Hiệp định thương mại biên giới Việt Trung, cơ hội Agribank khẳng định vị trí dẫn đầu về thanh toán biên mậu

Hiệp định thương mại biên giới Việt Trung, cơ hội Agribank khẳng định vị trí dẫn đầu về thanh toán biên mậu

(ĐTCK) Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc ký kết ngày 12/9/2016. Theo Hiệp định, thương mại biên giới thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu (điểm) chợ biên giới được hai bên thỏa thuận nhất trí mở tại 7 tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam và 2 tỉnh/khu Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). 

Hiện nay, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2011-2016 đạt trên 100 triệu USD, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 25% trong kim ngạch thương mại giữa 2 nước.

Thị trường Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, điển hình như các mặt hàng sắn (90%), gạo (40%), cao su (50%)… Trên nền tảng đó, hoạt động thương mại biên giới đang trên đà phát triển mạnh và dần trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên những địa bàn biên giới trọng yếu của đất nước.

Cơ cấu hàng hóa thương mại biên giới có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng, phong phú hơn. Thông qua hoạt động thương mại biên giới, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm được xuất khẩu biên mậu sang Trung Quốc đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và các dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ khác của Việt Nam.

Đồng thời, thông qua hoạt động thương mại biên giới, Việt Nam đã nhập khẩu được một số nguyên, nhiên vật liệu, vật tư cần thiết từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trong nước như than cốc, phân bón và hóa chất công nghiệp…

Đây là cơ sở để Agribank qua đó có thể tận dụng tốt các cơ hội của hiệp định mang lại, khẳng định vị thế dẫn đầu của Agribank tại các thị trường biên giới, đặc biệt là đối với sản phẩm thanh toán biên mậu (TTBM). 

Trong những thập niên trở lại đây, hình thức thanh toán trong thương mại mậu biên song phương Việt Nam Trung Quốc rất đa dạng từ hàng đổi hàng, tiền mặt, thanh toán qua swift…, tuy nhiên gần đây TTBM là một hình thức mang tính đặc thù riêng, đang được nhiều ngân hàng thương mại quan tâm và triển khai rất mạnh.

Là ngân hàng đi đầu trong triển khai dịch vụ TTBM với thị trường Trung Quốc vào năm 1997, đến nay Agribank tiếp tục là ngân hàng có thị phần cao nhất trong hoạt động này.

Trong những năm gần đây, doanh số TTBM Việt - Trung của Agribank đều tăng qua các năm, thu phí dịch vụ cũng tăng cao so với thời điểm trước. Đặc biệt trong giai đoạn từ 2013 đến 2017, kết quả TTBM với thị trường Trung Quốc của Agribank đạt được những con số hết sức ấn tượng: doanh số thanh toán đạt hơn 159.000 tỷ VND.

Trong đó, năm 2016 chứng kiến doanh số thanh toán kỷ lục trong hoạt động TTBM của Agribank với các Ngân hàng Trung quốc đạt mức 39.576 tỷ VND, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015, năm 2017 đạt mức 48.295 tỷ VND, tăng 22% so với năm 2016. Hoạt động TTBM của Agribank được thực hiện dựa trên các thỏa thuận chung và thỏa thuận TTBM chi tiết ký kết với các ngân hàng thương mại của Trung Quốc.

Doanh số thanh toán của Agribank tại thị trường Trung Quốc tập trung tại các ngân hàng đối tác truyền thống như Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc (BOC) và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC).

Các sản phẩm dịch vụ TTBM Việt - Trung của Agribank cung cấp cho khách hàng được triển khai qua các kênh: Kênh phân phối truyền thống - tại quầy giao dịch như: hối phiếu ngân hàng; chứng từ chuyên dụng biên mậu; thư bảo lãnh TTBM; thư tín dụng (mở L/C, nhờ thu, xác nhận, thông báo L/C, chiết khấu bộ chứng từ,...); dịch vụ chuyển tiền gồm: chuyển tiền bằng thư ủy thác, qua SWIFT; thu đổi đồng tiền biên giới; và Kênh phân phối hiện đại - qua mạng trực tuyến Internet Banking (triển khai từ năm 2007).

Để đạt được những thành quả như trong thời gian vừa qua, Agribank đã không ngừng nỗ lực: Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ (thông qua hệ thống mạng lưới rộng khắp và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng, thủ tục đơn giản, an toàn, hiệu quả); Xây dựng và triển khai chính sách khách hàng ( xây dựng một số cơ chế chính sách riêng cho các đối tượng khách hàng có sử dụng sản phẩm TTBM, đặc biệt là các khách hàng thân thiết, có quan hệ thường xuyên với ngân hàng); Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cung cấp, đáp ứng tốt nhu cầu, qua đó tiết giảm thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng; Biểu phí sản phẩm dịch vụ TTBM linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn hoạt động; Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin sản phẩm dịch vụ cho khách hàng; Triển khai các chương trình khuyến mại nhằm đem đến cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ TTBM tốt nhất tại Agribank; Không mừng mở rộng kết nối với các ngân hàng bên phía Trung Quốc nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng. 

Trong bối cảnh ngày càng nhiều khách hàng tham gia TTBM, cạnh tranh trong hoạt động này giữa các NHTM cũng ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, với vai trò là ngân hàng thương mại  đầu tiên của Việt Nam triển khai hoạt động TTBM với các nước có chung biên giới, qua hơn 20 năm kinh nghiệm triển khai hoạt động TTBM với thị trường Trung Quốc (từ năm 1997), Agribank vẫn luôn là ngân hàng thương mại có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này với hệ thống mạng lưới gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt tại khắp vùng, miền, huyện đảo của cả nước, nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, thường xuyên được cập nhật kiến thức nghiệp vụ mới...

Đến nay, hoạt động TTBM của Agribank nói chung và TTBM Việt - Trung nói riêng liên tục phát triển, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh cũng như phát triển thương hiệu Agribank, góp phần tích cực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương Việt Nam - Trung Quốc và cũng là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa Việt Nam - Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực.