Hiểu đúng về hoạt động CSR - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social responsibility - CSR) thật ra không còn là một khái niệm mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động về CSR tại phần lớn tại các doanh nghiệp chỉ đơn thuần vẫn chỉ được hiểu là các khoản đóng góp từ thiện, chia sẻ cộng đồng hoặc là công tác xã hội tự nguyện của doanh nghiệp.
Cũng đã có nhiều tranh luận về hoạt động xã hội tự nguyện, có ý kiến cho là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” là truyền thống tốt đẹp nên được duy trì và phát triển. Tuy nhiên, để có thể hiểu rõ về một khái niệm mới, tiến bộ và đáp ứng được những mong đợi từ Chính phủ, khách hàng và các đối tác hữu quan về CSR, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại vấn đề.
Bạn nghĩ sao nếu như một tổ chức vận động thực hiện các hoạt động từ thiện giúp đỡ những gia đình nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa, trong khi nhân công làm việc tại tổ chức chính là một thành phần quan trọng của xã hội thì đang phải làm việc quá sức trong một môi trường làm việc kém, không được được đào tạo, không được trang bị đầy đủ về bảo hộ an toàn lao động?
Bạn nghĩ sao nếu như một tổ chức sản xuất thực phẩm nhằm gia tăng lợi nhuận, cắt giảm giá thành sản phẩm bằng việc mua và sử dụng các nguyên liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, sử dụng một phần lợi nhuận làm ra đóng góp vào các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng?
Ông Phạm Nguyễn Vinh
Đó là những câu hỏi mở để chúng ta cùng suy ngẫm và rõ ràng nếu CSR chỉ giới hạn quanh việc thực hiện công tác xã hội, từ thiện là thật sự chưa đầy đủ.
Tối thiểu, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trước tiên về mặt cơ bản chính là hành vi, sự cam kết thực hiện các trách nhiệm về chuẩn mực đạo đức kinh doanh thông qua các quyết định của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Một bước cao hơn chính là cam kết của doanh nghiệp để góp phần cho sự phát triển bền vững mà cụ thể là cân bằng 3 yếu tố phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Không thể phủ nhận rằng hoạt động từ thiện, công tác xã hội chắc chắn mang lại một số tác động tích cực, nhưng những hoạt động này sẽ có hiệu quả hơn nếu như nó là một phần trong chiến lược phát triển bền vững tổng thể của doanh nghiệp.
Có khá nhiều định nghĩa về CSR và cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung cho CSR. Xác định rõ đầy đủ khái niệm trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội doanh nghiệp đã từng là một trong những thách thức lớn cho các tổ chức cùng các nhà học thuật trên thế giới, mà nguyên nhân bắt nguồn từ vấn đề cốt lõi trong khái niệm CSR đòi hỏi doanh nghiệp cần có tầm nhìn nhận rộng và sự tiếp cận đa chiều.
Để ra một quyết định đúng
Những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới gần đây và hậu quả xã hội của nó đã phần nào đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và sự tin tưởng của họ đối với các doanh nghiệp. Trong năm 2011, lần đầu tiên sau 10 năm, Ủy ban châu Âu đã thay đổi định nghĩa về CSR, một định nghĩa mới đơn giản và tiến bộ mang đến cho chúng ta một sự thông hiểu rất hiện đại về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp: "CSR là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với những tác động của họ đối với xã hội ".
Theo nhìn nhận của Ủy ban châu Âu, để có thể hoàn toàn thực hiện được CSR, doanh nghiệp cần phải xây dựng chính sách và quy trình quản trị để tích hợp các vấn đề về xã hội, môi trường, quyền con người, đạo đức kinh doanh, cùng các mối quan tâm của khách hàng, người tiêu dùng vào chính những hoạt động kinh doanh và chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp trong sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác hữu quan.
Hay nói một cách khác, CSR là cách tiếp cận có hệ thống, tích hợp các yếu tố phi tài chính vào quyết định hoạt động kinh doanh dựa trên cơ sở xây dựng hướng đến phát triển bền vững, thay vì làm xói mòn hoặc phá hủy đối với nền kinh tế, xã hội, con người và nguồn tài nguyên.
