Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - Cầu nối  phát triển

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - Cầu nối phát triển

(ĐTCK) Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là ngôi nhà chung, là cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý nhà nước, giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng.

Xem toàn bộ Chuyên đề của Báo Đầu tư Chứng khoán xuất bản ngày 16/12/2013 tại:

>> Bảo hiểm Việt Nam 2013 - Dấu mốc trưởng thành

Được thành lập từ năm 1999, trong 14 năm qua, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) đã thu hút 100% doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là hội viên chính thức, nhiều doanh môi giới bảo hiểm, tư vấn giám định bảo hiểm, văn phòng đại diện công ty bảo hiểm nước ngoài, trường đào tạo cử nhân bảo hiểm là hội viên liên kết. Hiệp hội là ngôi nhà chung, là cầu nối giữa DNBH và cơ quan quản lý nhà nước, giữa DNBH và khách hàng. 14 năm qua, Hiệp hội đã cùng với các DNBH đóng góp tích cực vào sự nghiệp 20 năm phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Cùng DNBH đi đúng chiến lược phát triển ngành

Trong 14 năm hoạt động của mình, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã động viên, khích lệ các DNBH hoạt động, phát triển theo đúng Chiến lược phát triển thị trường Bảo hiểm Việt Nam.

Hiệp hội đã tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm.

Các hoạt động của Hiệp hội và DNBH, các bài viết đánh giá tổng quan thị trường bảo hiểm, các bài diễn đàn trao đổi nghiệp vụ, phân tích đánh giá, phổ biến chính sách pháp luật, xây dựng phóng sự, trả lời phỏng vấn được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trang web của Hiệp hội, Bản tin Bảo hiểm và đời sống ra hàng tháng và Bản tin Số liệu thị trường ra hàng quý là nơi tập trung những thông tin tuyên truyền về bảo hiểm.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng tích cực tham gia ý kiến đóng góp, tư vấn phản biện các dự thảo văn bản pháp quy nhằm xây dựng môi trường pháp lý sát thực tiễn, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - Cầu nối  phát triển ảnh 1

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là ngôi nhà chung của các DNHB, góp phần kết nối giữa các DNBH với nhau và giữa  các

Hiệp hội cử người tham gia thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập, tổ chức các hội thảo, khảo sát thực tiễn, tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp cho các dự thảo văn bản pháp quy liên quan đến Luật và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm như Luật thuế, Luật Giao thông, Luật Hàng hải, Luật Du lịch, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống thiên tai…

Hiệp hội mang tiếng nói chung của cộng đồng DNBH, tổng hợp ý kiến và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, thủ tục để phát triển thị trường bảo hiểm, bao gồm thuế GTGT và thuế TNCN đối với hoa hồng đại lý, thuế nhà thầu tái bảo hiểm ra nước ngoài, không thu thuế VAT đối với tái bảo hiểm, bảo hiểm vận tải biển quốc tế và bảo hiểm vào khu chế xuất, loại dấu của công an trên hồ sơ tai nạn, thuế đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ mà người sử dụng lao động mua cho người lao động, giám định bảo hiểm y tế, phòng chống trục lợi bảo hiểm.

Hiệp hội cũng cùng các DNBH tư vấn phản biện xây dựng các sản phẩm bảo hiểm trong đó có sản phẩm bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước ban hành (cháy nổ bắt buộc, TNDS của chủ xe cơ giới), sản phẩm bảo hiểm triển khai chính sách của Nhà nước (bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp), sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu thị trường (đơn bảo hiểm xây dựng lắp đặt, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô trình Bộ Tài chính ban hành).

