Hiệp định RCEP tạo hiệu ứng tích cực cho xuất khẩu thủy sản VN

0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, hiệp định RCEP sẽ mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành thủy sản khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực.
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Tại Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường RCEP diễn ra ngày 27/5, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP sẽ mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành thủy sản khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực.

Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này 4 tháng đầu năm nay có sự khởi sắc đáng kể, đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm cá tra, cá basa, tôm đông lạnh. Với quy mô thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc nên còn nhiều dư địa cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường tỷ dân này.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt trong nước của Trung Quốc hiện đạt 64 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu tiêu dùng lên tới 67,3 triệu tấn/năm và đây là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tuy vậy, để tận dụng hết các cơ hội thị trường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường ngoài nước lưu ý các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm là khuyến cáo được đưa ra cho doanh nghiệp thuỷ sản trong nước để thâm nhập an toàn, bền vững vào thị trường khối RCEP.

“Các cơ quan chức năng trong nước giám sát chặt chẽ chất lượng thuỷ sản xuất khẩu. Nếu không kiểm soát được, hàng hoá sẽ bị trả về hoặc tiêu huỷ, chi phí phát sinh là rất lớn,” ông Nông Đức Lai nói.

Cũng theo ông Lai, công tác phổ biến, cập nhật thông tin về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc cần được đẩy mạnh. Ngoài hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp nên chủ động có cán bộ chuyên trách biết ngôn ngữ nước sở tại theo dõi và cập nhật kịp thời thông tin thị trường.

Trong khi đó, với thị trường Singapore, ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo các doanh nghiệp khi xuất khẩu mặt hàng thực phẩm vào thị trường này nên xác định danh mục thực phẩm; xin cấp phép/đăng ký với SFA; tuân thủ các quy định liên quan đến thực phẩm, nhãn mác; xin phép nhập khẩu; đặt lịch kiểm định chất lượng để nhập khẩu.

Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN.

Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với các nước này. Tiếp sau đó, RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 1/2/2022 và có hiệu lực với Malaysia từ 18/3/2022.

Tin bài liên quan