Định nghĩa mới là phù hợp với các nguyên tắc CSR được quốc tế công nhận và hướng dẫn, chẳng hạn hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho các công ty đa quốc gia, ISO 26000 hướng dẫn tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và các nguyên tắc chỉ đạo của Liên hợp quốc về thương mại và nhân quyền.
Định nghĩa mới cung cấp một khái niệm CSR rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự nhất quán toàn cầu về những mong đợi đối với cộng đồng doanh nghiệp, bất kể họ hoạt động ở nơi nào.
Để phát triển chiến lược CSR và thực hiện trách nhiệm xã hội như là một lợi thế cạnh tranh, mang lại những giá trị tốt đẹp, bền vững cho cộng đồng và xã hội, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm sau:
Một là, xác định rõ ai là đối tác hữu quan của doanh nghiệp (stakeholders) và phân tích rõ những mong muốn chính yếu của họ đối với doanh nghiệp, để từ đó hoạch địch chiến lược CSR phù hợp.
Hai là, không chỉ là công tác từ thiện, phát triển chiến lược dài hạn về CSR cần phải gắn liền mục tiêu kinh doanh, giá trị thực và văn hóa của doanh nghiệp, cùng với lợi ích của các đối tác hữu quan.
Ba là, các khởi xướng về CSR nên tập trung, có bộ phận chuyên trách. Để phát huy tốt các cải tiến và phát minh mới, chiến lược CSR nên có sự gắn kết với ngành nghề, phù hợp với năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.
Bốn là, tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) vào chiến lược chung của CSR, nhằm quản trị tốt rủi ro, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ với tính bền vững lâu dài.
Phát triển bền vững đang trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế thế giới. Với Việt Nam, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt đến năm 2020, cần đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường với phát triển xã hội. Đây là trách nhiệm chung cần có sự phối hợp đồng bộ và nỗ lực hơn nữa từ các nhà hoạch định chính sách, các thành viên tham gia thị trường.
Cả nước hiện có hơn 450.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp. Khi CSR được định nghĩa “là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với những tác động của họ đối với xã hội”, nếu như mỗi doanh nghiệp không phát triển chính sách CSR với quy trình kiểm soát tốt các rủi ro về ESG thì tác động tiêu cực đến toàn xã hội và môi trường là không nhỏ.
Biến đổi khí hậu đang đe dọa sự phồn thịnh và tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội và môi trường của toàn nhân loại. Chỉ trong vòng 50 năm, thế giới mất 50% rừng nguyên sinh, hệ sinh thái và động vật hoang dã đang mất dần trong mắt chúng ta. Việt Nam không phải là ngoại lệ, là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, do mực nước biển dâng cao đến năm 2030 theo dự báo của UNDP, khoảng 45% diện tích đất nông nghiệp bị phá hủy và nhiễm mặn, 22 triệu người có khả năng mất nhà cửa, thiệt hại có thể lên đến 10% GDP.
Khi đề cập đến trách nhiệm xã hội, đây là con số mà chúng ta cần suy ngẫm để có những quyết định đúng đắn trong đầu tư và hoạt động kinh doanh. Như vậy, tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm quản trị, môi trường và xã hội (ESG) vào quy trình hoạt động kinh doanh, với nỗ lực nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái và cộng đồng chính là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIÚP DOANH NGHIỆP NÂNG CAO TÍNH CẠNH TRANH
1. Thể hiện tốt đạo đức kinh doanh
2. Quản lý tốt và giảm thiểu các rủi ro
3. Thu hút nhà đầu tư dài hạn và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn mới
4. Nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp
5. Cũng cố vị trí và mở rộng thị phần của doanh nghiệp
6. Tuân thủ tốt các quy định
7. Động lực cho nhân viên và thu hút nhân tài
8. Cải tiến kỹ thuật và học hỏi
9. Tiết kiệm chi phí trong dài hạn
10. Cũng cố quan hệ với nhà cung cấp và các đối tác hữu quan