Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen

Hiện tượng Bankrun có thể sẽ còn tồi tệ hơn sau tuyên bố của bà Yellen

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen "quay xe" có thể khiến dòng tiền gửi sẽ chạy khỏi các ngân hàng (bankrun) sẽ ngày một nhanh hơn.

Tỷ phú Bill Ackman, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Pershing Square, dự báo dòng tiền gửi sẽ chạy khỏi các ngân hàng sẽ ngày một nhanh sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen "quay xe", không cam kết bảo hiểm đối với tất cả các khoản tiền gửi, cùng với động thái nâng lãi suất 0,25% mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

“Chúng ta đã chuyển từ hỗ trợ ngầm cho người gửi tiền sang tuyên bố rõ ràng của Bộ trưởng Yellen rằng không có gì được đảm bảo hết. Đồng thời, lãi suất hiện đã được tăng lên 5% và tiền gửi ngân hàng đang kém hấp dẫn hơn nhiều. Tôi sẽ không bất ngờ nếu dòng tiền gửi bị rút ra tăng nhanh “, ông Ackman nhận định.

Vị tỷ phú này đề xuất: “Cần có sự đảm bảo tạm thời cho tiền gửi trên hệ thống nhằm ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Nếu để những rung lắc trên thị trường ngân hàng kéo dài thì thiệt hại đối với các ngân hàng nhỏ sẽ càng lớn và việc kéo niềm tin của khách hàng trở lại sẽ càng khó khăn”.

Ông Ackman cho rằng, những ý kiến của bà Yellen cùng với việc Fed vẫn quyết định nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản đang gây thêm áp lực lên các ngân hàng nhỏ trong hệ thống (ngân hàng địa phương, khu vực).

Silicon Valley Bank (SVB) đã sụp đổ sau khi người gửi tiền ồ ạt rút 42 tỷ USD trong thời gian ngắn. Lúc này SVB đã không thể đáp ứng hết nhu cầu rút tiền của khách hàng, buộc các cơ quan quản lý phải can thiệp.

Trước đó vào ngày 21/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã cố gắng trấn an thị trường bằng cách tuyên bố Chính phủ có thể lặp lại những động thái quyết liệt gần đây nhằm bảo vệ người gửi tiền. Bà Yellen nói: “Sự can thiệp của chúng tôi trong những ngày qua là cần thiết để bảo vệ hệ thống ngân hàng Mỹ. Chính phủ sẽ thực hiện những hành động tương tự nếu các tổ chức tài chính nhỏ hơn bị rút tiền ồ ạt và có rủi ro gây hệ luỵ lớn hơn”.

Nhóm các ngân hàng nhỏ và vừa của Mỹ có thể là nguồn gốc của nhiều vấn đề trong tương lai. Nhóm các ngân hàng với tổng tài sản ít hơn 250 tỷ USD chiếm khoảng nửa trong tổng tài sản ngành ngân hàng Mỹ và ước tính khoảng 80% các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản thương mại, lĩnh vực vốn đã chịu nhiều tổn thương tính từ đại dịch COVID-19. Nếu các ngân hàng nhỏ tiếp tục mất đi tiền gửi hoặc cần phải huy động vốn bởi nhà đầu tư và nhà quản lý hoài nghi về độ an toàn của họ, họ sẽ hạn chế cấp tín dụng, kết quả, tăng trưởng kinh tế và lạm phát chậm lại.

Bà Yellen nói, các rắc rối hiện nay rất khác với khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước. Vấn đề trong quá khứ là khả năng thanh toán nợ, còn thách thức của ngày nay là “các đợt rút tiền hàng loạt mang tính lây nhiễm”. Theo bà, điều tối quan trọng lúc này là các ngân hàng tiếp cận được với thanh khoản và ngụ ý rằng Fed là tổ chức có vai trò quan trọng nhất để gỡ rối tình hình.

Bà nói thêm rằng, hệ thống tài chính Mỹ hiện nay mạnh mẽ hơn nhiều hồi năm 2008, một phần là nhờ các cải cách hậu khủng hoảng đã nâng cao yêu cầu vốn đối với ngân hàng. Chính phủ Mỹ cũng kỳ vọng sẽ bảo vệ vai trò của các ngân hàng vừa và nhỏ trong hệ thống tài chính.

“Các ngân hàng lớn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của chúng ta, nhưng các ngân hàng vừa và nhỏ cũng vậy. Bộ Tài chính cam kết đảm bảo sức khỏe và khả năng cạnh tranh của cộng đồng tài chính và các ngân hàng khu vực”, bà Yellen khẳng định.

Tuy nhiên chỉ sau đó một ngày, bà Yellen lại khẳng định, cơ quan này hiện đang không hề cân nhắc đến việc mở rộng chương trình bảo hiểm tiền gửi đến tất cả các đối tượng.

Tin bài liên quan