Thưa ông, trong quá trình đàm phán, thương lượng các giao dịch, doanh nghiệp thường xuyên sử dụng thư điện tử. Vậy thư điện tử có giá trị pháp lý đến đâu? Nó có thay thế được hợp đồng bằng văn bản?
Trước tiên, phải nói rằng, hiện nay giao dịch tiền hợp đồng trong hoạt động kinh doanh nói chung và bảo hiểm nói riêng được thực hiện rất nhiều qua giao dịch điện tử, cho dù các đối tác trong giao dịch đó chỉ thỏa thuận miệng, qua điện thoại, thậm chí không thỏa thuận việc thông tin, chào mời qua giao dịch điện tử.
Theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử là các bên tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch, tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử, không một loại công nghệ nào được xem là duy nhất trong giao dịch điện tử. Luật pháp cũng quy định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu như văn bản, như bản gốc và có giá trị làm chứng cứ.
Nếu các bên tham gia giao dịch thỏa thuận hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật Giao dịch điện tử thì giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
Tuy nhiên, pháp luật về giao dịch điện tử chưa quy định rõ việc lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bằng văn bản hay hình thức nào khác.
Khi nào thì hiệu lực hợp đồng bảo hiểm bắt đầu? Có phải hợp đồng có hiệu lực có nghĩa là trách nhiệm bảo hiểm đã phát sinh, thưa ông?
Cũng như các loại hợp đồng khác được thể hiện bằng văn bản thì hợp đồng bảo hiểm thông thường có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc ngày ghi trên hợp đồng bảo hiểm.
Do hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng song vụ, nên cần phân biệt rõ: thời điểm hợp đồng có hiệu lực và thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Có thể có trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, có hiệu lực, nhưng khi xảy ra rủi ro tai nạn thì trách nhiệm bảo hiểm không phát sinh do bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm, vì theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm thì trách nhiệm bảo hiểm chỉ phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết, người mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm; có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã nộp đủ phí bảo hiểm.
Trong trường hợp tranh chấp xảy ra giữa các nhà tái bảo hiểm, các vấn đề trên vẫn áp dụng cho cả hợp đồng tái bảo hiểm? Có quy định đặc thù nào cho hợp đồng tái bảo hiểm không, thưa ông?
Luật Kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh cả hoạt động bảo hiểm và hoạt động tái bảo hiểm, gọi chung là kinh doanh bảo hiểm. Kinh doanh bảo hiểm gốc và kinh doanh tái bảo hiểm có quan hệ hữu cơ, bởi thực chất của hoạt động tái bảo hiểm là việc doanh nghiệp bảo hiểm gốc phân tán rủi ro mình đã nhận, bảo hiểm cho chính mình.
Nếu như quan hệ bảo hiểm phát sinh giữa người có tài sản, sức khỏe và trách nhiệm cần bảo hiểm (trở thành người được bảo hiểm) với doanh nghiệp bảo hiểm thì quan hệ tái bảo hiểm phát sinh giữa doanh nghiệp bảo hiểm cần phân tán những rủi ro mình đã nhận thông qua hợp đồng tái bảo hiểm, tự bảo vệ chính mình với các công ty nhận tái bảo hiểm. Có thể nói, trong quan hệ tái bảo hiểm thì công ty bảo hiểm gốc hay công ty nhượng tái bảo hiểm trở thành người được bảo hiểm hay người mua bảo hiểm.
Vậy trong trường hợp tương tự, người ta cần làm gì để vừa bảo vệ quyền lợi của mình vừa hạn chế tranh chấp rắc rối?
Quan hệ hợp đồng nhận, nhựơng tái bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm dựa trên nguyên tắc “tin tưởng tuyệt đối” đối với các nội dung thông tin trong bản chào tái bảo hiểm cũng như xử lý các vụ việc trong thời hạn hợp đồng. Việc tranh chấp giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm rất rất ít khi xảy ra, dù rằng bản chào đó được chuyển qua thư điện tử - email và đa phần do chuyên viên của công ty bảo hiểm gốc, công ty nhận tái bải hiểm soạn thảo và gửi bằng chính địa chỉ email của mình cho đối tác, nếu có chỉ xảy ra trong tái bảo hiểm tạm thời.
Nhanh chóng, thận trọng và đúng thủ tục, dù là thông lệ để tránh những điều không may, không đáng có có thể xảy ra là điều mà các bên trong quan hệ tái bảo hiểm nên và cần làm.
Tháng 10/2013, chiếc máy bay ATR72-600 rơi tại Lào. BIC là đơn vị nhận tái bảo hiểm và nhượng tái cho PVIRe. Hai bên trao đổi qua thư điện tử, nhưng chưa ký kết hợp đồng bằng văn bản.
Cho rằng trách nhiệm bảo hiểm chưa phát sinh, PVIRe từ chối bồi thường. BIC đã đề nghị VIAC giải quyết buộc PVIRe phải bòi thường. Phán quyết của trọng tài kinh tế đã buộc PVIRe phải bồi thường gần 300.000 USD.
Tuy nhiên, PVIRe đã đề nghị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội hủy phán quyết trọng tài và sau phiên họp trong các ngày 4,5/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định hủy phán quyết trọng tài.