Hiểu đúng về bán khống trong đầu tư chứng khoán

(ĐTCK) Bán khống là một hình thức đầu tư cơ bản trong các thị trường tài chính phát triển. Tại TTCK Việt Nam, bán khống vẫn chưa áp dụng thực tế. Trong khi đó, đại đa số NĐT cá nhân vẫn chưa hiểu rõ về phương thức hoạt động cũng như các rủi ro có thể gặp phải của bán khống, dẫn đến hiểu sai về tác động của bán khống đến thị trường.

Bán khống là gì?

Một NĐT khi muốn đầu tư vào một cổ phiếu X luôn câu hỏi: giá cổ phiếu X sẽ lên hay xuống? Một khi đã có được câu trả lời, anh ta sẽ phải làm gì?

- Trường hợp 1 NĐT nhận định giá cổ phiếu X sẽ tăng và quyết định mua vào.

- Trường hợp 2: NĐT nhận định giá cổ phiếu X sẽ giảm và quyết định bán ra.

Hành động của NĐT trong trường hợp thứ hai chính là bán khống, vì trước đó người đó chưa nắm trong tay cổ phiếu X. Hành động này diễn ra qua 2 bước:

- Bước 1: NĐT yêu cầu nhân viên môi giới bán 100 cổ phiếu X. Nhân viên môi giới nhận lệnh, tìm 100 cổ phiếu từ một nguồn khác và bán ra, sau đó chuyển tiền vào tài khoản của NĐT bán khống.

- Bước 2: NĐT chờ giá cổ phiếu X xuống đến mức kỳ vọng, sau đó yêu cầu nhân viên môi giới mua từ thị trường 100 cổ phiếu X. Nhân viên môi giới thực hiện lệnh mua và cuối cùng đem 100 cổ phiếu X trả lại cho nguồn cho mượn ban đầu.

Ở các thị trường phát triển, nguồn cho mượn có thể là ngân hàng, quỹ đầu tư hay NĐT khác. Đứng trên góc độ NĐT, hành động bán khống tương tự như hành động mua, nhưng diễn ra theo chiều ngược lại.

Lợi ích của bán khống

Bán khống có thể ví như một viên gạch xây dựng nên bất kỳ một TTCK hoàn chỉnh nào. Một TTCK không cho phép bán khống cũng như một con đường mà phương tiện giao thông chỉ được phép lưu thông một chiều. Khi đó, lưu lượng giao thông sẽ ít đi. Một cách tương tự, TTCK không có nghiệp vụ bán khống sẽ có tính thanh khoản thấp.

Lợi ích thứ hai của bán khống, theo Warren Buffett, là giúp thị trường lật mặt các gian dối về báo cáo tài chính cũng như để tìm ra các công ty niêm yết có vấn đề. Một ví dụ điển hình là vụ Enron vào năm 2001. Trước khi các nhà điều tra tìm ra gian dối tài chính của Enron, rất nhiều NĐT chứng khoán đã "ngửi" ra và do đó họ ào ạt bán khống cổ phiếu của công ty này, dẫn đến sự suy giảm thị giá nghiêm trọng của cổ phiếu Enron. Nếu không có bán khống, có lẽ gian dối của Enron còn có thể che đậy thêm một thời gian dài nữa, gây thiệt hại thêm cho rất nhiều NĐT chân chính.

Một lợi ích khác của bán khống là giúp cho thị trường tránh hình thành các "bong bóng chứng khoán" mà hậu quả của nó cũng nghiêm trọng không kém gì các đợt suy giảm. Khi thị trường được đẩy lên cao quá mức, các NĐT bán khống tham gia làm thị trường nguội bớt, làm cho "bong bóng" khó xảy ra hơn.

Rủi ro của bán khống

Một NĐT khi mua cổ phiếu X phải đối mặt với rủi ro suy giảm giá cổ phiếu. Bình thường, ngay cả trong trường hợp xấu nhất là giá cổ phiếu X bằng 0 (công ty phá sản), NĐT cũng chỉ mất số vốn đầu tư ban đầu. Nhưng điều này không còn đúng với bán khống. Hãy lấy ví dụ đơn giản là tình huống một NĐT bán khống 1 cổ phiếu X với giá 100 đồng/CP. Sau 5 ngày, nếu giá cổ phiếu trở thành 200 đồng, NĐT sẽ lỗ 100 đồng. Nhưng nếu giá cổ phiếu lên đến 1.000 đồng/CP, NĐT sẽ thua lỗ đến 900 đồng/CP (gấp 9 lần thị giá ban đầu). Ví dụ này chỉ ra rằng, rủi ro đối với NĐT bán khống là không giới hạn.

Một rủi ro khác với NĐT bán khống là khả năng trả nợ cổ phiếu cho nguồn đã vay mượn trước đó. Ở một thị trường non trẻ như ở Việt Nam, khả năng "mắc kẹt" cổ phiếu là đáng kể và cần được xử lý đúng đắn. CTCK cần quản lý chặt chẽ giao dịch ký quỹ của các NĐT bán khống để phòng ngừa tối đa rủi ro này.

Xét trên phương diện vĩ mô, bán khống làm tăng cung của thị trường, nếu cầu không thay đổi thì giá cổ phiếu sẽ giảm. Giá giảm đến một ngưỡng nào đó thì cầu sẽ tăng cao, át cung làm giá tăng lên. Nhìn lướt qua, có thể nói hoạt động như trên là bình thường, nhưng thực tế lại có một rủi ro tiềm ẩn.

Cổ phiếu có một tính chất quan trọng là giá biến thiên mạnh hơn khi sụt giảm. Điều này rất nguy hiểm, vì nếu lực bán mạnh và kéo dài từ các NĐT bán khống, giá cổ phiếu sẽ giảm ngày càng mạnh đến mức gần như phá hủy hoàn toàn giá trị của công ty niêm yết. Đây là một lý do quan trọng giải thích tại sao rất nhiều cơ quan quản lý chứng khoán trên thế giới cấm bán khống một số loại cổ phiếu trong thời gian thị trường suy giảm vừa qua (đặc biệt là cổ phiếu ngành tài chính). Quyết định này là khá hợp lý, mặc dù có nhiều ý kiến phản đối rằng, can thiệp như vậy làm méo mó hoạt động của thị trường và không giải quyết tận gốc vấn đề.

Như vậy có thể nói, lợi ích từ bán khống đem lại rất lớn, giúp tăng tính thanh khoản, khám phá rủi ro gian lận tài chính, và giảm nguy cơ hình thành bong bóng trên thị trường. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ các rủi ro của bán khống từ phía NĐT cũng như từ phía quản lý thị trường, để giúp cho hoạt động này tạo ra giá trị cho NĐT và cả TTCK nói chung.