Hàng năm, Hiệp hội tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn về nghiệp vụ bảo hiểm, kiến thức pháp luật và quản trị điều hành DNBH, tham gia biên soạn giáo trình đào tạo đại lý bảo hiểm phi nhân thọ, đại lý bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức các khóa đào tạo về nghiệp vụ bảo hiểm, quản trị điều hành chi nhánh DNBH, giám định bảo hiểm xe cơ giới, giám định bảo hiểm y tế, giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, kết hợp với Học viện Tài chính tổ chức một khóa đào tạo văn bằng 2 về bảo hiểm. Kết hợp với các hiệp hội bảo hiểm nước ngoài tổ chức nhiều khóa đào tạo về nghiệp vụ bảo hiểm.

Áp lực cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh làm cho các DNBH mang tính đối đầu đi liền với hợp tác. Để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, Hiệp hội đã ban hành quy chế ứng xử giữa các DNBH, quy chế xử lý đại lý vi phạm, chuẩn mực đạo đức đại lý bảo hiểm nhân thọ, cam kết của các DNBH nhân thọ đối với khách hàng, thỏa thuận hợp tác trong các nghiệp vụ bảo hiểm.

Các ban bán chuyên trách của Hiệp hội bao gồm các trưởng bộ phận các nghiệp vụ của DNBH cùng nhau bàn bạc, đánh giá, phân tích thị trường, đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo, xây dựng nội dung chương trình hợp tác và chương trình hoạt động chung hàng năm làm cơ sở để lãnh đạo DNBH chấp thuận đưa vào chương trình hoạt động của Hiệp hội hàng năm.

 

Quản lý hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới

Công tác quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới được Hiệp hội tiến hành chặt chẽ, bàn bạc dân chủ, công khai, thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch được Bộ Tài chính phê chuẩn hàng năm và được công ty kiểm toán độc lập kiểm toán.

Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã tập chung cho hoạt động tuyên truyền bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới và đảm bảo an toàn giao thông với các chương trình lớn, phối hợp với Trung ương Đoàn, Cảnh sát giao thông, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Tài trợ đầu tư xây dựng các công trình khắc phục điểm đen tai nạn giao thông với 32 công trình trên 3 miền cả nước, hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân bị tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn không được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới có mở rộng thêm bảo hiểm vật chất, bảo hiểm hàng hóa chuyên chở, bảo hiểm người ngồi trên xe, bảo hiểm TNDS tự nguyện với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, dự án đang vào giai đoạn kết thúc, chuyển giao, nghiệm thu.

 

Mở rộng quan hệ hợp tác uy tín trong và ngoài nước

Hiệp hội Bảo hiểm phát triển và gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp, đem lại sự ủng hộ, hợp tác phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam của các cơ quan nhà nước trực thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Nhiều tổ chức, ban, ngành, từ uy tín của Hiệp hội, đã đến tham vấn ý kiến, trao đổi thông tin, xin ý kiến đóng góp cho các văn bản pháp quy.

Nhiều tổ chức bảo hiểm, tổ chức tín dụng quốc tế đến thăm và làm việc với Hiệp hội. Nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp trợ giúp Hiệp hội để phát triển thị trường bảo hiểm như Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản, Hàn Quốc, Học viện Bảo hiểm Nhật Bản, Malaysia, Loma, Tổ chức tính phí Bảo hiểm Nhật Bản, Quỹ Bảo hiểm năng lượng nguyên tử Nhật bản.

Đặc biệt, Hiệp hội đã ký thỏa thuận hợp tác về vảo hiểm với Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản, Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Hàn Quốc, Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc. Hiệp hội đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng các hiệp hội bảo hiểm Đông Nam Á lần thứ 29 (năm 2003) và 39 (năm 2013).

Với thành tích trên, Hiệp hội Bảo hiểm đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2009), nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Năm 2012, Hiệp hội được Bộ Nội vụ và VCCI đánh giá xếp loại là một trong hai Hiệp hội (cùng với Hiệp hội Ngân hàng) có năng lực hoạt động tốt nhất.

NHỮNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ 20 NĂM PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VIỆT NAM (1993 - 2013)

1. Nghị định 100/CP ngày 18/12/1993 về kinh doanh bảo hiểm là cơ sở pháp lý hình thành thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ và kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm: Từ 1993 - 2001, có thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ Việt Nam, 4 DNBH phi nhân thọ nước ngoài, 4 DNBH nhân thọ nước ngoài và 1 DN môi giới bảo hiểm, cùng với Bảo Việt; tạo ra nhiều thành phần kinh tế;  kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua môi giới, đại lý.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam gia nhập Hội đồng các cơ quan quản lý nhà nước về Bảo hiểm ASEAN (AIRM) và Hội đồng Bảo hiểm các nước ASEAN (AIC) tháng 8/2001, đồng thời đăng cai tổ chức thành công Hội nghị AIRM lần thứ 6, hội nghị AIC lần thứ 29 tại Hà Nội năm 2003.

3. Thực hiện cổ phần hóa các DNBH bắt đầu từ năm 2003, đi đầu là Bảo Minh, Vinare, Bảo Việt, PVI.

4. Lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán, bán cổ phần thu được thặng dư vốn lớn hơn nhiều lần vốn khi cổ phần hóa, bắt đầu từ năm 2005, đi đầu là Vinare, Bảo Minh, Bảo Việt, PVI, PTI, Bảo Long, PJICO, BIC.

5. Xóa bỏ rào cản phân biệt đối xử với DNBH nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận cạnh tranh. Từ năm 2005, thực hiện Thông tư 98, Thông tư 99 bỏ rào cản bán bảo hiểm vào khu vực kinh tế nhà nước, bán sản phẩm bảo hiểm bắt buộc và tái bảo hiểm bắt buộc, đồng thời quy định chế độ tài chính chung cho DNBH Việt Nam và nước ngoài.

6. BIDV mua lại toàn bộ vốn góp của QBE trong liên doanh Việt Úc, thành lập nên Bảo hiểm BIC năm 2005; QBE mua lại Allianz Việt Nam năm 2005; tiếp đến, Dai-ichi mua lại Bảo Minh - CMG năm 2007.

7. Triển khai sản phẩm nhân thọ phi truyền thống: Từ năm 2007, DNBH nhân thọ được phép triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị.

8. Chấp nhận cạnh tranh với việc bán sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ qua biên giới và thành lập chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, được quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.

9. Thực hiện chính sách bảo hiểm của Nhà nước. Từ năm 2011, Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare thực hiện thí điểm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi, thủy sản tại 20 tỉnh, thành phố. 7 DNBH (Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, UIC, AIG, QBE, Bảo Việt Tokiomarine) tiến hành thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

10. Tiến hành tái cơ cấu DNBH: Từ năm 2011, thực hiện chủ trương của Nhà nước, các DNBH tiến hành tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, đầu tư tài chính, sản phẩm bảo hiểm, mạng lưới quản lý, hệ thống kênh phân phối, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và hệ thống dịch vụ chăm sóc khách hàng.

11. Các DNBH vượt qua khó khăn thách thức: Từ năm 2011, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thắt chặt tín dụng, thắt chặt đầu tư, chi tiêu công, hàng tồn kho và nút thắt tín dụng, các DNBH tiếp tục thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.

12. Bảo hiểm nhân thọ tiến hành bảo hiểm hưu trí tự nguyện từ năm 2013, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

13. Các DNBH tham gia thành lập Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (năm 2009), Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm (năm 2013) và chuẩn bị thành lập Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử.

14. Thành lập Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 1999, tăng cường tính hợp tác, tự quản giữa các DNBH. Các DNBH vừa coi nhau là đối thủ cạnh tranh, vừa coi nhau là đối tác cùng phát triển.

15. Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị về Bảo hiểm các nước ASEAN (AIRM 16 và AIC 39) do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 4 - 6/12/2013.

>>Bảo hiểm xe cơ giới, có còn đất dụng võ?

>>Bảo hiểm trực tuyến, một chiến lược lâu dài

>>Cơ hội mang tên “bảo hiểm sức khỏe”

>>Sự chuyển hướng của những sản phẩm bảo hiểm mới