Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Chủ trương kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… vẫn sẽ được áp dụng. Đi kèm với đó là tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm nay ở mức 14%. Vì thế, không đợi đến đầu năm 2019 mà trước đó, các nhà băng đã định hình hoạt động phát triển tín dụng của mình khá rõ nét.
Đẩy mạnh “mua buôn bán lẻ”
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank (VCB) cho biết, dự án ngân hàng số đang được ngân hàng này đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo lãnh đạo Vietcombank, dự án ngân hàng số sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả khách hàng - ngân hàng và hỗ trợ chiến lược mua buôn bán lẻ của nhà băng này. Để “mua buôn, bán lẻ” thành công, Vietcombank đưa ra dịch vụ tối ưu để khách hàng có nguồn vốn lớn đưa vào Ngân hàng với lãi suất thấp hơn khi tính tổng thể chi phí. Còn muốn phát triển bán lẻ, Vietcombank cần mở rộng mạng lưới giao dịch truyền thống và điểm giao dịch công nghệ trên ngân hàng số.
Vietcombank hiện có 534 điểm giao dịch, ít hơn của các ngân hàng lớn khác, nên đẩy mạnh phát triển ngân hàng số là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Lãnh đạo Ngân hàng cho biết, mua buôn bán lẻ nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận, tạo điều kiện để có lãi suất cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2018, dư nợ tín dụng bán lẻ của Vietcombank tăng 34%, đóng góp tích cực vào lợi nhuận trên 18.000 tỷ đồng của Ngân hàng và phân khúc tín dụng này được xác định còn nhiều tiềm năng phát triển trong các năm tới.
Thực chất, tín dụng bán lẻ vừa có tài sản đảm bảo, số dư nợ thấp hơn trên mỗi món vay nên thu nợ thuận tiện hơn. Đối với việc gia tăng dịch vụ ngân hàng số, cho vay qua công nghệ, một thách thức với các ngân hàng nói chung là câu chuyện quản trị rủi ro. Cơ quan quản lý cần nhiều chính sách để quản trị việc sử dụng công nghệ thông tin trong ngân hàng. Tại Vietcombank, ông Thắng cho biết, ngân hàng đã có các dự án để quản trị rủi ro này.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra trong năm 2019 tiếp tục duy trì ở mức khoảng 14%. Tại Vietcombank, theo ông Thắng, việc giảm 1% tăng trưởng tín dụng từ mức 15% năm 2018 sẽ khiến doanh số cho vay giảm tương đối lớn. Để đạt mức tăng trưởng tín dụng 14% trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện tại với Vietcombank là không khó nhưng điều quan trọng hơn là quản trị rủi ro.
Là một trong những ngân hàng sớm hoàn tất và áp dụng các chuẩn mực quốc tế theo Thông tư 41 - tiêu chuẩn Basel II của Việt Nam, Vietcombank nằm trong nhóm được ưu tiên về giới hạn tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng này có thể tăng thêm dư nợ tín dụng nhưng với điều kiện nền kinh tế tăng trưởng tốt, tín dụng tăng thêm có hiệu quả.
Năm 2018, Vietcombank đạt được mức lợi nhuận cao nhất trong toàn hệ thống và cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này. Mục tiêu lợi nhuận năm 2019 của Ngân hàng dự kiến sẽ đạt hơn 20.000 tỷ đồng trước thuế, kể cả khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14%.
Mặc dù room tín dụng khó được nới rộng trong năm nay, song không ít nhà băng vẫn được kỳ vọng nâng room, nên đã đưa ra chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng của ngành. Chẳng hạn như VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 35% cho năm 2019 nếu được NHNN cho phép.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 28/3 vừa qua, trước thắc mắc của cổ đông về việc VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng quá cao, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng năm nay ở mức 35%, song NHNN chấp thuận ở mức nào VIB sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép. Đồng thời, chủ trương của NHNN cũng là sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đã hoàn thành Basel II. Trong đó, Vietcombank, VIB nằm trong danh sách 10 ngân hàng thí điểm Basel II.
Trước đó, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra đầu năm nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm nay là 14%, tương đương với mức đạt được năm 2018. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được phân bổ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng (TCTD).
