Quan điểm của ông về việc “mạo danh” này?
Theo tôi, việc sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khi không được sự cho phép này là hành vi vi phạm pháp luật, có ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Hành vi này cần phải chấm dứt ngay.
Sự xuất hiện của những công ty hoạt động đại lý bảo hiểm tổ chức này, ông có nhận thấy điều gì bất thường hay điều gì cần lưu ý hay không?
Đại lý bảo hiểm tổ chức là hoạt động được luật cho phép (tất nhiên phải tuân thủ đúng các yêu cầu của pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm như tổ chức đại lý bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn bảo hiểm của tổ chức đại lý đó phải được đào tạo về bảo hiểm và có chứng chỉ hành nghề đại lý bảo hiểm…).
Một số tổ chức như ngân hàng, bưu điện… đang là những đại lý bảo hiểm tổ chức hoạt động rất hiệu quả, và chúng tôi luôn hoan nghênh, ủng hộ những đại lý tổ chức này.
Tuy nhiên, khi xem một số tài liệu giới thiệu của những công ty đăng ký hoạt động đại lý bảo hiểm tổ chức (như đã đề cập trong các bài báo trước của Đầu tư Chứng khoán – pv), tôi thấy có một số vấn đề cần lưu ý.
Cụ thể, về việc tuyển dụng thành viên: Các công ty thông báo việc cá nhân đăng ký làm thành viên chỉ cần đáp ứng yêu cầu ban đầu là có doanh thu phí bảo hiểm (tuỳ từng công ty quy định từ 5 triệu đồng, 10 triệu đồng…) là trở thành thành viên đi tư vấn bán bảo hiểm và hưởng các chính sách hoa hồng của công ty, không cần chứng chỉ hành nghề (đại lý bảo hiểm).
Việc này vi phạm quy định pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm. Thêm vào đó, do không được đào tạo và không có kiến thức về bảo hiểm, họ có thể sẽ tư vấn sai cho khách hàng, dẫn đến ảnh hưởng xấu tới uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có liên quan và cả thị trường bảo hiểm.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là hình thức kinh doanh có những biểu hiện của bán hàng đa cấp. Cụ thể, người tham gia hệ thống đầu tiên phải đóng tiền (tự mua hay bán được sản phẩm như tôi đề cập ở trên) để trở thành thành viên, sau đó phát triển hệ thống bán hàng và hưởng hoa hồng (hoa hồng giới thiệu trực tiếp, hoa hồng gián tiếp, hoa hồng cân cặp, hoa hồng lãnh đạo…).
Cần nhắc lại là mô hình kinh doanh đa cấp được nhà nước cho phép, tuy nhiên có sự giám sát chặt chẽ. Các công ty kinh doanh đa cấp phải được Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp mới được phép kinh doanh. Trong danh mục các công ty được phép bán hàng đa cấp, chúng tôi không thấy tên những công ty này.
Vấn đề cuối cùng là việc mạo nhận là đối tác của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khi chưa được phép, như tôi đã đề cập.
Hệ lụy của việc các hình thức kinh doanh này là gì, thưa ông?
Việc mạo nhận là đối tác của doanh nghiệp bảo hiểm là hành vi vi phạm pháp luật (có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 99/2013 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật hình sự hiện hành).
Hơn nữa, đây là hiện tượng rất đáng lo ngại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thương hiệu của các doanh nghiệp bảo hiểm có liên quan cũng như toàn thị trường bảo hiểm.
Nguy hiểm hơn, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo (như giả mạo hợp đồng, hoá đơn của doanh nghiệp bảo hiểm cấp cho khách hàng, thu tiền sau đó bỏ trốn) thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới bản thân doanh nghiệp bảo hiểm có liên quan và cả thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Vậy, Hiệp hội có khuyến cáo gì đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ?
Chúng tôi đã có văn bản khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hội viên thực hiện một số công việc. Cụ thể:
Thứ nhất, kiểm tra xem xét lại việc hợp tác (nếu có) với các công ty nêu trên cũng như các đại lý tổ chức khác có những biểu hiện tổ chức và hoạt động tương tự. Nếu phát hiện những dấu hiệu vi phạm những quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm của các công ty đó, cần chấm dứt ngay việc hợp tác.
Thứ hai, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần có biện pháp kiểm tra việc các công ty (đại lý tổ chức) này sử dụng thương hiệu của mình khi chưa được phép và có văn bản gửi tới các công ty đó yêu cầu chấm dứt việc sử dụng thương hiệu của mình dưới mọi hình thức và thực hiện các thủ tục pháp lý khác khi thấy cần thiết.
Thứ ba, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có biện pháp kiểm tra, giám sát đảm bảo các nhân viên, đại lý, tổng đại lý của mình sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp bảo hiểm đúng mục đích và nội dung được uỷ quyền.
Thứ tư, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần rà soát, kiểm tra các đại lý tổ chức hiện doanh nghiệp bảo hiểm đang hợp tác, đảm bảo những đại lý tổ chức này đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về hoạt động đại lý theo đúng quy định của pháp luật (đặc biệt lưu ý về vấn đề trình độ và chứng chỉ hành nghề đại lý của đội ngũ tư vấn bảo hiểm).
Cuối cùng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần gửi những đánh giá về hoạt động của các đại lý tổ chức, những đề xuất kiến nghị việc quản lý, hợp tác với đối tượng này về Hiệp hội để Hiệp hội tổng hợp có những khuyến cáo chung cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hội viên cũng như đề xuất với cơ quan quản lý.