Giờ “G” để CW chính thức được giao dịch sắp điểm. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị của các thành viên thị trường được thực hiện đến đâu, thưa bà?
Nhu cầu về các sản phẩm mới luôn song hành cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán, đặc biệt là sản phẩm có nhiều tính năng và lợi ích như CW. Với việc ra đời Nghị định số 60/2015/NĐ-CP (Nghị định 60) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, trong đó đã bổ sung định nghĩa về sản phẩm CW và các điều kiện để trở thành tổ chức phát hành CW, cùng với Thông tư số 107/2016/TT-BTC (Thông tư 107) hướng dẫn chào bán và giao dịch CW, đã tạo dựng hành lang pháp lý cho việc phát hành và giao dịch CW tại Việt Nam.
Hiện tại, công tác chuẩn bị triển khai sản phẩm CW của cơ quan quản lý, cũng như các thành viên thị trường đang được khẩn trương hoàn tất. Cụ thể, về việc hoàn thiện khung pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đang hoàn thiện bộ Quy chế hướng dẫn về CW, đồng thời xây dựng các quy trình nghiệp vụ có liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán và chính sách thuế về CW. Các văn bản này cũng sẽ được ban hành vào đầu tháng 11 tới.
Bà Tạ Thanh Bình
Về thiết kế sản phẩm, do đây là sản phẩm mới, nên để đảm bảo phòng ngừa rủi ro, trong giai đoạn đầu, UBCK cho phép triển khai giao dịch chứng quyền mua dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu niêm yết, thực hiện quyền kiểu châu Âu và có phương thức thanh toán bằng tiền.
Về hạ tầng công nghệ của các thành viên, do hoạt động giao dịch CW tương tự như cổ phiếu, nên không có sự điều chỉnh lớn đối với hệ thống giao dịch của HOSE, cũng như hệ thống thanh toán bù trừ của VSD. Tính đến thời điểm này, HOSE đã hoàn thiện việc chỉnh sửa hệ thống giao dịch và hoàn tất việc thử nghiệm với các công ty chứng khoán (CTCK) thành viên. CW sẽ được thanh toán tương tự như chu kỳ thanh toán cổ phiếu (T+2). Vì vậy, VSD sẽ sử dụng hệ thống thanh toán của cổ phiếu cho việc thanh toán CW.
Đối với các CTCK là tổ chức phát hành, ngoài hệ thống giao dịch, còn cần phải đầu tư hệ thống phục vụ hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro. Đến nay, về cơ bản, một số tổ chức phát hành tiềm năng đã thực hiện đầu tư, lắp đặt hệ thống và chạy thử nghiệm với HOSE. Dự kiến, trong giai đoạn đầu sẽ có 5 CTCK tham gia phát hành CW.
Đối với công tác giám sát thị trường, HOSE đã xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát đối với sản phẩm CW và đã được UBCK phê duyệt. Trên cơ sở đó, HOSE đã xây dựng hệ thống giám sát giao dịch cùng với hệ thống giám sát hoạt động của tổ chức tạo lập thị trường. Các hệ thống đã được thử nghiệm và sẵn sàng đưa vào sử dụng. UBCK cũng phối hợp với HOSE và VSD để thông tin giám sát thị trường được cung cấp đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho công tác giám sát.
Một phần không thể thiếu là công tác tuyên truyền, đào tạo cho các CTCK và nhà đầu tư cũng đã được cơ quan quản lý tích cực triển khai thông qua nhiều buổi hội thảo, hội nghị.
Bà đánh giá như thế nào về cơ hội và rủi ro đối với phương thức phát hành, giao dịch và thanh toán giao dịch CW cho các cá nhân và doanh nghiệp tham gia giao dịch CW?
Trước hết là về lợi ích và cơ hội. Đối với các CTCK là tổ chức phát hành, CW ra đời sẽ bổ sung nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư và hoạt động tạo lập thị trường, từ đó góp phần đa dạng hóa nguồn thu cho các thành viên này. Đây cũng là cơ hội cho các CTCK cải thiện chất lượng hoạt động, tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống, cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại nhằm tạo lợi thế khi thực hiện được các nghiệp vụ đặc thù như phòng ngừa rủi ro (hedging) và tạo lập thị trường cho sản phẩm.
Ngoài ra, các quy định hiện nay cũng cho phép các CTCK đăng ký và chào bán chứng quyền một cách nhanh chóng và dễ dàng, giảm thiểu hơn so với quy trình đăng ký chào bán cổ phiếu. Không những thế, tổ chức phát hành còn được chuyển số chứng quyền chưa phân phối hết vào tài khoản tự doanh và được tiếp tục phân phối trên hệ thống giao dịch của HOSE sau đó.
Về phía nhà đầu tư tham gia giao dịch CW, sản phẩm này sẽ cung cấp thêm một công cụ phòng ngừa rủi ro, cũng như gia tăng lựa chọn về sản phẩm đầu tư với khoản chi phí thấp hơn so với cổ phiếu truyền thống hay chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ loại hàng hóa có tính đòn bẩy cao này bằng việc áp dụng linh hoạt nhiều chiến lược đầu tư theo ý muốn như đầu tư, đầu cơ, phòng vệ vị thế và quản lý danh mục đầu tư.
