Ông Dương Quang Lư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HKB cho rằng, việc đưa cổ phiếu lên sàn ngoài mục đích minh bạch thông tin, HKB kỳ vọng kênh chứng khoán sẽ giúp DN có cơ hội tiếp cận và huy động các nguồn vốn để phục vụ cho các dự án đầu tư trong tương lai vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ông đánh giá thế nào về ngành nông nghiệp nói chung của nước ta hiện nay?
Ngành nông nghiệp là một ngành có lợi thế quốc gia, nơi có lực lượng lao động dồi dào và giá thành lao động hợp lý. Đất nước ta có khí hậu nhiệt đới, rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp ở lĩnh vực cây lương thực, cây công nghiệp, thuỷ hải sản... Tuy không phải là một nước lớn, diện tích canh tác nông nghiệp hạn chế, nhưng nước ta có tới 8 ngành hàng nông sản xuất khẩu đứng thứ nhất và thứ nhì trên thế giới. Tôi cho rằng, ngành nông nghiệp ở ta mới đang phát triển ở mức trung bình, chủ yếu sản phẩm xuất khẩu còn ở mức sơ chế, nên còn nhiều dư địa và tiềm năng cho các DN khai thác như đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến sâu, ứng dụng khoa học và khai thác giá trị chuỗi trong nông nghiệp.
Gần đây, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn có ý định “lấn sân” sang lĩnh vực nông nghiệp. Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng này?
Theo tôi nghĩ, tư duy này đã và đang thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Như bạn đã biết, gần đây rất nhiều DN lớn của Nhà nước và các tập đoàn tư nhân đã nhận thức được tiềm năng của ngành nông nghiệp nên đã có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào ngành này ở các khâu như trồng trọt, công nghệ chế biến và ứng dụng khoa học.
Chẳng hạn, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã phát triển của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang và mô hình đang phát triển của hai tổng công ty Nhà nước là VINAFOOD 1 VÀ VINAFOOD 2, mô hình phát triển trồng ngô, mía đường và hồ tiêu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, dự kiến phát triển cây mắc-ca của Tập đoàn Him Lam và dự kiến phát triển ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Hoà Phát.
Hơn nữa, theo tôi, đầu tư vào nông nghiệp có chu kỳ ngắn, thu hồi sản phẩm nhanh, sản phẩm nông nghiệp là loại hàng hoá thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày nên sẽ có rủi ro ít hơn các ngành có chu kỳ đầu tư dài hạn và nhu cầu tiêu dùng không phải là thiết yếu.
Rõ ràng, khi nhiều DN tập trung đầu tư vào ngành nông nghiệp sẽ tạo sực ép về cạnh tranh rất lớn. Vậy, đâu là lợi thế của Hakinves?
Trước hết, Hakinves có đội ngũ CBCNV tận tâm và yêu nghề. Điều này là rất cần thiết bởi làm trong lĩnh vực nông nghiệp cần sự tỉ mỉ, bám sát và kiên định mục tiêu. Thứ hai là muốn phát triển một DN bền vững thì cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng, trong đó phải chủ động xây dựng được cả kế hoạch phát triển ngắn, trung và dài hạn. Việc này được Hakinvest ưu tiên ngay từ khi thành lập. Thứ ba là phải coi trọng yếu tố con người, cần phải xây dựng được mội đội ngũ nhân sự có tâm huyết, trí tuệ và bản lĩnh. Với những lợi thế này, chúng tôi tin Hakinvest sẽ tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.
Trong bối cảnh nước ta sắp ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, mà nông nghiệp lại bị cho là một trong số những ngành có khả năng sẽ phải chịu thiệt thòi. Hakinves mong đợi những sự hỗ trợ nào hơn nữa từ phía Nhà nước?
Trước hết, tôi cho rằng, việc sắp tới Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại sẽ vừa là thách thức nhưng lại là cơ hội. Khi tham gia vào các hiệp định này thì nông sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận được thị trường rộng hơn và sẽ có sức ép về cải tiến công nghệ và quy mô sản xuất.
Còn nói về sự hỗ trợ, theo tôi, điều quan trọng nhất mà Nhà nước cần làm trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phải tái cơ cấu ruộng đất ở quy mô lớn. Có đất đai trồng trọt ở quy mô lớn mới ứng dụng được khoa học vào trồng trọt, mới có thể sản xuất được ở quy mô công nghiệp giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông nghiệp. Một điều quan trong nữa, đó là, Nhà nước phải hình thành được một hành lang pháp lý trong việc kết hợp được “4 nhà”, bao gồm: doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà quản lý. Có như vậy, Việt Nam mới có một định hướng phát triển mạch lạc cho nông nghiệp.
Ông có thể chia sẻ về những kế hoạch sắp tới của Công ty sau khi niêm yết cổ phiếu?
Hà Nội - Kinh Bắc có kế hoạch đầu tư dài hạn và phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc lên sàn sẽ giúp DN có thể tiếp cận nguồn vốn đại chúng để phục vụ các dự án đầu tư trong tương lai vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư chiều sâu vào công nghệ chế biến nhằm tạo giá trị gia tăng cao.