệp. Hiện hạn mức vay của HLA còn trên nghìn tỷ đồng nhưng với cơ cấu nợ vay như hiện tại, cộng thêm điều kiện “ngặt nghèo” hơn, khả năng HLA có vay thêm được nữa không là một câu hỏi lớn.

 Theo BCTC HLA, tại thời điểm 30/9/2013, giá trị hàng tồn kho của HLA là khoảng 855 tỷ đồng, chủ yếu là tồn kho hàng hóa hơn 783 tỷ đồng, tồn kho nguyên vật liệu 133,5 tỷ đồng. Cũng theo vị thành viên HĐQT trên, tất cả hàng tồn kho của HLA đều được mang đi thế chấp ngân hàng và không riêng HLA mà các DN ngành thép đều như vậy.

Thông thường, các DN thường tìm cách giải phóng hàng tồn kho dù phải giảm giá bán. Trong trường hợp của HLA, Công ty “không phải muốn bán là bán” được hàng tồn kho, vì đây là tài sản thế chấp. Với tình hình eo hẹp về nguồn vốn như hiện tại, HLA chỉ có thể xoay được những dòng tiền nhỏ giọt, manh mún để lấy hàng tồn kho ra, vì vậy, việc bán hàng tồn kho cũng “lẻ tẻ”, kéo theo nguồn thu về cũng không đáng kể. Cũng chính vì lẽ đó, năm 2013, HLA đã không có đủ hàng để cung cấp cho khách hàng, mất đi 30% thị phần trong tổng thị phần nội địa của Công ty.

Bên cạnh những vấn đề nội tại, hoạt động xuất khẩu thép ống của HLA cũng gặp khó khăn khi các nước dựng hàng rào “tự vệ”; tình trạng đầu cơ nguyên liệu cũng khiến HLA và các DN thép khác đau đầu khi có những thời điểm, giá nguyên liệu thép đầu vào chênh lệch đến cả trăm USD/tấn.

Trước tình hình như vậy, HĐQT HLA đã đề ra một số giải pháp thực hiện song song, chẳng hạn, đẩy mạnh xuất khẩu thép ống bởi biên lợi nhuận cao, đàm phán với các nhà cung cấp gia hạn thời gian công nợ; tích cực thu hồi công nợ đối với khách hàng, thoái vốn khỏi công ty con, đàm phán với nhà băng gia hạn nợ và tiếp tục phương án tăng vốn thêm 300 tỷ đồng.

Về phía ngân hàng, HLA sẽ đàm phán đề xin kéo giãn nợ vay và giảm lãi suất. Theo vị thành viên HĐQT nói trên, đến thời điểm hiện tại, HLA mới chỉ được kéo dài lịch trả nợ thêm một thời gian ngắn.

HLA cũng sẽ huy động vốn từ cổ đông khoảng 300 tỷ đồng, đây là hoạt động đưa ra từ năm 2012 nhưng vẫn chưa thực hiện được, phần vì TTCK diễn biến không thuận lợi, phần vì giá cổ phiếu HLA có thị giá dưới mệnh giá. Năm nay, TTCK có thuận lợi hơn nhưng không hẳn HLA sẽ thực hiện được, vì muốn phát hành dưới mệnh giá cần phải có nguồn bù. Trong trường hợp phương án này thực hiện được, HLA sẽ giải quyết được vấn đề chi phí lãi cao.

Bản thân HLA là một doanh nghiệp thép có thời gian hoạt động hơn 35 năm, chiếm thị phần khoảng 11% trong phân khúc ống thép, dẫn đầu về thị trường xuất khẩu với khoảng 70% thị phần ống thép tại Myanmar. HLA có đủ nguồn lực về nhân sự, sản xuất, công nghệ, khách hàng… Vấn đề cần giải quyết lớn nhất của HLA là “nguồn vốn”.

Tin bài liên quan