Tuy nhiên, hoạt động của hai công ty này hậu CPH tạo nên sự tương phản trên nhiều mặt, mà theo nhìn nhận của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đây là bài học quý đối với tiến trình CPH đang đi vào giai đoạn nước rút.
Để tiếp tục thúc đẩy tiến trình CPH đạt yêu cầu cả về lượng và chất, Đoàn công tác Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó trưởng ban thường trực làm Trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc với một số DN về tình hình thực hiện CPH. Tham dự buổi làm việc này, ngoài đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính..., đặc biệt còn có đại diện của Sabeco và VNM. Đây là hai mô hình DN tiêu biểu hậu CPH, khi Sabeco hiện có vốn thuộc sở hữu nhà nước trên 50%, còn VNM có vốn nhà nước dưới 50%.
Với VNM, tại nhiều diễn đàn, hội thảo trong và ngoài nước, luôn được dẫn ra như điển hình của DNNN tiến hành CPH thành công, đặc biệt là trên phương diện thay đổi mạnh mẽ về quản trị. Nhưng chuyện mới là lần đầu tiên Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đặt VNM bên cạnh Sabeco nhằm tạo ra sự tương phản mạnh, qua đó, gợi ra nhiều bài học quý đối với tiến trình CPH DNNN đang được thúc đẩy.
Theo đánh giá của đoàn công tác, nếu nhà nước không nắm cổ phần chi phối hậu CPH, DN sẽ có nhiều khả năng thành công do chủ động hơn trong điều hành, quản lý và không bị vướng vào các thủ tục hành chính như khi còn là DNNN. Tính chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể người lao động tại các DN này được phát huy, năng suất lao động, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách tăng mạnh.
Điển hình cho mô hình này là VNM. Hiện Nhà nước nắm 45% cổ phần tại VNM. Việc CPH và thoái vốn Nhà nước là yếu tố then chốt, là bước ngoặt giúp VNM không ngừng lớn mạnh. Nếu như năm 2004, một năm sau CPH, VNM đạt 4.227 tỷ đồng doanh thu, thì đến năm 2014, con số này tăng lên 34.977 tỷ đồng. Vốn hóa của VNM hiện đạt khoảng hơn 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trên TTCK...
10 năm sau CPH, VNM đã đạt bước biến tiến dài về chất lượng quản trị doanh nghiệp. Trong khi có bề dày CPH chỉ kém VNM 3 năm, mô hình quản trị, cung cách làm ăn của Sabeco chẳng mấy thay đổi, nếu không muốn nói là có bước lùi về quản trị, xét trong bối cảnh Sabeco hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, cũng như kỳ vọng của giới đầu tư.
Đánh giá của Đoàn công tác còn cho thấy, khi Nhà nước giữ cổ phần chi phối tại các DN hậu CPH, thì không có nhiều thay đổi, thiếu sự đột phá trong điều hành, quản lý. Khi đó, mọi hoạt động của DN gần như các DNNN khác, với nhiều hạn chế cả về quản trị, công nghệ, sử dụng lao động... Điển hình cho trường hợp này là Sabeco. Do Nhà nước đang sở hữu tới 89,59% cổ phần tại Sabeco, nên trên thực tế, tuy “vỏ” là công ty cổ phần, nhưng “ruột” đang vận hành theo cơ chế của một DNNN.
Báo cáo của Sabeco cho thấy, tuy là công ty cổ phần, nhưng cơ cấu tổ chức của Sabeco có cả HĐQT và bộ phận quản lý vốn nhà nước. Bộ máy quản lý phức tạp, cồng kềnh, không những làm tăng chi phí mà còn khiến cho hoạt động điều hành DN gặp nhiều khó khăn.
Sau không ít lần thay đổi Chủ tịch HĐQT, mà thực chất đều do “một tay” Bộ Công thương quyết, hoạt động quản trị của Sabeco vẫn chẳng mấy… đổi thay. Mới đây nhất, giữa lúc đang có những tranh cãi về việc Sabeco có bị truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế hay không, Bộ Công thương bất ngờ giới thiệu ông Võ Thanh Hà, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công thương để ĐHCĐ bầu làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty kể từ ngày 14/10, thay cho người tiền nhiệm là ông Phan Đăng Tuất.
10 năm sau CPH, VNM đã đạt bước biến tiến dài về chất lượng quản trị doanh nghiệp. Trong khi có bề dày CPH chỉ kém VNM 3 năm, mô hình quản trị, cung cách làm ăn của Sabeco chẳng mấy thay đổi, nếu không muốn nói là có bước lùi về quản trị, xét trong bối cảnh Sabeco hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, cũng như kỳ vọng của giới đầu tư.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, các DN được CPH từ giai đoạn trước đã hoạt động ổn định, cần đánh giá hiệu quả của công tác này để rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm giá trị, góp phần thiết thực đối với thực hiện CPH DNNN trong thời gian tới. Ghi nhận tại nhiều đơn vị cho thấy, việc tập trung CPH tại công ty mẹ trước là phương án CPH hữu hiệu, giúp quá trình CPH diễn ra nhanh và thuận lợi hơn so với phương án CPH các công ty con rồi đến công ty mẹ như cách làm thường thấy.
Đưa những bài học trên vào áp dụng trong thực tiễn, không chỉ là đòi hỏi của nhà quản lý, mà còn là mong muốn của giới đầu tư trong và ngoài nước. Từ kinh nghiệm đang tham gia tư vấn cho Bộ Tài chính Việt Nam triển khai Dự án Tái cơ cấu DNNN, ông Takashi Sakakibara, Cố vấn trưởng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, việc cổ đông Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần gần như tuyệt đối tại DN hậu CPH không chỉ khó tạo sự thay đổi về quản trị, mà còn phát đi một tín hiệu không tích cực là cơ hội để các NĐT tham gia quyết định các vấn đề trọng đại tại DN là gần như không thể.
Một bất ổn nữa là việc xác định giá trị DN, định giá cổ phần đưa ra IPO, chào bán cho NĐT chiến lược chưa hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, còn mang nặng tính chủ quan của bên bán. Nếu những hạn chế này không sớm được khắc phục, Việt Nam sẽ khó thúc đẩy tiến trình CPH đạt được yêu cầu cả về lượng và chất.