Đó cũng là lý do để các nhà băng đặt chỉ tiêu lợi nhuận tham vọng trong năm nay, như VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 3.400 tỷ đồng trước thuế. Nếu không được tăng trưởng tín dụng cao ở mức 35% nói trên, VIB dự kiến sẽ đẩy mạnh tăng trưởng dịch vụ để gia tăng nguồn thu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cũng cho rằng, trong những năm qua, nhất là năm 2018 khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành thực hiện ở mức 14% và ở VIB cũng ở mức này, song Ngân hàng vẫn đạt được mức lợi nhuận khả quan, với trên 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Năm 2018, hoạt động kinh doanh của VIB tăng trưởng mạnh và chất lượng nhất trong 5 năm qua, tất cả mảng kinh doanh đều vượt kế hoạch, doanh thu và lợi nhuận đạt mức cao. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 2.743 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và đạt 137% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao; tổng tài sản đạt gần 140.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 17%; nợ xấu duy trì ở mức 2,2%.
Đại hội đồng cổ đông VIB đã thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lên tới 26,5%, gồm 5,5% cổ tức bằng tiền mặt, 18% bằng cổ phiếu thưởng và 3% cổ phiếu quỹ. Tính đến tháng 7/2018, VIB trở thành 1 trong 5 ngân hàng đầu tiên mua lại 100% dư nợ từ VAMC.
Trong mảng ngân hàng bán lẻ, VIB đã khẳng định vị thế khi liên tục dẫn đầu thị trường về tăng trưởng tín dụng và là ngân hàng hàng đầu về cho vay mua ô tô, Top 3 thị trường về doanh số bán bancasurance trong 2 năm liên tiếp.
Đầu tháng 12/2018, VIB đã gây tiếng vang lớn khi ra mắt đồng loạt 5 sản phẩm thẻ tín dụng hoàn toàn mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của chủ thẻ. VIB đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển ứng dụng MyVIB, Internet Banking...
Lãnh đạo VIB cho hay, tín dụng cho khách hàng cá nhân, bán lẻ luôn là chiến lược trọng tâm của Ngân hàng. Trong thời gian qua, VIB đã đưa ra những gói sản phẩm, dịch vụ khá hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong việc vay tiền mua ô tô và mua, sửa chữa nhà... Chỉ từ đầu năm 2019 đến nay, tín dụng khối bán lẻ tại VIB đã tăng ở mức 8%.
Hiện VIB có 163 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, đạt mức trung bình trong hệ thống. VIB đang tái hiện diện các chi nhánh tại các mạng lưới trung tâm và mỗi năm Ngân hàng dự kiến mở thêm 10 - 15 chi nhánh, phòng giao dịch trong thời gian 5 năm tới. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào quy định của NHNN cũng như việc tuân thủ các quy định của VIB để có thêm điều kiện trong việc mở rộng quy mô hoạt động.
Cho vay phân tán để tăng NIM
Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, giảm tốc tăng trưởng tín dụng trong năm nay là việc nên làm và các ngân hàng có thể xoay chuyển qua các hoạt động khác để thích nghi và đạt chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Theo ông Tùng, mặc dù tín dụng vẫn là hoạt động chủ lực của các ngân hàng thương mại, nhưng ngân hàng là ngành rất đặc thù, muốn mở rộng kinh doanh phải có điều kiện.
Xu hướng giảm tốc tăng trưởng tín dụng của NHNN sẽ có những tác động khác nhau lên từng ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện làm sao để xoay xở với xu hướng giảm tốc tín dụng thực tế đã được các ngân hàng thương mại đặt lên bàn 4 - 5 năm trước, từ khi NHNN đặt trần tăng trưởng tín dụng.
Các ngân hàng đặt mục tiêu tăng nguồn thu dịch vụ để bù đắp vào dư nợ giảm
Lãnh đạo OCB cho hay, cách đây 5 năm, Ngân hàng đã chuẩn bị cho quản trị rủi ro và từ 2 năm trước đã hoàn tất toàn bộ cơ sở hạ tầng cho Basel II. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì cần cả nền kinh tế, hệ thống tài chính tiền tệ phải ổn định. Với chủ trương giảm tốc tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải thích nghi, xoay qua hướng đi khác như trái phiếu doanh nghiệp, thu xếp vốn cho nước ngoài, phát hành riêng lẻ, tăng vốn cho một số doanh nghiệp, thu xếp vốn M&A…
“Ngân hàng phải xoay chuyển chiến lược kinh doanh để phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như chỉ đạo của cơ quan quản lý”, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết thêm. Thực tế, với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, OCB đã đạt được kết quả tích cực trong năm qua khi thu về hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.
Với ACB, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã vạch ra một chiến lược phát triển mới cho giai đoạn 2020 - 2024, gọi tắt là “Ngân hàng tương lai”, khác với “Ngân hàng quá khứ”. Đối với Ngân hàng tương lai, ACB đặt mục tiêu nhanh chóng mở rộng cơ sở khách hàng trong giai đoạn 2018 - 2019 và dự kiến sẽ đạt được doanh thu và lợi nhuận đáng kể sau 2 năm.
