Hiểu rõ từng FTA, tạo đột phá cho xuất khẩu nông sản

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, ngành nông nghiệp cần hiểu mọi ngóc ngách từng hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để chuyển hóa thuận lợi thành vũ khí, tạo đột phá cho xuất khẩu nông sản.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Năm 2020, dẫu phải đối mặt với khó khăn, nhưng xuất khẩu nông sản vẫn lập đỉnh với 41,25 tỷ USD, đạt thặng dư 10,3 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về triển vọng xuất khẩu nông sản năm 2021?

Ngành nông nghiệp bước vào năm 2021 đan xen nhiều thách thức và cơ hội, bao gồm cả những khó khăn nội tại. Tuy nhiên, nông nghiệp đã có nền tảng nhờ nỗ lực tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và tổ chức liên kết lại sản xuất.

Năm 2020, nông nghiệp đạt được nhiều kết quả rất khả quan. Đặc biệt, ngành vừa khẳng định được vị trí trụ đỡ vừa có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước. Đây là tiền đề tốt cho năm 2021 và giai đoạn tiếp theo để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Những ngày đầu năm 2021, những lô hàng gạo, tôm và nhiều mặt hàng nông sản khác nối đuôi nhau xuất ngoại với giá cao. Đơn cử, lô gạo của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất sang Singapore đạt 705 USD/tấn. Hiện nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường rất lớn, các đơn hàng có giá trị cao. Một số nước vừa ký kết FTA với Việt Nam cũng cam kết mở cửa cho mặt hàng gạo. Tôi hy vọng năm nay, nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục phát huy đà tăng trưởng.

Với thủy sản, ngành nông nghiệp đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đẩy mạnh chế biến và có thêm nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng lớn. Hy vọng năm 2021, xuất khẩu thủy sản sẽ cán mốc 9 tỷ USD. Ngoài ra, cơ hội cho mặt hàng gỗ, cao su, hồ tiêu, cà phê cũng rất sáng nhờ những doanh nghiệp vừa là nhà sản xuất uy tín với các sản phẩm chế biến sâu, vừa là nhà thương mại.

Với những nền tảng trên, làm thế nào để Việt Nam tận dụng được cơ hội từ hàng loạt FTA đã được ký kết thời gian qua?

Năm 2020, Việt Nam đã ký nhiều FTA với EU, Anh... Quy mô tiêu dùng của những thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, những yêu cầu đối với hàng nông sản cũng rất khắt khe.

Hiện hội nhập kinh tế quốc tế trong nông nghiệp đã rất sâu rộng. Đã đến lúc, phải chuyển đổi nhận thức, hiểu từng FTA, thích ứng và chuyển hóa mọi thuận lợi thành vũ khí để vượt qua chính mình và tạo đột phá cho xuất khẩu nông sản.

Nông nghiệp phải hiểu ngóc ngách của từng FTA. Thậm chí, phải hiểu bạn sẽ dùng những rào cản kỹ thuật nào với mình và Việt Nam có thể dùng những rào cản nào để đem lại lợi ích cho cả 2 phía. Từ đó, tận dụng tối đa thuận lợi về hàng rào thuế quan và chuẩn bị kỹ để vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Năm 2021, ngành nông nghiệp phải thích nghi và chủ động ứng phó với biến đổi của Covid-19. Tuyệt đối không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, phải thể chế hóa những kế hoạch hành động của các FTA và triển khai đến các cấp, ngành, hiệp hội.

Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế. Phải coi chế biến nông sản là một mũi nhọn có tính đột phá, thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản tầm cỡ của khu vực.

Thưa ông, để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao ngành nông nghiệp trong năm 2021, cần ưu tiên những nhóm giải pháp nào?

Ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu, tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị với tâm thế không chủ quan với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Các quốc gia khác sẽ tăng cường đầu tư cho sản xuất lương thực, thực phẩm nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu, đảm bảo an ninh lương thực. Việt Nam cũng tiếp tục phải cạnh tranh với những quốc gia xuất khẩu nông sản có tiềm năng như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…

Năm 2021, trong lộ trình thực hiện các FTA, tuy các rào cản thuế được gỡ bỏ, nhưng sẽ có những hàng rào kỹ thuật mới được dựng lên. Bởi thế, nông dân, doanh nghiệp cần phải làm quen để chuẩn hóa sản phẩm.

Bên cạnh đó, những chính sách thương mại của các nước lớn như Mỹ chắc chắn sẽ có điều chỉnh. Ngành nông nghiệp cần chủ động nắm rõ để thích ứng. Chưa kể, thiên tai, biến đổi khí hậu là những tác nhân có thể tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh nông sản.

Trước những thách thức trên, cần xác định thực hiện các mục tiêu sản xuất - kinh doanh với tâm thế chủ động. Ngay từ quý I/2021, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy do Covid-19, vượt qua những khó khăn trong logistics, tình trạng container rỗng.

Đồng thời, làm tốt công tác thông tin cảnh báo cho các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp để chủ động ứng biến. Đa dạng hóa các hình thức phát triển thị trường, triển khai ứng dụng kinh tế số trong nông nghiệp, tháo gỡ rào cản, yêu cầu kỹ thuật bằng hình thức trực tuyến.

Đối với sản phẩm trồng trọt, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đàm phán để sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Với sản phẩm chăn nuôi, tiếp tục mở rộng danh sách các nhà máy chế biến sữa được xuất khẩu sang Trung Quốc; hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc.

Ngoài thị trường truyền thống, đẩy mạnh khai thác nhóm thị trường trong các FTA đã ký kết vì dung lượng thị trường lớn, đa dạng. Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương tấn công vào thị trường HALAL (cộng đồng người theo đạo Hồi trên thế giới), với khoảng 2,2 tỷ người, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh là trà, cà phê, hồ tiêu, thủy sản, gạo…

Tận dụng tốt cơ hội, đa dạng hóa thị trường, phát huy chuyển đổi số, thương mại số, chắc chắn xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục gặt hái nhiều kết quả khả quan trong năm 2021.

Tin bài liên quan