Thay đổi để đi xa hơn
Tại Việt Nam, phát triển bền vững vẫn đang ở giai đoạn đầu và hiện còn những suy nghĩ rằng, thực thi phát triển bền vững để tuân thủ các quy định pháp lý và làm hài lòng các yêu cầu của khách hàng, thay vì thúc đẩy các sáng kiến phát triển của chính doanh nghiệp.
Cũng có không ít trường hợp, doanh nghiệp thường sử dụng phát triển bền vững nhằm phục vụ mục đích PR hoặc truyền thông hơn là các giá trị cốt lõi trong kinh doanh. Chưa kể, dễ nhìn thấy sự nhầm lẫn giữa phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, hoặc các hoạt động từ thiện…
Có không ít hiểu lầm về phát triển bền vững và cho rằng, cứ triển khai phát triển bền vững là doanh nghiệp mất chi phí. Có doanh nghiệp năm nay lãi tốt liền thực hiện vài hoạt động trao tặng quà cho trẻ em và đưa thông tin đó lên báo chí, trong khi thực tế hành động này không đem lại giá trị cho doanh nghiệp.
Năm sau, hoạt động kinh doanh khó khăn, không có tiền, họ lập tức cắt luôn khoản chi này. Rõ ràng, đây không phải là hoạt động phát triển bền vững, vì làm gì, doanh nghiệp cũng phải có định hướng lâu dài.
Phát triển bền vững phải được hiểu đúng là việc hài hòa giữa đầu tư cho xã hội, môi trường, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, cả ngành sản xuất như các chương trình tiết kiệm nước, tái sử dụng chất thải, bảo vệ môi trường…, tức là có lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.
Chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận là rất quan trọng. Muốn có sự thay đổi về tư duy trong doanh nghiệp, thì trước hết đó phải là sự thay đổi của người lãnh đạo.
Phát triển bền vững không phải là nhiệm vụ của một bộ phận, giao cho một bộ phận là xong, mà phải coi là chiến lược kinh doanh, lồng ghép vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Muốn vậy, phải có sự cam kết ở cấp lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp.
Làm sao để lồng ghép trong chiến lược của doanh nghiệp khi nhiệm vụ của bộ phận nhân sự là làm thế nào để tuyển dụng, giữ chân nhân viên, bộ phận kinh doanh thì xoay xở để bán được hàng...? Tất nhiên là có.
Chẳng hạn, bộ phận nhân sự sẽ đầu tư vào đào tạo, tăng giá trị nhân viên. Một ngày nào đó, nhân viên có thể nghỉ làm tại doanh nghiệp, nhưng họ vẫn giữ kiến thức đó, họ vẫn là một lao động lành nghề, có ích cho xã hội, doanh nghiệp khác.
Hay phòng kinh doanh có thể đề xuất doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo một sản phẩm mới thân thiện với môi trường. Hiện giờ, người tiêu dùng có thể không quá quan tâm, nhưng lựa chọn sản phẩm mới thân thiện với môi trường có thể thành xu hướng tiêu dùng trong tương lai.
Hoặc bộ phận quản trị đề xuất tối ưu hóa sản xuất, vừa có lợi cho môi trường, vừa đem về lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.
Do đó, phát triển bền vững chỉ đơn giản là hài hòa các hoạt động trong doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, hiệu quả môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Không phải cuộc chơi của những người khổng lồ
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp bình thường gắn chiến lược phát triển bền vững và biến điều này thành lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Mới đây, chúng tôi thực hiện chuỗi hoạt động đào tạo trong chương trình Thương mại cạnh tranh với chuỗi các nhà cung ứng phụ trợ của Heineken. Có những doanh nghiệp ban đầu chỉ là nhà cung cấp nguyên vật liệu cho Henneiken, họ là công ty vừa và nhỏ.
Sau đó, nhờ đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn GRI, họ đã chào hàng và mở rộng hợp tác với các công ty đa quốc gia khác, mở rộng được sản xuất - kinh doanh.
Hay Tập đoàn PAN đã triển khai nhiều hoạt động phát triển bền vững trong các công ty con, mức độ đáng tin cậy rất cao.
Nhiều doanh nghiệp có suy nghĩ ngắn hạn, đầu tư phải có lợi nhuận ngay. Họ ít khi nhìn bức tranh toàn diện.
