Cơ hội kèm thách thức
Với triển vọng hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam sẽ có những thay đổi theo hướng thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn. Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên nhóm G-20. DN có thể xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước với mức thuế suất thấp...
Về cơ bản, các hiệp định thương mại nêu trên sẽ có tác động tốt đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, nhưng đi đôi với các hiệp định thường là những rào cản về kỹ thuật, những “thủ thuật” về thuế quan, hàng rào về bản quyền thương hiệu, hàng rào về chính sách an sinh xã hội, môi trường… mà các nước nhập khẩu đưa ra chuẩn mực rất cao, đôi khi cao hơn chuẩn mực mà DN tại nước họ phải áp dụng. DN xuất khẩu Việt Nam để vượt qua các rào cản này có khi phải bỏ ra chi phí cao hơn cả số thuế nhập khẩu mà DN phải đóng khi nhập khẩu vào nước đó. Vì thế, việc đàm phán để đưa ra những chuẩn chung cho các vấn đề trên là rất quan trọng, đồng thời một số luật của Việt Nam phải chỉnh sửa theo đúng chuẩn mực quốc tế, nhất là Luật Lao động.
Hiệp định TPP, DN thủy sản gặp khó
Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có tác động đối với các DN thủy sản khi xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Thế nhưng, thuế nhập khẩu thủy sản vào Mỹ, Úc hiện đã bằng 0; thuế nhập khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bằng 0 do Việt Nam có hiệp định song phương với hai nước này. Trong khi đó, chúng ta phải thực thi những quy định rất khắt khe về bản quyền, an sinh xã hội và môi trường của hiệp định. Vì thế, với Hiệp định TPP, DN thủy sản Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhiều hơn là thuận lợi; được hưởng lợi nhiều nhất là DN dệt may và da giầy.
Đáng chú ý, Luật Lao động của Việt Nam có nhiều quy định rất khắt khe, rắc rối, không được các nước nhập khẩu đánh giá cao khi đánh giá chính sách an sinh xã hội của DN. Chẳng hạn, Luật Lao động quy định, 1 tuần không được làm thêm quá 12 giờ, 1 tháng không được làm thêm không quá 30 giờ và 1 năm không được làm thêm quá 300 giờ. Trong khi đó, các nước khác họ chỉ quy định 1 năm làm thuê không quá 500 giờ, 600 giờ hay 700 giờ, nên các DN được linh động áp dụng. Ngành thủy sản mang tính chất mùa vụ và theo con nước nên vào những tháng mùa vụ và vào những ngày con nước, tôm rất nhiều, DN không tổ chức làm thêm thì không thể giải quyết hết tôm nguyên liệu cho người nuôi tôm. Thực tế, chủ DN không muốn để công nhân làm thêm giờ vì làm phải trả lương cao gấp 1,5 lần, nếu làm thêm sau 10h đêm phải trả lương gấp 2 lần, còn làm thêm trong ngày lễ, ngày tết thì phải trả lương gấp 4 lần (ngày lễ 30/4, 1/5 đúng vào thời vụ thu hoạch tôm; ngày 2/9 đúng vào mùa tiêu thụ).
Các DN thủy sản mong muốn, Hiệp định TPP bỏ thuế chống phá giá và các hàng rào kỹ thuật phải công bằng hơn và phù hợp với trình độ của nước xuất khẩu, hàng rào về bản quyền và hàng rào về môi trường, an sinh xã hội phải có lộ trình để các DN Việt Nam có thời gian để thích ứng. Đặc biệt, nghiêm cấm quy định về hạn ngạch và quota của các nước nhập khẩu. Thực tế, một số nước nhập khẩu dùng xảo thuật là đấu thầu quota cho các DN nhập khẩu của họ, đôi khi số tiền phải nộp để trúng quota nhập khẩu còn cao hơn cả thuế nhập khẩu trước đây.
Việt Nam cũng nên mạnh dạn và tích cực đấu tranh, trừng phạt DN các nước vi phạm cam kết trong các hiệp định song phương và đa phương.
Về phía DN, cần chuẩn bị vốn lớn để mua bản quyền phần mềm, bản quyền mẫu mã máy móc thiết bị, mẫu mã dụng cụ sản xuất và hàng hóa; đồng thời đầu tư cho công nghệ để đảm bảo đạt yêu cầu trước những quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngày 10/12, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Ngày 13/12, vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga-Belarus-Kazakhstan) đã kết thúc cơ bản quá trình đàm phán Hiệp định này. Việt Nam đang tích cực tham gia các vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (FTA), Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)…, với triển vọng hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do trong tương lai gần. |