Trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi suốt vài năm qua, "thành phố thông minh" không còn là khái niệm hay một xu hướng, mà đã trở thành mục tiêu cụ thể nằm trong Nghị quyết số 52 được Bộ Chính trị ban hành.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, hiện trên toàn quốc có khoảng 830 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá đạt 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt tốc độ trung bình từ 12 - 15%, gấp 1,5 - 2 lần mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đang là trung tâm của hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là trung tâm của đổi mới sáng tạo, giáo dục, sản xuất thương mại và hội nhập quốc tế.
Mặc dù đã khẳng định được tầm quan trọng trong đóng góp chung cho cả nền kinh tế, nhưng phải khẳng định rằng, các đô thị của Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều nút thắt nội tại cần giải quyết.
Đó là sự thiếu đa dạng trong mô hình tăng trưởng đô thị; tài nguyên đất đai chưa được sử dụng hợp lý, hiệu quả; các dự án về nhà ở còn dàn trải; hạ tầng kỹ thuật khung đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến các điểm nghẽn chưa được tháo gỡ: ngập lụt, ách tắc giao thông…
Nhìn vào thực tế các đô thị tại Việt Nam hiện nay, cả cơ quan quản lý lẫn chuyên gia hay người dân đều khẳng định rằng, sự cần thiết của việc xây dựng các thành phố thông minh, đô thị hiện đại đang là đòi hỏi cấp bách trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị như hiện nay.
Quá trình đô thị hóa thiếu đồng bộ, quy hoạch lộn xộn, tình trạng mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường... đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Câu chuyện ô nhiễm môi trường không khí kéo theo đó là sự hoảng hốt của người dân được lan truyền trong khi chưa có những nguồn thông tin đủ tin cậy đã cho thấy, hình ảnh của “thành phố thông minh” trước hết phải là “thành phố an toàn” .
Liệu việc tận dụng các ứng dụng từ các nền tảng công nghệ IoT - AI - Big Data, đô thị thông minh có thể tạo ra một môi trường sờng sống tiện ích, thân thiện và an toàn cho người dân?
Từ kinh nghiệm từ một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Mỹ hay khu vực châu Âu cho thấy, với phương pháp phi tập trung hóa dân số và trải đều ở các khu vực trong cả nước, đồng thời dành những diện tích nhất định để tạo ra các không gian cho ý tưởng kiến trúc, các khu vực để phát triển công nghệ thông tin, giáo dục…tình trạng tắc đường, kẹt xe hay phát thải hiệu ứng nhà kính… giảm thiểu rõ rệt.
Chẳng hạn, hiện tại, Singapore có tới 360 km đường tàu điện ngầm và nước này đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 8/10 người có thể đi bộ từ nhà đến ga tàu trong khoảng 8 - 10 phút, tức là tăng tối đa khả năng kết nối về mặt giao thông cho người dân.
Ví dụ của Singapore cho thấy, khi phát triển đô thị thông minh đó là phải hiểu người dân muốn gì, rồi từ đó mới xác định đâu là yếu tố cốt lõi cần phát triển để phục vụ cho lợi ích của người dân. Trong đó, bao gồm cả những yếu tố "cứng" như hạ tầng giao thông đô thị đến những yếu tố "mềm" như nhu cầu về nhà ở, năng lượng, giáo dục, y tế và môi trường sống trong lành đều phải đảm bảo một cách tối đa và công bằng.
Vậy câu chuyện này để lại bài học gì cho Việt Nam?
Thực tế, lâu nay khi nói về các đô thị thông minh, các thành phố hiện đại ở Việt Nam, chúng ta hay nói nhiều hơn về công năng của công trình, dự án chứ đề cập đến “hạt nhân” của đô thị là con người và những yếu tố mềm, những vấn đề mang tính cảm xúc, trải nghiệm người dân còn ít ỏi hơn.
Chính vì thế, dẫn đến hệ quả là việc phát triển "đô thị thông minh" của Việt Nam tại các địa phương thường mang tính phong trào, mà không hề có tính cụ thể. Bản thân một số cơ quan quản lý vì hình dung sai về khái niệm "thành phố thông minh" mà dẫn đến sự loay hoay trong việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh đến tận bây giờ.
Đến đây, hiểu một cách đơn giản hơn, xây dựng đô thị thông minh là để cho người dân chứ không phải cho xe hơi, cho các ứng dụng khoa học kỹ thuật nào đó, mà nó chỉ nên là phương tiện cho đời sống người dân tốt hơn!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com