Đơn cử, ở Việt Nam, điện năng lượng mặt trời đang trở thành mốt, nhưng trên thế giới đã xuất hiện từ lâu. Bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư thì khả năng 10 năm nữa mới có lời. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp của chúng ta thường thấy giá lên thì mới tính chuyện đầu tư, mà ít chịu khó quan sát xu hướng khu vực và thế giới.
Rõ ràng, nếu hiểu đúng về phát triển bền vững thì việc này thực sự phải trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
Nhưng ở khía cạnh nào đó, cũng phải có những quy định để doanh nghiệp dần thực thi, chẳng hạn các tiêu chuẩn về sản xuất sạch đối với thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, tiêu chuẩn về khí thải với xe hơi…
Việt Nam nói nhiều đến phát triển bền vững, nhưng lại thiếu chế tài xử phạt các hành vi vi phạm các mục tiêu, không tạo ràng buộc mạnh. Điều này ít xuất hiện ở các thị trường phát triển.
Cũng có những trường hợp chủ động thực thi phát triển bền vững, nhất là trong tình huống do nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu phải có báo cáo phi tài chính, có hành động phát triển bền vững mới đầu tư, nên nhiều doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là các ngân hàng Việt Nam, đã học hỏi để đi theo xu hướng đó.
Gần đây, GRI đã làm việc với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để triển khai các khóa đào tạo nhằm tăng cường nhận thức của các nhà đầu tư địa phương về tầm quan trọng của công bố thông tin phi tài chính.
Chúng tôi cho rằng, phát triển bền vững không còn là xu hướng, bởi nó đã trở thành phần thiết yếu của hoạt động kinh doanh.
Đây không phải phạm trù bắt buộc bởi luật pháp, mà từ yêu cầu thị trường. Các công ty tiên phong về phát triển bền vững hiểu rõ rằng, đây là phương thức quản trị, cũng như công cụ quản lý giúp công việc kinh doanh trở nên hiệu quả hơn.
Mức độ quan tâm, thay đổi nhận thức và biến thành hành động ở doanh nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt. Bằng chứng là, trong năm đầu tiên triển khai Chương trình lợi thế cạnh tranh, có 30 doanh nghiệp báo cáo, con số này đã tăng lên hơn 100 sau 2 năm thực hiện.
Bên cạnh đó, mức độ truy cập bộ tiêu chuẩn GRI để tải về mỗi năm cũng tăng liên tục trong 10 năm qua, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng.
Báo cáo phát triển bền vững không chỉ đo lường và lượng hóa được những vấn đề một cách hệ thống, từ đó khắc họa rõ nét mục tiêu, sứ mệnh của công ty, mà nó còn là công cụ để cải thiện khả năng hoạt động của doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí bằng cách cân bằng các mục tiêu về tăng trưởng lợi nhuận, môi trường và trách nhiệm xã hội.
Chúng tôi tin rằng, nhận thức về phát triển bền vững sẽ ngày càng được cải thiện. Các công ty áp dụng phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh dài hạn, dù đa phần là những công ty đa quốc gia hoặc doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn, đã bắt đầu lan tỏa đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó mở ra những cơ hội mới trong sản xuất - kinh doanh.
GRI được thành lập nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững, cũng như tham gia vào hoạt động báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, được Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững thế giới công nhận (Global Sustainability Standards Board - GSSB).
Báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn GRI dựa trên hệ thống các điều khoản công bố thông tin cho 3 chủ đề là kinh tế, môi trường và xã hội nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện quản trị, mối quan hệ với các bên liên quan, nâng cao danh tiếng và xây dựng lòng tin. Hiện GRI đang thực hiện dự án hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện báo cáo bền vững và hệ thống hóa báo cáo trên 6 quốc gia, bao gồm Peru, Colombia, Ghana, Nam Phi, Indonesia và Việt Nam.
Tại Việt Nam, GRI đang kết hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự tài trợ từ Chính phủ Thụy Sĩ và Chính phủ Úc, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hoạt động hỗ trợ miễn phí.
Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng cộng đồng thực hiện báo cáo phát triển bền vững, tạo môi trường báo cáo thuận lợi bằng cách liên kết bối cảnh chính sách và báo cáo phát triển bền vững của địa phương…, đáp ứng nhu cầu về dữ liệu phát triển bền vững của các nhà đầu tư và các đơn vị truyền thông.