Hiệu ứng thị trường từ việc tái cơ cấu VN30

Hiệu ứng thị trường từ việc tái cơ cấu VN30

(ĐTCK) Việc tái cơ cấu rổ chỉ số VN30 sẽ được công bố trong hôm nay (21/1) và chính thức có hiệu lực từ ngày 4/2/2019. 

Theo sau sự thay đổi này, Quỹ VFMVN30 ETF, quỹ đầu tư mô phỏng theo VN30-Index với tổng giá trị tài sản ròng là 4.162 tỷ đồng sẽ thực hiện các giao dịch nhằm đảm bảo tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục của Quỹ tương ứng với các thay đổi trong rổ VN30-Index mới.

Dự báo biến động trước giờ “G”

Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, có hai kịch bản về đợt tái cơ cấu của VN30. Kịch bản thứ nhất, cổ phiếu BID, BVH, HDB, TCB và VHM có khả năng được đưa vào rổ chỉ số VN30-Index, trong khi các cổ phiếu BMP, CII, DPM, GMD và KDC có thể bị loại ra.

Tính toán của VNDIRECT cho thấy, tỷ trọng các cổ phiếu mới được thêm vào VN30-Index bao gồm BID, BVH, HDB, TCB và VHM lần lượt là 0,8%, 0,8%, 3,7%, 9,4% và 5,3%.

Kịch bản thứ hai là các cổ phiếu BVH, HDB, TCB và VHM có thể được thêm vào, trong khi BMP, CII, DPM và KDC có khả năng bị đưa ra khỏi rổ chỉ số này.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, 4 cổ phiếu có thể được thêm vào danh mục VN30 là BVH, HDB, TCB và VHM. Ở chiều ngược lại, 4 cổ phiếu bị loại ra gồm BMP, CII, HSG và KDC. Trong đó, BMP, CII và HSG bị loại do không thỏa mãn điều kiện về vốn hóa. Với trường hợp KDC, cổ phiếu này có thể bị loại do không thỏa mãn điều kiện về giá trị giao dịch.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, kỳ tái cơ cấu lần này sẽ có biến động khá mạnh trong rổ VN30 và để lọt vào rổ chỉ số, các mã chứng khoán sẽ phải trải qua 3 bước sàng lọc về giá trị vốn hóa, free-float, thanh khoản.

Hiện tại, có một số quỹ ETF đang đầu tư theo chỉ số VN30 như VFMVN30 ETF của VFM hay Kindex VN30 ETF niêm yết tại Hàn Quốc; trong đó, Quỹ VFMVN30 ETF có giá trị tài sản ròng lên tới gần 4.200 tỷ đồng.

Chưa kể, theo ông Minh, Bualuang Securities (Thái Lan) đã phát hành chứng chỉ lưu ký (DR) và đầu tư trực tiếp vào chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với quy mô khoảng 151 triệu USD nên việc cơ cấu danh mục chỉ số VN30 tới đây sẽ có tác động nhất định đến thị trường chứng khoán trong nước.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, 4 cổ phiếu lọt rổ VN30 là VHM, HDB, EIB và TPB.

Theo BSC, danh mục VN30 được xác định trên dữ liệu cuối phiên giao dịch 31/12/2018 và công bố chính thức ít nhất trước 5 ngày so với ngày có hiệu lực vào 28/1/2019. Tỷ trọng của các cổ phiếu trong VN30 sẽ không có biến động trong nhóm 2 cổ phiếu dẫn đầu, các cổ phiếu tham gia mới như VHM, HDB, EIB và TPB có tỷ trọng lần lượt là 4,2%, 3,8%, 2,5%, và 2%. 

VN30 tiếp tục hút dòng tiền

VN30 là chỉ số xây dựng dựa trên danh mục 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn HOSE, được lựa chọn và tính toán theo nhiều tiêu chí khác nhau.

Danh mục này cũng được xem xét định kỳ 6 tháng một lần hoặc điều chỉnh khi xảy ra sự kiện bất thường, qua đó, đảm bảo tính cập nhật và phản ánh được nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến VN-Index, cũng như loại bỏ những cổ phiếu tác động đã bị suy giảm.

Sự ra đời của chỉ số này nhằm khắc phục phần nào điểm yếu của VN-Index khi dễ bị “dẫn dắt” bởi một số cổ phiếu lớn do cách tính dựa vào giá trị vốn hóa. Tuy nhiên, do được tăng tỷ trọng và thu hút vốn ETF đón đầu kỳ vọng nâng hạng, nhóm VN30 sẽ có ảnh hưởng lớn đến VN-Index trong năm 2019.

Thực tế, các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 không lựa chọn theo tiêu chuẩn hiệu quả kinh doanh, do đó việc bị loại ra khỏi VN30 không có nghĩa doanh nghiệp có vấn đề trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và ngược lại.

Ở những kỳ tái cơ cấu trước, một số cổ phiếu sau khi bị loại ra khỏi VN30 vẫn tăng giá tốt và báo cáo lợi nhuận tích cực, nhưng cũng không thiếu cổ phiếu sau khi vào VN30 lại có mức giảm mạnh. Tuy vậy, việc lọt vào rổ VN30 có lợi thế hơn trong việc thu hút sự chú ý hơn của các quỹ đầu tư nước ngoài, bởi ít nhất các cổ phiếu này đã đáp ứng được một số tiêu chí nhất định.

Theo dự báo của BSC, tỷ trọng nhóm VN30 sẽ tăng thêm 10,2%, từ mức 63,9% lên mức 74,1% trong VN-Index kỳ cơ cấu danh mục lần 1/2019. Cùng với đó, dòng vốn ngoại đầu tư vào các quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30-Index đón đầu khả năng nâng hạng thị trường cũng là yếu tố quan trọng giúp VN30 vận động tích cực và có ảnh hưởng lớn hơn lên VN-Index trong năm 2019.

Hiện tại, có 2 quỹ ETF đầu tư trực tiếp theo chỉ số VN30 thông qua chứng chỉ E1VFVN30. Quy mô tài sản E1VFVN30 là 189 triệu USD, trong đó ETF Hàn Quốc có quy mô tài sản 170 triệu USD và chứng chỉ đầu tư Thái Lan đã IPO và niêm yết  từ cuối năm 2018 với quy mô khoảng 19 triệu USD. 

Xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu trong rổ VN30, theo một chuyên gia chứng khoán, sẽ được đẩy mạnh nhằm đón đầu cơ hội từ khả năng nâng hạng thị trường trong năm 2019.

Tin bài liên quan