Năm 2015, Prudential Việt Nam đứng đầu thị trường về chi trả bảo hiểm, với số tiền trên 740 tỷ đồng

Năm 2015, Prudential Việt Nam đứng đầu thị trường về chi trả bảo hiểm, với số tiền trên 740 tỷ đồng

Hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ, cách nào?

(ĐTCK) Hơn 20 năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chi trả trên 100.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm cho khách hàng. Trong khoảng thời gian này, hơn 20 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được ký, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về sản phẩm mang tính đặc thù này, dẫn đến không ít tranh chấp, khiếu kiện.

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ tăng cao

Hiện có 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp này đã định vị được thương hiệu, khẳng định vai trò trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu bảo vệ rủi ro và giải pháp tài chính ngày càng tăng của người dân, với khoảng 350 sản phẩm bảo hiểm khác nhau.

Năm 2015, doanh thu phí của khối bảo hiểm nhân thọ đạt 38.180 tỷ đồng, tăng 34,4% so với năm 2014; chi trả quyền lợi bảo hiểm số tiền 13.566 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.531 tỷ đồng doanh thu, tăng 31,62%; trong đó, doanh thu khai thác mới ước đạt 7.389 tỷ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng nhanh cho thấy, nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ của người dân tiếp tục gia tăng do ngày càng có nhiều người nhận ra lợi ích mà họ được hưởng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Hiểu một cách đơn giản, bảo hiểm nhân thọ là giải pháp cung cấp một khoản tài chính cho người tham gia để đáp ứng nhu cầu chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí phải bỏ ra trong tương lai khi xảy ra các rủi ro như: ốm đau, thương tật, mất sức lao động, tai nạn, tử vong, hoặc để hoàn thành những dự định trong tương lai như: đảm bảo việc học cho con, mua nhà, mua xe, an dưỡng tuổi già.

Không chỉ tham gia vào việc đảm bảo an sinh - xã hội, tạo công ăn việc làm cho khoảng 400.000 người, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn đóng góp nguồn lực lớn vào việc phát triển kinh tế. Năm 2015, lĩnh vực kinh doanh đầy tính nhân văn này đã đầu tư trở lại nền kinh tế 126.266 tỷ đồng. 

…nhưng nhận thức về bảo hiểm của người dân còn hạn chế

Hiện tại, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP đạt gần 3%, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, nhất là Singapore, Indonesia.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, một trong những nguyên nhân là do nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế.

“Bình quân mỗi năm có xấp xỉ 1 triệu hợp đồng khai thác mới và có khoảng 800.000 hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực hoặc được chi trả quyền lợi bảo hiểm. Một thực tế đáng suy ngẫm đó là nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế, chưa tăng theo nhịp tăng trưởng của thị trường, trong khi mức sống người dân ngày một cải thiện”, tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói.

Khó có thể đo lường một cách chính xác mức độ nhận thức của người dân về bảo hiểm nếu chỉ qua kênh khảo sát ở quy mô nhỏ, nhưng những vụ việc gây hiểu lầm thời gian gần đây cho thấy phần nào hạn chế trên, đòi hỏi phải sớm được cải thiện.

Thực tế, một bộ phận người dân có cái nhìn thiếu khách quan và đầy đủ, dẫn đến nghi ngờ về bảo hiểm nhân thọ, chưa nói đến việc hiểu những ý nghĩa nhân văn và giá trị thiết thực mà sản phẩm này mang lại cho con người, trong khi đây là giải pháp tài chính mang tính bảo vệ hữu ích, an toàn, được pháp luật quy định chặt chẽ. Trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ còn được coi là giải pháp tài chính thông minh, được đông đảo người dân lựa chọn và tỷ lệ người dân tham gia không ngừng gia tăng.

Thậm chí, do chưa hiểu đúng, hiểu rõ nên có những trường hợp người tham gia bảo hiểm kê khai thông tin không chính xác, không trung thực, nhờ người khác làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm…, dẫn đến sau này bị từ chối bồi thường. Khi bị từ chối bồi thường, người tham gia bảo hiểm quay sang chỉ trích hãng bảo hiểm, có người còn coi bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng giống như một hình thức bán hàng đa cấp, thậm chí lừa đảo tài chính, chỉ có lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định rất chặt chẽ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính. 

Sẽ sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm mẫu

Theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), nhìn bên ngoài, việc bán bảo hiểm qua đại lý có vẻ giống mô hình đa cấp, nhưng thực chất, đại lý chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm với các quy tắc, điều khoản, biểu phí, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, đơn bảo hiểm, minh họa bán hàng đã được Bộ Tài chính phê chuẩn, không được thêm bớt. Đại lý bảo hiểm hưởng hoa hồng năm đầu tối đa 25% phí bảo hiểm thu được với hợp đồng dưới 10 năm, tối đa 40% với hợp đồng kỳ hạn trên 10 năm, trong đó bao gồm chi phí phải bỏ ra để khai thác hợp đồng bảo hiểm; từ năm thứ hai trở lên chỉ được hưởng 5 - 7%.

“Nói bảo hiểm là lừa đảo, bán hàng đa cấp là sai. Người dân hoàn toàn có thể tin tưởng sự làm ăn chân chính và lâu dài của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam”, đại diện IAV nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia trong ngành, ngoài hạn chế về kiến thức, mức độ nhận thức cũng như nhu cầu tìm hiểu của người dân thì sự hiểu lầm nêu trên còn có một phần trách nhiệm của tư vấn bảo hiểm.

