Trong tờ trình về việc di dời Nhà máy của CTCP Cao su Sao Vàng tại đại hội ngày 28/4, HĐQT dành phần lớn dung lượng nói về sự cần thiết phải di dời khỏi Hà Nội, còn phần lựa chọn đối tác để khai thác khu đất vàng này chỉ tóm gọn một câu "ủy quyền cho HĐQT lựa chọn, quyết định".
Đành rằng, cổ đông không phải là người trực tiếp điều hành DN, nên không thể can thiệp sâu vào quá trình đàm phán đối tác, nhưng cổ đông có quyền biết rõ về tiêu chí lựa chọn đối tác để có thể theo dõi, giám sát và chất vấn trong kỳ họp ĐHCĐ năm sau. Chưa hết, mới là "xin" cổ đông chủ trương về việc di dời, nhưng ngay tại đại hội, lãnh đạo DN này cho biết, đã lựa chọn được đối tác rồi, nhưng chưa tiện công bố tên tuổi. Điều này khiến cổ đông khó hiểu và cảm thấy việc xin ý kiến đại hội chỉ là hình thức mà thôi.
Một nội dung theo quy định các CTCP phải xin ý kiến tại đại hội là lựa chọn các công ty kiểm toán. Trong tờ trình xin ý kiến cổ đông, HĐQT cũng thường chỉ nêu chung chung tên một vài công ty kiểm toán (thường đã thực hiện kiểm toán vài năm hoặc là khách quen của DN), mà không có giải thích cụ thể hoặc thêm thông tin để người có quyền ra quyết định (cổ đông) biết mà giơ phiếu. Các điều khoản trình như xin tăng vốn, xin đầu tư dự án mới, xin thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh… cũng thường được trình "xin" ý kiến ĐHCĐ rất chung chung và kèm theo đó luôn là lời đề nghị "ủy quyền cho HĐQT quyết định".
Ngoài việc xin ý kiến chung chung, việc DN chậm công bố tài liệu họp cũng khiến nhiều cổ đông không có điều kiện nghiên cứu kỹ trước khi giơ phiếu biểu quyết. Nhiều DN đến khi cổ đông đến dự họp mới phát tài liệu để "nghiên cứu" trong khi thời gian họp rất ngắn và đa phần khoảng thời gian này là dành cho màn… ca nhạc và đọc báo cáo.
"Ủy quyền" là cách mà ban lãnh đạo DN thường sử dụng khi phải xin ý kiến ĐHCĐ. Tuy về pháp lý, ĐHCĐ là cơ quan quyền lực cao nhất trong công ty cổ phần, nhưng thực tế là cổ đông (ĐHCĐ) luôn không đủ thông tin để thực hiện quyền ra quyết định. Vì thế, tại DN không có những nhóm cổ đông đủ lớn làm đối trọng thì những tờ trình của HĐQT thường dễ dàng được "chặc lưỡi" thông qua. Khi những tờ trình được thiết kế chung chung thì cổ đông, sau đó, cũng không có căn cứ để mà "truy" trách nhiệm. Văn hóa minh bạch, tuy đã được chế tài bằng hàng loạt văn bản quy phạm hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, nhưng vẫn còn đó những lỗ hổng rất khó lấp khi lãnh đạo DN chỉ muốn đối xử hình thức với cổ đông.