Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Hiệu suất tại Việt Nam của Quỹ Tundra kém nhất trong tháng 6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các thị trường có màn biểu diễn ấn tượng nhất là Sri Lanka với mức tăng 15%, tiếp theo là Kazakhstan tăng 6%; những thị trường kém nhất gồm Nigeria và Việt Nam, có mức giảm 5%.

Việc TTCK Việt Nam có mức giảm mạnh nhất trong tháng 6 so với các thị trường mà Tundra có hoạt động đầu tư, Tundra Vietnam Fund là quỹ có hiệu suất kém nhất trong tháng 6, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm thì lại hiệu quả hơn các thị trường khác.

Trong tháng 6/2020, hiệu suất đầu tư của Tundra vào các thị trường cận biên tăng 2%, so với mức giảm 0,6% của chỉ số tiêu chuẩn MSCI FMxGCC Net TR và mức tăng 6,1% của chỉ số MSCI EM Net TR.

Trong đó, các thị trường có màn biểu diễn ấn tượng nhất là Sri Lanka với mức tăng 15%, tiếp theo là Kazakhstan tăng 6%; những thị trường kém nhất gồm Nigeria và Việt Nam, có mức giảm 5%.

Đánh giá về đóng góp của cổ phiếu vào hiệu quả đầu tư của Quỹ, Tundra cho biết, việc nắm giữ số lượng lớn các cổ phiếu tại Pakistan và Sri Lanka đã mang lại hiệu quả tốt.

Ở chiều ngược lại, trong số các mã mà Tundra nắm giữ tỷ trọng lớn nhưng mang lại hiệu quả đầu tư âm, có 3 công ty tại Việt Nam, bao gồm FPT (giảm 6%, tính theo VND), Masan Group (giảm 15%) và Kido (giảm 15%).

Với việc thị trường Việt Nam có mức giảm mạnh nhất trong tháng 6 so với các thị trường mà Tundra có hoạt động đầu tư, Tundra Vietnam Fund là quỹ có hiệu suất kém nhất trong tháng 6 khi giảm 4,9%.

Hiệu suất tại Việt Nam của Quỹ Tundra kém nhất trong tháng 6 ảnh 1

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, hiệu suất đầu tư của Tundra Vietnam Fund là -9%, khả quan hơn so với con số -10,8% của Tundra Sustainable Frontier Fund, -18,9% của Tundra Pakistan Fund và -20,4% của Tundra Frontier Africa.

Nhìn nhận về diễn biến thị trường trong tháng 6, Tundra Vietnam Fund chia sẻ, chỉ số FTSE Vietnam TR giảm 5%, giảm mạnh so với đà tăng trưởng dương 6,1% của MSCI Emerging Markets (chỉ số thị trường mới nổi của MSCI) và -0,6% của MSCI Frontier Markets xGCC Net TR. Sau đà tăng tốc trong tháng 5, nhà đầu tư đã chốt lời tại thị trường Việt Nam trong tháng 6, nhất là với lĩnh vực năng lượng.

Nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng với khối lượng 30 triệu USD. Tuy nhiên, thương vụ đầu tư trị giá 650 triệu USD của KKR và Temasek vào Vinhomes đã giúp đảo ngược tình thế. Bên cạnh đó, sự quan tâm của giới đầu tư được cải thiện khi khối lượng giao dịch hàng ngày tăng lên 334 triệu USD.

Thực tế, nhờ việc nắm giữ tỷ trọng thấp các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản (Vingroup), hàng tiêu dùng (Masan và Vinamilk), hàng không (VietJet) mà hiệu quả đầu tư của Tundra Vietnam Fund đã tích cực hơn so với đà giảm của chỉ số tiêu chuẩn.

Thêm vào đó, cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen, thuộc nhóm nguyên vật liệu, cũng đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Quỹ tại thị trường Việt Nam.

Ở chiều tiêu cực, các cổ phiếu thuộc lĩnh vực năng lượng (Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam - PGS), công nghệ thông tin (FPT), chăm sóc sức khỏe (Traphaco) và hàng tiêu dùng (Kido Foods) đều tạo gánh nặng cho hiệu quả đầu tư của Quỹ trong tháng 6.

Trong tháng 6, Tundra Vietnam Fund có động thái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nổi bật nhất là việc cổ phiếu FPT không còn nằm trong Top 10 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trước đó, trong tháng 5, cổ phiếu FPT chiếm vị trí thứ nhất với tỷ trọng 8,8%.

Hiện tại, 3 vị trí hàng đầu trong danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund là Hòa Phát (chiếm 7,2%), Vinhomes (7,1%) và Vincom Retail JSC (6,2%). Cổ phiếu mới góp mặt trong Top 10 là MBB của Ngân hàng Quân đội, chiếm 4,1% danh mục.

Trong quý II/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 0,36% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 6 tháng, con số là 1,81%. Đây là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Với việc Chính phủ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng trên không gây bất ngờ.

Hiện tại, đa phần các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đã quay trở lại như thường nhật, Tundra Vietnam Fund tin rằng, quãng thời gian tệ nhất đã ở lại phía sau, trừ khi có làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai xảy ra.

Đáng chú ý, thặng dư thương mại trong tháng 6 của Việt Nam đạt 500 triệu USD, ngay cả khi các đối tác thương mại đều vật lộn đối phó với đại dịch. Xuất khẩu trong tháng 6 ước đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5%; nhập khẩu đạt 20,5 tỷ USD, tăng 12,8% với tháng 5.

Thặng dư thương mại 6 tháng đầu năm ở mức 4 tỷ USD. Theo Tundra Vietnam Fund, thặng dư thương mại tích cực sẽ tạo dư địa để Việt Nam tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan