Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất 5 nhóm sản phẩm du lịch "chủ lực"

0:00 / 0:00
0:00
Đà Nẵng cần khai thác được du lịch tuyến biển cao cấp dưới nước, trên mặt nước và trên bờ, nhất là hình thành điểm đến du lịch MICE.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ tại Hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố". Ảnh: P.T

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ tại Hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố". Ảnh: P.T

Sáng 27/6, tại phiên 1 (Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến) của Hội thảo Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống do Báo Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức, đại diện cộng đồng du lịch TP. Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, ông Lương Hoài Nam đã nhấn rất mạnh vào tiềm năng, lợi thế du lịch của Đà nẵng. Rõ ràng, Đà Nẵng là địa phương hiếm hoi sở hữu quá nhiều lợi thế, để phát triển mạnh mẽ về du lịch trong tương lai gần.

"Đà Nẵng giờ đây không chỉ xác định là điểm đến quốc gia mà là điểm đến khu vực", ông Dũng cho hay. Cộng động du lịch Đà Nẵng xác định 5 nhóm sản phẩm trụ cột, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng.

Nhóm thứ nhất là sản phẩm du lịch tuyến biển cao cấp. Ông Dũng cho rằng, làm sao đó, Đà Nẵng phải khai thác được trên mặt đất, mặt nước, trên bờ. Thứ hai, Đà Nẵng là cửa ngõ "hội tụ" các di sản, nên cần tạo nên những nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử.

Đà Nẵng cần xác định là điểm du lịch mice (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) - đó là hình thành chuỗi sự kiện địa phương. "Chúng ta là điểm đến thu hút các tập đoàn, công ty, tổ chức sự kiện, để nâng tầm vị thế', ông Dũng nhấn mạnh.

Đà Nẵng còn được định hướng là thành phố du lịch đô thị, là thành phố động lực, trung tâm của khu vực, thu hút du khách đến vui chơi, mua sắm, học hành, y tế...

Cuối cùng là du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía Tây TP. Đà Nẵng. "Hình thức du lịch này rất phù hợp với xu thế mới sau dịch", ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, 5 nhóm sản phẩm đó sẽ góp phần tạo đột phá rất lớn cho Đà Nẵng. Để thành phố hấp dẫn du khách hơn, ông Dũng đề xuất thêm các "mảnh ghép" đối với ngành du lịch Đà Nẵng.

"Đến thời điểm này, Đà Nẵng chưa có sản phẩm vươn ra biển, vịnh. Chúng ta chưa khai thác được hệ sinh thái bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng, bãi Nam Hòn Sụp. Đặc biệt, Đà Nẵng hiện chưa có tour ra biển, rất thiếu tour này với các vùng biển du lịch khác. Cộng với sông Cổ Cò, Đà Nẵng phải thông cho được tuyến sông này với Hội An. Sông Cổ Còn sau khi khơi thông, 2 bên bờ có thể hình thành làng nghề, vui chơi giải trí, trở thành thương hiệu mới của Đà Nẵng", ông Dũng chia sẻ.

Mảnh ghép thứ 2, theo ông Dũng, nơi vui chơi, giải trí, về đêm có rồi, nhưng vẫn thiếu, đặc biệt là các show diễn đủ đẳng cấp để buổi tối để du khách đi xem. Thứ 3 là định vị là thành phố sự kiện thì phải tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp... đăng ký chuỗi sự kiện nhiều ngày. Việc này, theo ông Dũng, cần huy động song hành từ nhiều phía, trong đó nhà nước vừa đầu tư, vừa thu hút xã hội hóa.

"Đà Nẵng đáng sống, đáng đến rồi, thì giờ phải định vị Đà Nẵng là thành phố đẳng cấp", ông Dũng nói. Theo ông Dũng, Đà Nẵng không thiếu thương hiệu khách sạn nào. "Tour trực thăng Đà Nẵng có rồi, giờ phải có du thuyền", ông Dũng nói.

Tin bài liên quan