“Năng lực tư vấn của các tư vấn viên cũng còn hạn chế. Độ phức tạp, khó hiểu của bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm dù đã giảm theo thời gian, nhưng cũng cần phải điều chỉnh lại”, ông Đặng Đình Chính, Công ty TNHH Truyền thông và Đào tạo Bạch Kim nói.

Hiện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và IAV đang phối hợp soạn thảo hợp đồng bảo hiểm mẫu, thay thế cho hợp đồng mẫu được ban hành năm 2009, theo hướng chặt chẽ, nhưng đơn giản, dễ hiểu hơn.

Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng, vai trò của người tham gia bảo hiểm - chủ nhân của những hợp đồng bảo hiểm là đặc biệt quan trọng. Theo đó, ngoài việc tăng cường tìm hiểu, nâng cao nhận thức về bảo hiểm thì khi mua bảo hiểm nhân thọ, người tham gia bảo hiểm cần lựa chọn hãng bảo hiểm uy tín.

Xác định, cân nhắc giữa yêu cầu và khả năng của bản thân để chọn mua sản phẩm bảo hiểm chính và các sản phẩm phụ thích hợp. Chủ động yêu cầu đại lý bảo hiểm tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, quy tắc và điều khoản bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm muốn tham gia. Kê khai đầy đủ, trung thực trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

“Tham gia bảo hiểm nhân thọ cần sự trung thực, minh bạch và tử tế thì mới đem lại lợi ích cho cả đôi bên”, một chuyên gia bảo hiểm nói.   

“Mua bảo hiểm nhân thọ vì tương lai bản thân và gia đình”

Hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ, cách nào? ảnh 1

 Ông Wilf Blackburn, Giám đốc Prudential Việt Nam

Chúng tôi mong rằng, mỗi người dân có thể hiểu sâu hơn về bảo hiểm nhân thọ và sức mạnh mà nó đem lại cho từng gia đình. Đó là sản phẩm giúp từng gia đình đầu tư cho kế hoạch tài chính tương lai, đồng thời có khả năng bảo vệ khi sự cố bảo hiểm xảy ra với người trụ cột. Bảo hiểm nhân thọ còn mang tính chất tương hỗ. Đặc tính nhân đạo này nhằm giúp cho những gia đình không may có thể vượt qua khó khăn và duy trì cuộc sống ổn định trong tương lai.

Hiện nay, Prudential đã đưa ra thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đa dạng cũng như hệ thống dịch vụ khách hàng tốt nhất để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của người dân cần chăm sóc sức khỏe, đầu tư, tiết kiệm, phòng ngừa rủi ro… vì tương lai bản thân và gia đình.

“Doanh nghiệp bảo hiểm cần quản lý chặt các đại lý”

Hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ, cách nào? ảnh 2

Ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA 

Gần đây, liên tiếp xảy ra những nghi vấn giả mạo chữ ký khách hàng cũng như ký thay, điền hộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Việc ký thay, điền hộ thông tin ở đây không thể không nhắc đến người tư vấn - người đầu tiên tiếp nhận hồ sơ của khách hàng. Việc điền hộ là điều không nên và chỉ làm khi khách hàng không thể thực hiện điều đó. Riêng việc ký thay là tuyệt đối cấm kị. Nếu khách hàng chứng minh được đại lý đã ký thay họ, điều này là vi phạm hợp đồng đại lý, dẫn đến họ bị từ chối bồi thường, họ có thể kiện nhà bảo hiểm theo Điều 88, Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm không thể đẩy hết trách nhiệm cho đại lý của mình rồi “vô tư” phát hành văn bản từ chối bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm cần quản lý chặt hơn các đại lý. Thực tế, hầu hết những vụ “ký thay, điền hộ” của tư vấn viên trước đây, nếu phát hiện không có dấu hiệu gian lận trong kinh doanh bảo hiểm thì sau đó tư vấn viên vẫn được hoạt động bình thường do doanh nghiệp bảo hiểm “nhắm mắt” cho qua. Trừ khi phát hiện có dấu hiệu gian lận hay mắc lỗi lớn thì mới bị công ty kỷ luật và bị đưa vào “danh sách đen” của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

“Người tham gia bảo hiểm nên yêu cầu đại lý bảo hiểm giải thích rõ các điều khoản”

Ông Đặng Ngọc Châu, Luật sư Đoàn Luật sư TP. HCM 

Người tham gia bảo hiểm cần đọc, nghiên cứu kỹ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm.Nếu chưa rõ, cần yêu cầu đại lý bảo hiểm giải thích các điều khoản trong bộ hợp đồng bảo hiểm, nhất là các điều khoản đặc thù như điều khoản loại trừ bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm, bảng minh họa chi tiết quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm…

Sau đó, người tham gia bảo hiểm cần tự mình ký tên, kê khai đầy đủ và chính xác các thông tin về nhân thân và tình trạng sức khỏe trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Nên nhớ, phải kê khai đầy đủ, trung thực tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh, có uống rượu không, có sử dụng ma túy không… Sau này, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, các công ty bảo hiểm thường tổ chức thẩm định và điều tra trước khi trả tiền bảo hiểm.

Công ty bảo hiểm sẽ từ chối trả tiền bảo hiểm nếu họ phát hiện được người mua bảo hiểm không cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin về sức khỏe, tình trạng bệnh tật khi mua bảo hiểm. Đây là nguyên nhân chủ yếu xảy ra các tranh chấp giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm tại tòa án trong nhiều năm qua.

Tin bài liên quan