CW tuy có đặc điểm như một sản phẩm phái sinh, nhưng được giao dịch tương tự như cổ phiếu, sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tham gia thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài cũng không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu chứng quyền. Điều này sẽ giúp họ có thể tham gia đầu tư vào những chứng khoán đã hết room trên sàn, tạo thanh khoản và sự hấp dẫn tốt hơn cho cả chứng quyền và sản phẩm cơ sở.
Bên cạnh ưu điểm, CW cũng tồn tại những mặt hạn chế và rủi ro nhất định mà các nhà đầu tư hay chính những tổ chức phát hành cần lưu ý. Đối với các CTCK là tổ chức phát hành CW, để có thể trở thành tổ chức phát hành CW, các CTCK phải có tiềm lực tài chính vững mạnh để đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, phần mềm. Quy định pháp luật còn yêu cầu tổ chức phát hành phải ký quỹ ban đầu tối thiểu 50% giá trị loại chứng quyền dự kiến chào bán để đảm bảo khả năng thanh toán. Đây là một khoản chi phí lớn trong quá trình phát hành CW. Ngoài ra, trong quá trình phát hành sản phẩm, CTCK còn phải thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro cho sản phẩm CW mà mình phát hành.
Về phía nhà đầu tư tham gia giao dịch CW, đòn bẩy tài chính là “con dao hai lưỡi”, nhà đầu tư có thể bị gia tăng mức độ thua lỗ do tác động ngược của đòn bẩy tài chính. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn chịu rủi ro biến động giá, vòng đời giới hạn của CW, rủi ro từ tổ chức phát hành bị phá sản, gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi CW đáo hạn, hay khi nhà đầu tư thực hiện quyền. Nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng quyền, quy định pháp luật cũng không cho phép nhà đầu tư được thực hiện giao dịch ký quỹ đối với CW.
Như vậy, nhà đầu tư cần lưu ý gì khi tham gia sản phẩm này, theo bà?
Có 3 điều nhà đầu tư cần phải lưu ý. Thứ nhất, hiểu biết về sản phẩm: Để sử dụng CW một cách đúng đắn cho những mục đích thích hợp, nhà đầu tư cần nắm được kiến thức cơ bản về sản phẩm như những điểm đặc trưng, lợi ích tiềm tàng và rủi ro tiềm ẩn…
Thứ hai, xác định rõ mục tiêu: Mục tiêu của việc sử dụng CW là để tìm kiếm và gia tăng lợi nhuận đầu tư, hay phòng ngừa rủi ro biến động giá tài sản cơ sở. Mỗi một mục tiêu đòi hỏi một chiến lược sử dụng khác nhau.
Thứ ba, tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành: Nhà đầu tư cần tìm hiểu về năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm, cũng như thông tin về đợt phát hành chứng quyền, theo dõi các thông tin giao dịch trên thị trường và lựa chọn sử dụng dịch vụ (môi giới, tư vấn) của những tổ chức kinh doanh chứng khoán đáng tin cậy.
Điều mà thị trường lo ngại là khả năng “phá sản” của tổ chức phát hành khi không thể thanh toán vào thời điểm CW đáo hạn. Cơ quan quản lý có những biện pháp nào để bảo vệ nhà đầu tư trong những trường hợp này, thưa bà?
Đây cũng chính là rủi ro tiềm ẩn của sản phẩm CW mà tôi đã đề cập trên đây. Việc tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán sẽ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư sở hữu chứng quyền và ảnh hưởng đến toàn thị trường. Tuy nhiên, các quy định đã được lập ra để hạn chế tối đa khả năng xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán của tổ chức phát hành.
Chẳng hạn, theo quy định tại Nghị định 60, để trở thành tổ chức phát hành chứng quyền, các CTCK phải có quy mô vốn lớn (từ 1.000 tỷ đồng trở lên) và có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Hay theo quy định tại Thông tư 107, trong thời gian còn hiệu lực của chứng quyền, tổ chức phát hành chứng quyền có nghĩa vụ thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro để đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà đầu tư khi chứng quyền đáo hạn.
Hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành được theo dõi giám sát chặt chẽ bởi HOSE thông qua chế độ báo cáo hàng ngày và Sở có quyền yêu cầu tổ chức phát hành giải trình nếu xét thấy các thông số đưa ra chưa hợp lý. Cùng với đó, Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro của UBCK cũng quy định hạn mức chào bán nhất định đối với tổ chức phát hành. Theo đó, chỉ CTCK có tỷ lệ an toàn tài chính tốt (tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 250%) mới được phát hành chứng quyền và chỉ được phát hành giá trị tương đương từ 5-20% vốn khả dụng của công ty.
Trong trường hợp tổ chức phát hành xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán, Thông tư 107 quy định tài sản dùng để thanh toán cho người sở hữu chứng quyền bao gồm tài sản phòng ngừa rủi ro và các tài sản khác có trên tài khoản tự doanh; tài sản có trên tài khoản ký quỹ tại ngân hàng lưu ký hoặc bảo lãnh thanh toán (số tiền ký quỹ 50% tổng giá trị chứng quyền phát hành); trường hợp không đủ tài sản để thanh toán thực hiện quyền, việc giải quyết quyền lợi cho người sở hữu chứng quyền thực hiện theo quy định pháp luật liên quan áp dụng đối với chủ nợ có đảm bảo đảm một phần.