Giá lương thực toàn cầu đã giảm trong những tháng gần đây sau khi trải qua hai năm rất bất ổn vào năm 2021-2022.
Tuy nhiên, Rubens Marques, người đứng đầu khu vực Nam Á và Đông Nam Á tại công ty kinh doanh hàng nông sản Louis Dreyfus cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, những bất ổn kéo dài khi giá phân bón và dầu thô tăng cao do xung đột địa chính trị đã khiến chi phí sản xuất và phân phối các mặt hàng nông nghiệp nói chung ở mức cao.
Ngoài sự suy thoái kinh tế toàn cầu và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau các hạn chế về Covid, hiện tượng thời tiết El Nino, một hiện tượng có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm và thường liên quan đến hạn hán và khan hiếm nước ở châu Á có thể gây ảnh hưởng tới giá lương thực. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tuần trước cho biết, El Nino có khả năng phát triển cao hơn nhiều từ tháng 6 đến tháng 8.
“Cho đến nay, chúng tôi đã được hưởng lợi ở Indonesia từ những năm thời tiết La Nina, điều đó có nghĩa là có đủ mưa ở khu vực. Nhưng sau ba năm La Nina, thông thường chúng ta sẽ có một quá trình chuyển đổi và cuối cùng là hiện tượng El Nino xuất hiện. Vì vậy, rất khó để đưa ra dự đoán liệu giá lương thực sẽ tăng hay giảm, nhưng chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều biến động trong tương lai”, ông Rubens Marques cho biết.
El Nino có thể dẫn đến sản lượng thấp hơn đối với các sản phẩm nông nghiệp như dầu cọ, cà phê và gạo - trong đó một số nước Đông Nam Á là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu - và đường và ngũ cốc, những mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ.
Mặc dù hiện tượng El Nino chỉ là tạm thời, Louis Dreyfus cho biết có những lo ngại dài hạn về tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng ở châu Á chủ yếu do biến đổi khí hậu, đồng thời lưu ý đến các thảm họa thiên nhiên thường xuyên hơn như lũ lụt lớn ở Pakistan vào năm ngoái. Sự sẵn có của đất canh tác cũng đang bị thu hẹp khi dân số tiếp tục gia tăng trên nhiều quốc gia.
Ngoài ra, ông Marques cho biết quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng gây ra rủi ro vì điều đó có nghĩa là sẽ có ít người làm việc trong các trang trại hơn. Hơn nữa, hầu hết các mặt hàng nông nghiệp ở châu Á vẫn được sản xuất bởi các hộ nông dân nhỏ, và họ là những người dễ bị tổn thương hơn trước tất cả các mối đe dọa đó.
Trong khi đó, hầu hết các nước châu Á có hoạt động kém trong bảng xếp hạng an ninh lương thực toàn cầu. Trong Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu 2022 do Economist Intelligence Unit công bố, Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 40 trong số 113 quốc gia được xếp hạng. Indonesia và Ấn Độ lần lượt xếp thứ 63 và 68.
Để giải quyết những vấn đề như vậy, Louis Dreyfus hiện đang làm việc với các đối tác là nông dân sản xuất nhỏ ở các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ trong một loạt các dự án bền vững. Chúng bao gồm những mục tiêu nhằm phát triển canh tác hữu cơ và các kỹ thuật thông minh với khí hậu để giảm lượng khí thải carbon.
Louis Dreyfus cũng đã bắt đầu đầu tư hạt giống vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á để có thể đưa ra các giải pháp bền vững để nuôi sống dân số ngày càng tăng của khu vực. Công ty cho biết, đã tham gia một sáng kiến do cơ quan chính phủ Singapore JTC đưa ra vào năm ngoái để kết nối các công ty toàn cầu với các công ty khởi nghiệp đang nghiên cứu các vấn đề như tính bền vững. Những nỗ lực đó sẽ giúp các công ty kinh doanh lương thực trên toàn cầu đảm bảo chuỗi cung ứng sạch hơn.