Luật sư Trần Minh Hải trong vai trò người bảo vệ quyền lợi của đương sự tại “Đại án nghìn tỷ Tây Nguyên”	Ảnh: Trần Huy

Luật sư Trần Minh Hải trong vai trò người bảo vệ quyền lợi của đương sự tại “Đại án nghìn tỷ Tây Nguyên” Ảnh: Trần Huy

Hiểu nghề, giữ nghiệp

(ĐTCK) “Những năm làm luật sư, tôi giúp nhiều người nhận thức được rủi ro và vượt qua ranh giới hậu quả pháp lý nghề nghiệp. Nhưng tôi cũng buộc phải chứng kiến không ít số phận đã trở thành bi kịch. Đó là điều dằn vặt, bởi còn rất nhiều người đang đối diện hàng ngày với rủi ro nghề nghiệp, mà họ chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ. Viết cuốn “Hiểu nghề, giữ nghiệp” giúp tôi phần nào chia sẻ bớt những dằn vặt của bản thân mình”, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO tâm sự.

Nhân dịp năm mới, xin chúc mừng luật sư trong năm qua đã xuất bản cuốn sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” gây ấn tượng và có giá trị rất lớn đối với những người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Xin ông chia sẻ tâm nguyện khi viết cuốn sách này?

Mục đích tôi viết cuốn sách chính là để chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm về nghề ngân hàng. Chặng đường làm luật sư có những hình ảnh ấn tượng về nghề này mà tôi không thể quên. Hình ảnh ngay tại phiên tòa, một bị cáo nâng niu trao cho tôi đồ vật nhờ gửi giúp cho con nhỏ. Đó là những con châu chấu, chuồn chuồn được bện từ những sợi nylon mà anh kỳ công tạo thành và nâng niu trong những ngày bị giam giữ.

Có hình ảnh ấn tượng khác khi tôi chứng kiến một nữ bị cáo âm thầm khóc tại tòa vì biết rằng, tới đây sẽ phải ngồi tù trên chục năm, trong khi con mới vài chục tháng tuổi. Đó là những hình ảnh hoàn toàn tương phản với hình ảnh mà phần đông chúng ta hay liên tưởng về lĩnh vực ngân hàng. Những bị cáo tôi kể đều là cán bộ ngân hàng.

Giống như nhiều đồng nghiệp, họ cứ hàng ngày thực hiện công việc của mình với hình dung đơn giản về ngân hàng, về quy trình, về môi trường pháp luật. Họ chỉ thấy được rủi ro nghề nghiệp khi đã đối diện với hậu quả.

Những năm làm luật sư, tôi giúp nhiều người nhận thức được rủi ro và vượt qua ranh giới hậu quả pháp lý nghề nghiệp. Nhưng tôi cũng buộc phải chứng kiến không ít số phận đã trở thành bi kịch. Đó là điều dằn vặt, bởi còn rất nhiều người đang đối diện hàng ngày với rủi ro nghề nghiệp, mà họ chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ.

Những kinh nghiệm về nghề mà nhiều đồng nghiệp của họ đã trả giá bằng năm tháng tự do, những kỹ năng nghề hình thành bằng trải nghiệm logic cuộc sống không hề có trong sách vở, quy trình. Tất cả những thứ đó là điều nên truyền tải đến họ. Viết sách chính là điều có thể giúp tôi phần nào chia sẻ bớt những dằn vặt của bản thân mình. 

Lần đầu tiên viết sách, lại viết một nội dung rất “khoai”: các kinh nghiệm, kỹ năng nghề rút ra từ các vụ án và hoạt động ngân hàng. Có khi nào ông băn khoăn liệu cuốn sách có được ủng hộ?

Tôi không hề băn khoăn, mà tự tin cuốn sách sẽ được giới ngân hàng đón nhận. Đây không phải lần đầu tiên tôi viết sách, nhưng đây đúng là cuốn sách đầu tiên viết về kỹ năng, kinh nghiệm pháp lý cho nghề ngân hàng tại Việt Nam.

Một anh bạn của tôi vốn là tổng giám đốc ngân hàng đã nhận xét như vậy và tôi cũng tự ghi nhận điều này. Ngay khi đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên của cuốn sách, tôi đã có cảm nghĩ, cuốn sách sau này sẽ trở thành một cẩm nang nghề được giới ngân hàng đón nhận.

Quả thật, ngay sau khi sách phát hành trên thị trường, lập tức tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả. Suốt nhiều tuần, tôi đón nhận những cuộc điện thoại, e-mail, ghi nhận những lời cảm ơn và tình cảm chân thành từ những con người vốn không quen biết, chỉ với mối liên hệ là cuốn sách.

Họ làm việc tại các ngân hàng cổ phần, ngân hàng quốc doanh và cả ngân hàng nước ngoài. Mọi người đánh giá cuốn sách đã đem lại cho họ nhiều suy tư, nỗi sợ, sự bất ngờ và cả sự an tâm, nhưng ai cũng cho rằng, cuốn sách là rất cần thiết với nghề nghiệp của mình. Tôi rất vui vì điều này. 

Trong cuốn sách, ông có đề cập đến những vấn đề rất “ngược” như: kỹ năng từ chối một khoản vay, làm sao để nói không với sếp… Có lẽ, trước khi đưa những nội dung này vào sách, ông đã phải trải qua nhiều trăn trở?

