Dù thanh khoản giảm nhưng lượng giao dịch vẫn ở mức khá cao, liệu nhịp giảm điểm của thị trường có kéo dài, thưa ông?
Thị trường đang phát ra tín hiệu của một nhịp điều chỉnh giảm, có thể kéo dài từ 4-6 tuần. Tôi cho rằng đây là một sự điều chỉnh cần thiết của thị trường để củng cố cho xu hướng tăng trưởng trung hạn của các chỉ số chứng khoán.
Hiện tại, thị trường vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình giảm, việc bắt đáy vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chỉ thích hợp với những nhà đầu tư "lướt sóng" chuyên nghiệp. Tuy vậy, với nhà đầu tư trung hạn, giải ngân với lượng vốn lớn thì có thể xem xét tích lũy dần những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
Dòng tiền đang đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu penny, theo ông điều này có đáng lo ngại và xu hướng tiếp diễn trong bao lâu?
Ông Vũ Minh Đức
Việc dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu penny trong những phiên gần đây là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ có một nhịp giảm điểm.
Nó phản ánh thực trạng nhà đầu tư ngắn hạn khó tìm kiếm lợi nhuận ở các cổ phiếu blue-chips hoặc những cổ phiếu cơ bản khác, nên bị cuốn theo yếu tố dòng tiền và hiệu ứng tăng giá của nhóm cổ phiếu "nóng".
Khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường không còn nhiều triển vọng tăng giá ngắn hạn, sự điều chỉnh là cần thiết để tạo sự hấp dẫn cho lực cầu. Tôi cho rằng hiệu ứng tăng giá của nhóm penny đang kết thúc và thực tế hiện tại chỉ còn lại ở một vài cổ phiếu nhất định.
Nhiều doanh nghiệp được dự đoán có kết quả kinh doanh quý II/2017 tích cực, nhưng dường như điều này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Theo ông, cơ hội ở nhóm này còn không, nhà đầu tư nên theo đuổi chiến lược thế nào trong giai đoạn này?
Tôi đồng ý với quan điểm này. Khá nhiều cổ phiếu sau một giai đoạn tăng giá mạnh đều xuất hiện áp lực bán chốt lời sau khi thông tin tích cực được công bố, cho thấy những thông tin này đều đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Do đó, trong giai đoạn này khi đón nhận một thông tin KQKD tích cực, nhà đầu tư ngắn hạn nên bình tĩnh và xây dựng cho mình một chiến lược giải ngân chủ động, hạn chế mua đuổi theo giá.
Mỗi cổ phiếu có những thông tin công bố khác nhau và thị giá khác nhau nên khó có thể đánh giá triển vọng cuối năm theo nhóm, theo tôi nên phân tích từng cổ phiếu cụ thể.
Đúng là diễn biến giá từng cổ phiếu sẽ khác nhau, nhưng thực tế thị trường vẫn có những nhóm ngành có triển vọng vượt trội?
Với tầm nhìn trung hạn, tôi vẫn đánh giá tốt triển vọng của nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng cho giai đoạn cuối năm 2017-2018.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên lưu ý những nhịp tăng, giảm của nhóm vốn hóa lớn vì dự kiến chứng khoán phái sinh sẽ sớm đi vào giao dịch, nhà đầu tư sẽ được tham gia đầu cơ theo cả chiều tăng và giảm điểm của chỉ số.
Do vậy, biến động của những cổ phiếu dẫn dắt nhiều khả năng sẽ có sức hấp dẫn đối với dòng tiền thị trường.
Còn về vai trò của khối ngoại trong thời gian tới, theo ông sẽ là như thế nào khi dòng vốn ngoại được coi là một trong những động lực khiến thị trường tăng điểm 6 tháng đầu năm?
Bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 2 lần tăng lãi suất trong năm 2017, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 9.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam nửa đầu năm. Điều này cho thấy nhà đầu tư ngoại đang ủng hộ những động thái gần đây của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý thị trường trong việc phát triển TTCK.
Cụ thể, đó là việc bổ sung những hàng hóa chất lượng cho thị trường thông qua việc IPO kết hợp với niêm yết, mở thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại những công ty đầu ngành như tại VNM, PLX, SAB, VGC... Đồng thời, việc IPO của nhiều công ty tư nhân lớn, có triển vọng như NVL, VJC, VCI... đã mang tới cho khối ngoại những cơ hội giải ngân mà những năm trước họ rất khó để tiếp cận.
Quá trình này vẫn đang tiếp diễn với lộ trình đến năm 2020 cùng với kỳ vọng nâng hạng TTCK lên nhóm thị trường mới nổi, chúng tôi tin tưởng rằng khối ngoại vẫn sẽ tiếp tục gia tăng phần vốn đầu tư cho TTCK trong nước.
Những ngành được cho là giàu tiềm năng tăng trưởng của một quốc gia đông dân và đang trên đà tăng trưởng như Việt Nam sẽ thu hút quan tâm khối ngoại trong thời gian tới như hàng tiêu dùng, tài chính, dược phẩm, hạ tầng, bất động sản - xây dựng hay năng lượng.