Ngân hàng bị siết hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp
Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/1/2022 quy định chặt chẽ về hoạt động mua bán TPDN của ngân hàng thương mại.
Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp: DN phát hành TPDN để cơ cấu nợ; để góp vốn mua cổ phần; để tăng vốn.
Đồng thời, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện như: Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn; Doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu hoặc vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án sử dụng vốn; Doanh nghiệp phát hành không được có nợ xấu trong vòng 12 tháng gần nhất và phải có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.
Thông tư 16 cũng quy định ngân hàng phải giám sát dòng tiền của doanh nghiệp phát hành sau khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn. Trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Người dân được mở thẻ online
Theo Thông tư 17/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2022), tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Theo đó, tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành thẻ.
Tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định.
Tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán) của thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước định danh hoặc thẻ tín dụng của một khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.
Sửa đổi, bổ sung quy định giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt
Thông tư 19/2021/TT-NHNN ngày 24/11/2021 về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá có hiệu lực từ 8/1/2022.
Một trong những nội dung mới của Thông tư số 19/2021/TT-NHNN về giao nhận vận chuyển tiền là những trường hợp giao nhận tiền mặt theo bó tiền đủ 10 thếp nguyên niêm phong hoặc túi tiền nguyên niêm phong.
Đó là giao nhận tiền mặt trong nội bộ Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đối với tiền đã qua lưu thông; giao nhận tiền mặt loại mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên theo lệnh điều chuyển giữa kho tiền trung ương với Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại; giữa các kho tiền trung ương với nhau; giữa các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau.
Một trường hợp nữa là giao nhận tiền mặt giữa Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngược lại; giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố với nhau.
Văn bản mới cũng quy định Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (trừ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản này) tổ chức kiểm đếm tờ (miếng) số tiền đã nhận phải thành lập hội đồng kiểm đếm.
Thời hạn kiểm đếm là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận tiền. Đơn vị giao cử người chứng kiến; trường hợp không cử người chứng kiến, đơn vị giao phải có thông báo bằng văn bản cho đơn vị nhận.
Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian kiểm đếm tiền mặt theo lệnh điều chuyển trong các trường hợp do nguyên nhân khách quan theo đề nghị của Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
Cục Phát hành và kho quỹ có nhiệm vụ tổ chức vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá từ cơ sở in, đúc tiền, sân bay, bến cảng, nhà ga về kho tiền trung ương; giữa các kho tiền trung ương; từ kho tiền trung ương đến kho tiền Sở giao dịch, các kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại; giữa các kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
Trường hợp cần thiết, Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cử người áp tải và giao, nhận tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá tại kho tiền trung ương hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khác.
Bỏ ưu đãi lãi suất khi vay mua, thuê nhà ở xã hội từ 20.1.2022
Đây là nội dung có trong Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 25/2015/TT-NHNN ngày 9.12.15 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, có hiệu lực từ 20/1/2022.
Theo đó, Thông tư 20 đã bỏ quy định về ưu đãi lãi suất khi vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;
Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Đối với đối tượng khách hàng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ.
Lãi suất cho vay ưu đãi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đảm bảo nguyên tắc: Không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.
Quy định về việc các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội
NHNN vừa ban hành Thông tư 21/2021/TT-NHNN ngày 28/12/2021 quy định về việc các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Thông tư có hiệu lực từ 11/2/2022.
Trước đó, NHNN cho biết đã nhận được một số ý kiến của TCTD Nhà nước và NHCSXH phản ánh về các vướng mắc liên quan đến quy định tại Thông tư 23 như chưa quy định thống nhất phạm vi xác định số dư tiền gửi, phí huy động vốn... Trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan, NHNN nhận thấy cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện quy định duy trì số dư tiền gửi 2%.
Thông tư 21 của NHNN quy định, lãi suất số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội là do hai bên thỏa thuận, tối đa là 1,3%/năm (trước đây là 1,35%/năm).
Trường hợp tổ chức tín dụng nhà nước được Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 1 Điều 145b Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì tổ chức tín dụng nhà nước thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Thông tư này kể từ năm tiếp theo năm tổ chức tín dụng nhà nước được Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt.
Trường hợp tổ chức tín dụng nhà nước được kiểm soát đặc biệt trong khi đang duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng nhà nước được rút toàn bộ số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian tối đa 03 tháng kể từ ngày được kiểm soát đặc biệt.