Khi hoàn thành bản thảo cuốn sách, tôi có đưa cho lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng để xin ý kiến góp ý. Đọc xong, anh khuyên tôi nên bỏ đi một số bài học trong câu chuyện. Đó là những bài học như “Bi kịch nghề nghiệp của cán bộ tín dụng”, “Nghệ thuật trình duyệt một khoản vay có vấn đề”, “Vòng tròn phân định trách nhiệm nghề nghiệp”, “Kỹ năng từ chối khoản vay không muốn đề xuất”…

Theo anh, cuốn sách đã có quá nhiều bài học cần thiết cho cán bộ tín dụng. Thêm những bài học dạng này, họ sẽ sợ, co lại trong công việc. Họ còn biết cách “đối phó” với lãnh đạo ngân hàng. Điều đó có thể khiến cho các ngân hàng bị ảnh hưởng trong vấn đề tăng trưởng tín dụng.

Bản thân tôi luôn tôn trọng anh vì đã từng học hỏi rất nhiều điều ở anh. Dù vậy, tôi đã quyết định không bỏ đi bất cứ bài học nào trong cuốn sách. Bởi một lẽ, tôi biết mình viết cuốn sách này không chỉ dành riêng cho giới chủ ngân hàng.

Cuốn sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” đã trở thành một cẩm nang nghề của giới ngân hàng 

Từ khi bản thảo hoàn thành đến khi lên khuôn và cầm cuốn sách trên tay, hẳn là ông rất vui mừng. Nhưng khi quyết định tự lo khâu phát hành, ông có khi nào lo lắng sách… ế?

Sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” được phát hành bởi Công ty đào tạo nghiệp vụ ngân hàng Sbanktraining. Do Sbanktraining không phải là một đơn vị chuyên kinh doanh sách nên chúng tôi đã thống nhất niêm yết một mức giá bán hợp lý, không đặt nặng mục tiêu kinh doanh. Cộng thêm việc tin tưởng cuốn sách sẽ được giới ngân hàng đón nhận nên tôi không lo lắng về việc không bán được sách.

Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm, nên chúng tôi đặt in 5.000 cuốn sách, một số lượng khá kỷ lục cho sách về kỹ năng ngân hàng. Ngày nhận giao sách từ công ty in, hai đầu văn phòng Hà Nội và Sài Gòn của chúng tôi gần như biến thành hai nhà kho sách. Mọi người trong công ty phải bố trí lại chỗ ngồi làm việc. Nhìn hàng chồng thùng sách, tôi cũng lo ngại không biết lúc nào sẽ tiêu thụ hết để trả lại không gian làm việc cho mọi người.

Sách có lệnh phát hành của nhà xuất bản vào ngày 12/10/2015, nhưng phải sang đến ngày hôm sau, fanpage sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp” mới chính thức đưa thông tin phát hành sách, cùng số điện thoại liên hệ để phân phối sách tại Hà Nội, Sài Gòn. Ban đầu, chúng tôi dự tính cuối tháng 10 sẽ làm lễ ra mắt cuốn sách thật trang trọng tại cả Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên, chỉ vài giờ khi thông tin phát hành sách được đăng tải, số điện thoại của bộ phận phân phối ở hai đầu Hà Nội, Sài Gòn liên tục nhận được thông tin liên hệ đặt mua sách.

Gần như từ Lào Cai, Yên Bái cho đến Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang…, hầu như tỉnh, thành nào cũng đều có rất nhiều người đặt mua sách. Chỉ sau tuần đầu tiên phát hành, hơn 1.000 cuốn đã được bán hết veo. Vậy là mọi kế hoạch về lễ ra mắt sách đều phải hủy bỏ vì không còn cần thiết nữa.

Cũng trong tuần đầu tiên, nhiều nhà sách ở TP. HCM như Minh Khai, Fahasa, Luật Việt, Kinh Tế liên hệ nhận ký gửi, đặt mua sách. Sang đến tuần tiếp theo, rất nhiều nhà sách tại Hà Nội liên hệ đặt mua trực tiếp. Chỉ sau tháng đầu tiên phát hành, gần 4.000 cuốn sách đã được tiêu thụ.

Nghe nói, nhiều nhà sách hỏi mua mà hết sách. Vậy luật sư sẽ in thêm?

Trước mắt, tôi còn một công việc cần hoàn thiện. Đó là cho ra đời cuốn sách thứ hai trong bộ sách “Hiểu nghề, giữ nghiệp”. Cuốn đầu tiên, tôi viết cho lĩnh vực tín dụng. Cuốn thứ hai viết về lĩnh vực dịch vụ, giao dịch ngân hàng, đề cập đến các rủi ro pháp lý và những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp qua từng bài học, câu chuyện.

Cuốn đầu tiên đã tạo nên hiệu ứng gần như một phong trào đọc sách trong giới ngân hàng. Rất nhiều người đã hỏi bộ phận phân phối sách của Sbanktraining về cuốn sách thứ hai này, thậm chí họ tìm cách liên hệ trực tiếp với tôi để hỏi về thời gian phát hành. Do vậy, tôi chưa nghĩ tới việc tái bản cuốn sách thứ nhất, mà đang tập trung hoàn thiện cuốn thứ hai.

Tin bài liên quan