Các khách hàng mục tiêu mới bao gồm các cá nhân tiệm cận với khách hàng hiện tại về thu nhập, các doanh nghiệp mới được thành lập từ kinh doanh hộ gia đình, các chuyên gia trình độ cao trong các ngành nghề...
Bên cạnh đó, ACB cũng từng bước áp dụng giải pháp “Ngân hàng kỹ thuật số”, nhằm đảm bảo khả năng phục vụ số lượng khách hàng đang gia tăng nhanh. Giải pháp ngân hàng kỹ thuật số đã được ACB triển khai trong giai đoạn 2017 - 2018 và vẫn còn một khối lượng công việc lớn cần hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2022.
ACB đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ các giao dịch trực tuyến về thanh toán, cho vay và tiền gửi (đã thực hiện một phần qua ứng dụng di động hiện tại của ACB), hiện chiếm 20-22% tổng số giao dịch cá nhân. Đồng thời, việc xử lý tự động hóa, phần còn lại của ngân hàng kỹ thuật số cũng sẽ được thực hiện. Ngân hàng kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ tăng thu nhập phí và cải thiện CIR và CASA, hiện đang ở mức 15,4% và thấp hơn so với các ngân hàng Top đầu khác (MBB: 39%, VCB: 28,3%, TCB: 24,6%…).
Trong giai đoạn 2019 - 2024, ACB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm phù hợp với mức tăng trưởng của ngành. Đồng thời, tăng trưởng có thể chậm lại để ưu tiên công tác quản lý rủi ro. ACB là ngân hàng tập trung vào khách hàng SME và cá nhân.
Trong việc mở rộng các khách hàng SME, ACB đặt mục tiêu thu hút các nhà cung cấp và nhà phân phối của các doanh nghiệp cốt lõi trong chuỗi cung ứng thông qua chính sách giá hợp lý về lãi suất và phí.
Hơn nữa, Ngân hàng áp dụng các giải pháp dài hạn và đồng bộ trong việc cung cấp các gói sản phẩm cho khách hàng. Nhân viên của các khách hàng SME cũng là nguồn khách hàng cá nhân trả lương qua ngân hàng, trong đó ACB đặt mục tiêu tăng doanh thu bằng các hình thức upsell, cho vay tín chấp bằng thẻ tín dụng và cung cấp các khoản vay tiêu dùng khác.
Với phân khúc này, hiện ACB có 1,8 triệu khách hàng và Ngân hàng đặt mục tiêu sẽ có 5 triệu khách hàng trong năm 2019. Đối với phân khúc khách hàng cá nhân siêu giàu, ACB đặt kế hoạch tăng huy động và tăng thu nhập từ bancassurance và thẻ tín dụng. Đồng thời, ACB cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng có chất lượng tài sản tốt hơn và tỷ lệ NIM cao hơn. ACB có thế mạnh về cho vay tiêu dùng, nhưng các khoản vay này chủ yếu có thế chấp.
Dư nợ cho vay tín chấp tại ACB chỉ bằng 0,41% tổng dư nợ cho vay, chủ yếu là thông qua thẻ tín dụng cho các khách hàng phân khúc thu nhập khá (có thu nhập cao hơn 200 triệu đồng mỗi năm) với tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
Ngân hàng bắt đầu tiến hành lắp đặt máy giao dịch tiền mặt - CDM trong quý IV/2018, cho phép ACB mở rộng cho vay tín chấp tới khách hàng phổ thông với chi phí hoạt động thấp kể từ năm 2019, nhưng Ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín chấp ở mức vừa phải. Tỷ lệ CAR hiện theo Basel II là trên 8% và tại ACB cải thiện lên 8,6 - 8,7% vào cuối năm 2018, dự kiến đạt gần 10% vào cuối năm 2019.
Hiện lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân tại ACB dao động từ 9% đến 12%/năm, trung bình 9,27%/năm; lãi suất đối với các SME là 7,5 - 8,5%/năm. ACB đã áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp giao dịch với Ngân hàng. Bằng cách này, ACB đánh đổi hệ số NIM cho các mục tiêu dài hạn như giảm rủi ro tín dụng, tăng CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi).
Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng, đại diện các ngân hàng đều cho hay, chiến lược tăng trưởng bán lẻ được đẩy mạnh những năm gần đây và ngân hàng nỗ lực giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, nhất là trong bối cảnh tín dụng không còn tăng trưởng cao như trước. Một trong những chiến lược được các ngân hàng đẩy mạnh là đầu tư vào ngân hàng số và bancassurance. Đây sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển của các ngân hàng trong thời gian tới.