CEO Hilton Christopher Nassetta (trái) và CEO Starwood
Frits van Paasschen (phải)

CEO Hilton Christopher Nassetta (trái) và CEO Starwood Frits van Paasschen (phải)

Hilton chấp nhận thua Starwood một keo trắng

(ĐTCK-online) Mới đây, Hilton Worldwide, tập đoàn quản lý chuỗi khách sạn cao cấp có trụ sở chính tại McLean, bang Virginia (Mỹ) đã đạt được thoả thuận với đối thủ Starwood Hotels & Resorts Worldwide (có tổng hành dinh tại White Plains, New York - Mỹ) để dàn xếp ổn thoả vụ kiện “ăn cắp bí quyết kinh doanh, gián điệp kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh” đã kéo dài gần 2 năm qua.

Bước vào năm mới 2011, Hilton muốn khép lại toàn bộ vụ việc đầy tai tiếng này để tập trung vào hoạt động kinh doanh.

Tất nhiên, để vụ việc không bị đưa ra toà phán xử, thì cái giá mà Hilton phải trả cũng không nhỏ, cả về tiền bạc lẫn uy tín thương hiệu. Ngoài 75 triệu USD phải trả cho Starwood để “bồi thường thiệt hại vật chất”, Hilton còn phải chính thức đưa ra lời xin lỗi và cam kết tuân thủ một số điều khoản có liên quan.

Vậy bản chất của vụ việc này là gì và diễn biến ra sao?

Tháng 3/2009, Hilton chính thức giới thiệu rộng rãi Đề án xây dựng chuỗi khách sạn nhỏ sang trọng (nguyên văn tiếng Anh là luxury boutique hotel) mang thương hiệu là Denizen. Ngay lập tức, Starwood phát hiện đề án này ăn cắp ý tưởng, phương thức triển khai… của thương hiệu chuỗi khách sạn W (được Starwood thực hiện từ năm 1999). Starwood hiện có tới 37 khách sạn W ở Mỹ, Hồng Kông… tập trung khai thác phân khúc khách hàng trẻ, có tiền, thích sành điệu.

Starwood đã kiện lên Tòa án Liên bang Mỹ ở Manhattan (New York) với cáo buộc trên, kèm theo bằng chứng là hơn 100.000 file điện tử liên quan đến thương hiệu W đã bị Ross Klein, Amar Lalvani, nguyên là hai nhà quản lý cao cấp của Starwood đánh cắp trước khi về “đầu quân” cho Hilton.

Cụ thể, Ross Klein, nguyên Chủ tịch Starwood Luxury Brands Group và Lalvani, nguyên Phó chủ tịch Starwood Luxury Brands Group đã được Hilton tuyển dụng vào tháng 6/2008. Cả hai đã được Hilton trọng dụng, đảm nhiệm các chức vụ cao. Về với Hilton, Ross Klein đã “đề xuất ý tưởng” xây dựng thương hiệu khách sạn Denizen và được giao chủ trì đề án này.

Ông Christopher Nassetta, Giám đốc điều hành (CEO) Hilton tỏ ra hết sức vồ vập với đề án và hết lời khen ngợi Ross Klein. Điều trớ trêu là 44 nhà quản lý cao cấp của Hilton đã tham dự buổi thuyết trình, đóng góp ý kiến, hoàn chỉnh, thông qua đề án, mà hoàn toàn không mảy may nghi ngờ. Đến khi Starwood phản ứng gay gắt và phát hiện Ross Klein đích thị là thủ phạm, thì ông Christopher Nassetta mới ngã ngửa người ra và biết mình… ăn quả lừa. Lập tức, ông cho sa thải cả hai, đình lại vô thời hạn Đề án chuỗi khách sạn Denizen, song như thế vẫn là chưa đủ. 

Ông Kenneth Siegel, Chánh văn phòng kiêm phụ trách mảng pháp lý của Starwood nhận định: “Thông thường, để xây dựng một đề án dạng này từ ý tưởng, điều tra thị trường đến khi xong, phải mất từ 3 đến 5 năm, trong khi Hilton “chỉ cần” có 9 tháng để dựng xong Đề án Denizen. Tôi không tin là lãnh đạo Hilton ngây thơ đến mức không nhận ra điều này”. Starwood muốn kiện đến nơi đến chốn, còn Hilton lại mong muốn giải quyết vụ việc bên ngoài toà án. Vụ việc cứ dùng dằng, kéo dài đến gần 2 năm, nay mới chấm dứt.

Ông Todd Sullivan, luật sư chuyên về bí mật kinh doanh, thương mại của Hãng luật Womble Carlyle ở bang Bắc Carolina nhận xét: “Nếu ra toà, thì Hilton cầm chắc phần thua, vì Starwood có đầy đủ bằng chứng không cãi lại được”.

Theo thoả thuận, ngoài chuyện bồi thường bằng tiền, Hilton không được phép triển khai bất cứ thương hiệu khách sạn hạng sang nhỏ nào, nhằm tránh “đụng hàng” với W ít nhất trong 2 năm từ nay đến tháng 1/2013. Bên cạnh đó, Hilton phải trả lại toàn bộ hồ sơ bị đánh cắp và đảm bảo các bản photocopy không được lưu hành. Hơn nữa, trong vòng hai năm tới, Hilton sẽ không được tuyển dụng bất kỳ một nhân viên nào đã từng làm cho Starwood. Như vậy, nhân dịp này, Starwood muốn “rằn mặt” Hilton về sau chừa dùng chiêu bài tuyển dụng “gián điệp” để cạnh tranh.

Ông Christopher Nassetta phát biểu: “Hilton Worldwide lấy làm tiếc về sự việc xảy ra ngoài ý muốn và mong muốn kết thúc vụ việc. Hilton cam kết sẽ cạnh tranh một cách lành mạnh, đúng với pháp luật và đạo đức kinh doanh”.

Ông Frits van Paasschen, CEO Starwood cũng cho rằng: “Trong bối cảnh và tình thế bắt buộc, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác là buộc phải tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng. Thoả thuận đạt được giúp lập lại một sân chơi bình đẳng cho cuộc cạnh tranh hoàn toàn lành mạnh”.

Starwood và Hilton đều là các công ty quản lý hệ thống các khách sạn cao cấp 4 và 5 sao lớn trên thế giới. Starwood hiện quản lý hơn 1.000 khách sạn có thương hiệu Westin, Le Meridien,  Sheraton, St. Regis... ở 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn Hilton được Quỹ đầu tư Blackstone Group (Mỹ) mua lại vào năm 2007 với giá 26 tỷ USD, hiện quản lý 3.600 khách sạn ở 82 quốc gia, vùng lãnh thổ với các thương hiệu Hilton, Embassy Suites, Waldorf Astoria…

Các khách sạn mang thương hiệu Sheraton, Le Meridien của Starwood và Hilton của Hilton hiện đã có mặt tại Việt Nam .